75 năm qua, ngành Thanh tra luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thấm nhuần tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC), phòng, chống tham nhũng (PCTN) và xây dựng ngành.

Kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Thanh tra

Cách đây gần 75 năm, chỉ sau hơn 2 tháng chính quyền được thành lập, vào ngày 23/11/1945, với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt - tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam.

Ban Thanh tra này có nhiệm vụ “xét và giải quyết những vụ tham ô, bắt người trái phép, thu thập ý kiến của nhân dân, thực hiện giám sát các ủy ban nhân dân trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ”.

Từ năm 1945 đến năm 1969, Người đã ký 38 sắc lệnh liên quan đến tổ chức, cán bộ và công tác thanh tra. 3 lần (vào các năm 1957, 1960, 1961), Người đến dự và phát biểu với hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc với nhiều bài nói, bài viết về công tác thanh tra, kiểm tra quan trọng khác.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc tháng 4/1957, Người chỉ rõ “thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào. Vì vậy, cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng. Thanh tra không phải chỉ đi xem địa phương thực hiện nghị quyết, chỉ thị như thế nào. Nếu họ làm sai hay gặp khó khăn còn giúp đỡ họ làm cho đúng với nghị quyết, chỉ thị của trên đưa xuống. Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt”.

Từ đó, lời dạy của Bác “thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới”, “cán bộ thanh tra phải có phẩm chất đạo đức cách mạng, phải cẩn thận, khách quan, chống quan liêu” đã trở thành tư tưởng chỉ đạo, phương châm hoạt động, mục tiêu phấn đấu của ngành Thanh tra.

Về công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC của người dân, xuất phát từ tư tưởng “dân là gốc”, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Bác Hồ và Đảng ta đã rất quan tâm việc thể chế và hiện thực hóa quyền tự do, dân chủ, trong đó có quyền KN,TC của nhân dân.

Về phẩm chất của cán bộ thanh tra, trong bài nói chuyện tại Hội nghị Thanh tra toàn miền Bắc năm 1957, Bác còn căn dặn “cán bộ thanh tra phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”, “cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được”…

Bác thường xuyên nhắc nhở cán bộ thanh tra “phải cố gắng học tập, học cái hay, tránh cái dở, trau dồi đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn để làm việc cho tốt”.

Bác cũng nói: “Đối với cán bộ được làm công tác thanh tra là một vinh dự. Vì sao? Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng. Đảng và Chính phủ có tin tưởng mới giao cho làm nhiệm vụ ấy. Có thể nói cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ. Tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”.

Nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960, Người nói: “Nhiệm vụ của các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, hợp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy, đồng bào có oan ức mới khiếu nại, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ".

75 năm một chặng đường

Có thể nói, kể từ khi Ban Thanh tra đặc biệt được thành lập đến nay, ngành Thanh tra đã trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành. Qua mỗi thời kỳ cách mạng, tổ chức và hoạt động thanh tra lại có bước phát triển mới và đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong 75 năm qua, nhất là từ năm 1986 đến nay, cùng với việc thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, triển khai thực hiện Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhiều văn bản pháp lý quan trọng quy định tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra được ban hành, như Pháp lệnh Thanh tra, Pháp lệnh Giải quyết KNTC, Pháp lệnh Chống tham nhũng.

Sau này, các pháp lệnh được nâng lên thành luật và được Quốc hội thông qua như Luật Thanh tra, Luật KN, Luật TC, Luật PCTN và Luật Tiếp công dân tạo điều kiện để đưa tổ chức và hoạt động thanh tra đi vào nền nếp.

Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan thanh tra theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ cấu tổ chức để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN; tăng cường quan hệ phối hợp với các ngành, các cấp tạo sự đồng thuận, thống nhất trong công tác; nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra…

Ngoài ra, ngành Thanh tra cũng luôn coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế với 3 trụ cột chính là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành Thanh tra; kiểm tra, rà soát, thẩm định, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN.

Thực hiện việc gắn hoạt động thanh tra với giải quyết KN,TC, PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong những năm gần đây, công tác giải quyết KN,TC được ngành Thanh tra triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đạt được những kết quả tích cực. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về KN,TC trong nhân dân, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, ngành nói chung, ngành Thanh tra nói riêng có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều vụ việc KN,TC mới phát sinh đã được tập trung giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

75 năm qua, ngành Thanh tra từng bước phát triển, trở thành lực lượng quan trọng trên mặt trận PCTN. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được tăng cường; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tiến hành đồng bộ, nhất là việc công khai, minh bạch hoạt động của bộ máy Nhà nước, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các ngành, các cấp trong việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Qua hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN, ngành Thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật, trong đó có một số vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã và đang được các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt để đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất, một số vụ việc đã được tuyên mức hình phạt cao nhất là tử hình, được dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Quá trình 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của ngành Thanh tra là một chặng đường dài đầy khó khăn, gian khổ, phức tạp và thách thức. Nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra luôn nguyện phấn đấu, học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống và công tác, giữ gìn phẩm chất cao quý của ngành là “trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết, khách quan, công tâm” góp phần xây dựng ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Phương Hiếu