Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẫn chưa có hồi kết

Thứ sáu, 13/07/2012 - 06:55

(Thanh tra)- Nhà trường đã nhiều lần chia đất công trái quy định, Thanh tra thị xã Từ Sơn, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh kết luận có nhiều sai phạm, tuy nhiên một số sai phạm nghiêm trọng đã không bị kiến nghị xử lý. Trong khi đó, yêu cầu chính đáng của người dân liên tục bị trì hoãn… Đây là những bức xúc của hơn chục hộ gia đình cán bộ giáo viên (CBGV) Trường Cao đẳng Công nghiệp (CĐCN) Hưng Yên cơ sở 2.

Dãy nhà tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng không biết bao giờ mới được xây dựng, sang nhượng khi chưa được cấp sổ đỏ

“Bỏ quên” kiến nghị xử lý vi phạm

Bà Vũ Thị Bé, nguyên cán bộ nhà trường cho biết: Ngày 9/9/2011, bà đại diện cho 11 hộ có đơn khiếu tố gửi lãnh đạo Thanh tra tỉnh Bắc Ninh về việc Thanh tra tỉnh đã kết luận nhưng “quên” không kiến nghị xử lý thu hồi nhà, đất do lãnh đạo Trường CĐCN Hưng Yên cơ sở 2 phân, bán trái quy định cho một số đối tượng… Ngày 12/1/2012, Văn phòng Tiếp công dân tỉnh cũng đề nghị chuyển đơn đến Thanh tra tỉnh giải quyết theo Luật Khiếu nại, tố cáo nhưng phản ánh của các hộ đến nay vẫn không được xem xét, trả lời.

Ngày 28/1/2008, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh ban hành Kết luận số 02 nêu rõ: Lãnh đạo Trường CĐCN Hưng Yên đã chia đất, bán nhà trái quy định cho một số người cả trong và ngoài nhà trường, gồm các ông, bà: Phan Tất Diệu, Lê Văn Giang, Hoàng Thị Sáu, Nguyễn Thị Sáng… Tuy nhiên, tại kết luận này, Thanh tra tỉnh chỉ yêu cầu “Trường CĐCN Hưng Yên ra quyết định thu hồi biên bản ngày 4/6/2007 của cơ sở 2 và việc giao cho bà Sáng 1 gian nhà tập thể trái thẩm quyền, trái quy định về quản lý, sử dụng đất…”. Các trường hợp còn lại (ông Diệu, ông Giang, bà Sáu…) cũng được nhà trường chia đất, bán nhà nhưng bị “quên” kiến nghị xử lý. Vì thế, nhà trường cũng không thu hồi và tồn tại đến nay...

Chưa hết, dãy nhà ngoài cổng trường là đất tập thể đã được chia, theo tố cáo, chưa đóng tiền sử dụng đất, hiện đã được cấp sổ đỏ và các chủ hộ của dãy nhà này tiếp tục được chia nhà, đất tập thể ở trong trường (chia lần 2)…

Những khuất tất trên đã gây bức xúc khiếu kiện kéo dài nhiều năm nay của các CBGV nhà trường (Báo Thanh tra đã có loạt bài phản ánh).

Ông Nguyễn Sĩ Huyền, một cán bộ hưu trí phản ánh: Đầu năm 2012, chính quyền tỉnh còn tiếp tay hợp thức cho lãnh đạo nhà trường chia thêm đất cho bà Hán Thị Thêu (cán bộ nhà trường) có chồng làm tại Văn phòng Tỉnh ủy Bắc Ninh. Trong khi đó, những cán bộ hưu trí như chúng tôi có đóng góp nhiều cho nhà trường, nhà tập thể đã mua thanh lý từ mấy chục năm nay, họ không giải quyết cấp sổ đỏ. Trái lại, họ còn nại ra nhiều vấn đề, lý do để trì hoãn… khiến hàng chục căn hộ đã xuống cấp nghiêm trọng mà không thể xây dựng hay chuyển nhượng.

PV còn mục sở thị 6 cây cổ thụ đường kính hơn 1m là tài sản của trường, cuối năm 2011 đã bị lãnh đạo nhà trường cho người mua cưa gốc với số tiền thu về hàng trăm triệu đồng.

Dãy nhà, đất công ngoài cổng trường đã bị chia cho nhiều đối tượng cán bộ khi chưa nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn được cấp sổ đỏ, sau đó một số hộ này lại tiếp tục được chia đất


Thuê lại nhà của mình để được mua nhà

Tại Kết luận số 02, Thanh tra tỉnh Bắc Ninh khẳng định: 11 hộ hưu trí đều đã hoàn thành việc mua thanh lý hóa giá nhà tại khu tập thể của trường.

Những tưởng, nguyện vọng các hộ xin cấp sổ đỏ sẽ được đáp ứng nhanh chóng, đúng quy định nhưng thực tế không phải vậy.

Ngày 19/5/2010, dưới sự chủ trì của bà Ngô Thị San, Phó Hiệu trưởng, Trường CĐCN Hưng Yên cơ sở 2 tổ chức cuộc họp với 11 hộ dân cùng sự tham gia của ông Phạm Minh Kiểm, được giới thiệu là chuyên viên Hội đồng Bán nhà tỉnh Bắc Ninh, để hướng dẫn cho các hộ về thủ tục để được cấp sổ đỏ theo quy định của Nhà nước.

Tại buổi họp, ông Kiểm đưa ra những văn bản (hợp đồng thuê nhà, đơn xin mua nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, bản khai năm công tác…) và nói rằng đây là thủ tục các hộ phải thực hiện để mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ.

Khi các hộ đề nghị giải thích tại sao nhà của họ đã mua thanh lý hóa giá, được Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương), ban lãnh đạo nhà trường trước đó công nhận bằng nhiều văn bản ban hành trong các năm 1990, 1991, 1994 và 1995, bây giờ phải mua lại nhà ở của chính mình, bà Ngô Thị San nói: Nhà trường muốn các hộ phải qua thủ tục này trước, sau đó mới trình UBND tỉnh Bắc Ninh để nhanh làm sổ đỏ. Bà Hiệu phó còn đề nghị các hộ kê khai và ký vào các giấy tờ để hoàn thiện... Thấy có dấu hiệu khuất tất, các hộ đã không đồng ý.

Phần lớn các hộ đều cho rằng, nếu thực hiện những gì bà San đề nghị, sẽ là cái bẫy và tiềm ẩn rủi ro mất nhà. Nếu “tình ngay” thì nhà trường cứ hướng dẫn yêu cầu huyện, tỉnh làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho họ theo quy định. Trong khi ban lãnh đạo nhà trường đã có quá nhiều sai phạm trước đó còn chưa xử lý xong, nên họ không muốn để bị “lừa” thêm nữa.

 Tại Công văn số 3090 ngày 8/8/2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn: "Trường hợp việc thanh lý hóa giá nhà đã tính đúng, tính đủ giá nhà, giá đất tại thời điểm hóa giá nhà và tiền thu được từ việc thanh lý hóa giá nhà đã nộp vào ngân sách theo quy định tại Nghị định 61/CP của Chính phủ về mua bán kinh doanh nhà ở thì được cấp giấy chứng nhận theo thủ tục quy định tại Điều 135 của Nghị định 81/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai…". Theo đó, Trường CĐCN Hưng Yên cơ sở 2 và UBND tỉnh Bắc Ninh phải có trách nhiệm hướng dẫn các hộ đã mua nhà thanh lý hóa giá làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở.

 Đã 4 năm kể từ khi có kết luận của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, những lình xình trong việc xử lý sau thanh tra cũng như những phát sinh khiếu tố liên quan tới các sai phạm, tới quyền lợi của 11 hộ vì sao đến nay vẫn chưa thể xử lý, giải quyết dứt điểm? Câu hỏi xin dành cho các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh.

Đinh Lê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm