Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trách nhiệm đã rõ, sao không xử lý?

Chủ nhật, 02/10/2011 - 21:40

(Thanh tra) - Công ty Nhị Hiệp đã đứng trên pháp luật, không thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP) và chỉ đạo của Phó Thủ tướng bởi đã được che chắn, dung dưỡng của những cán bộ lãnh đạo thiếu trách nhiệm, thoái hóa, biến chất. Báo cáo kết luận của TTCP đã điểm mặt, chỉ tên nhưng những kiến nghị TTCP cũng bị phớt lờ…

>> “Thoát xác” hay chạy trốn trách nhiệm?

Khi lãnh đạo quận “phục vụ”… doanh nghiệp


Công ty Nhị Hiệp không thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng cũng như kết luận TTCP, điều này không những gây bất bình đối với xã hội, quyền lợi những người nông dân không ai bảo vệ mà uy tín của TTCP, Phó Thủ tướng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi kiến nghị của TTCP, chỉ đạo của Thủ tướng đã “vô hiệu” do không được cấp dưới thi hành thì người dân biết tin vào đâu? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số cán bộ, đảng viên nắm quyền hành trong bộ máy chính quyền đã tha hóa, biến chất, bất chấp pháp luật, “nhắm mắt” bảo vệ cho sai phạm. Những công bộc của dân đã không đứng về phía chính nghĩa của nhân dân, mà trở thành “tấm khiên” che chắn những sai phạm của Công ty Nhị Hiệp.

Đã hơn 6 năm bị Nhà nước thu hồi đất giao cho Công ty Nhị Hiệp, người dân vẫn không được đền bù. Trong khi  đó, Công ty tìm mọi cách lấn chiếm đất của người dân và hô hoán người dân chiếm đất dự án (DA). Những người nông dân đã cầu cứu chính quyền yêu cầu được can thiệp, buộc Công ty bồi thường nhưng đều gặp sự im lặng. Đất đai của người dân bị mất dần. Hàng chục gia đình nông dân đang khốn khổ vì không có đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Để “tiếp sức” với Công ty Nhị Hiệp, ngày 22/02/2005, Phó Chủ tịch UBND quận 9 có Văn bản số 143/UB, khẳng định “Công ty Nhị Hiệp thương lượng đền bù khoảng 90% diện tích đất phải thu hồi và những phần đất này đã được Công ty Nhị Hiệp tiến hành xây dựng cơ sở sản xuất theo DA, còn khoảng 1ha, các chủ sử dụng đất, trong đó có ông Đỗ Văn Trắng, chưa đồng ý về giá bồi thường và khiếu kiện nên Công ty chưa thể bồi thường được”. Với văn bản này, lãnh đạo quận 9 đã đổ mọi trách nhiệm lên đầu những người nông dân. Người dân không có đất sản xuất, không được đền bù, nay lại bị chính quyền quy kết vì đi… khiếu kiện.

Điều mà những người nông dân không ngờ đến, khi doanh nghiệp đã đền bù được 90% diện tích thì quận 9 tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nhà, vườn tược của nông dân, giao đất cho Nhị Hiệp. Âm mưu của Phó Chủ tịch đã bị vạch mặt và được ngăn chặn kịp thời.

Trước sự phản ứng của người dân, cơ quan chức năng đã vào cuộc và sự thật hoàn toàn trái ngược. Theo Báo cáo số 1503/UBND ngày 06/7/2006 của UBND quận 9 gửi UBND TP. Hồ Chí Minh, “DA của Công ty Nhị Hiệp đã được Thủ tướng Chính phủ giao đất hơn 6 năm nhưng diện tích đền bù mới  chỉ đạt tỷ lệ 65,22%, có hộ Công ty chưa tiếp xúc, thỏa thuận với chủ sử dụng; mặt khác việc triển khai DA Công ty chủ yếu tập trung vào khu vực xây dựng nhà xưởng cho thuê, cho thuê lại nhà xưởng. Công ty đã thường xuyên có những vi phạm trong lĩnh vực quản lý xây dựng và đất đai…”.

Không biết Phó Chủ tịch quận xử lý việc nhà, xưởng  xây dựng không phép thế nào nhưng hàng loạt nhà, xưởng xây dựng không phép liên tiếp mọc lên. Theo đó, hơn 20 quyết định xử phạt hành chính đã được ban hành. Các quyết định đều buộc Công ty Nhị Hiệp tháo dỡ công trình vi phạm, khắc phục lại nguyên trạng. Thế nhưng, các quyết định đều không được thực hiện.

Khi dư luận xã hội quá bức xúc, các cơ quan chức năng yêu cầu quận 9 thực hiện tháo dỡ các công trình vi phạm thì Phó Chủ tịch quận lại làm văn bản gửi UBND TP để xin kinh phí, phương án tháo dỡ công trình không phép! Đây là cách cứu Công ty Nhị Hiệp khỏi bị tháo dỡ, bởi UBND TP không bao giờ dùng ngân sách Nhà nước để trả thay cho đối tượng vi phạm. 

Thực hiện kiến nghị TTCP, ngày 16/5/2011, cũng vị Phó Chủ tịch quận này lại ra tay một lần nữa để cứu doanh nghiệp, ban hành Văn bản 73/KH lên kế hoạch áp giá bồi thường thay cho Công ty Nhị Hiệp, tự thỏa thuận, bồi thường theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng và số hộ chưa được bồi thường không dừng lại 9 hộ mà lên đến 42 hộ!
 
Những cán bộ sai phạm lúc nào bị xử lý?

Phó Chủ tịch UBND quận 9 là một trong những cán  bộ thiếu trách nhiệm, bao che, tiếp tay để cho Công ty Nhị Hiệp vi phạm pháp luật có hệ thống, gây bức xúc cho xã hội. TTCP đã kiến nghị xem xét, có hình thức kiểm điểm nghiêm túc đối với các lãnh đạo quận 9 và các Sở, ngành liên quan.

Cụ thể, Chủ tịch UBND quận 9 vì chưa thực hiện đúng vai trò trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn; giải quyết tranh chấp đất đai theo thẩm quyền; xử lý sai phạm đối với hành vi xây dựng không phép, lấn chiếm đất và sông rạch trái phép; không cương quyết trong việc triển khai các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Nhị Hiệp; thiếu trách nhiệm trong việc chỉ đạo công tác đền bù giải phóng mặt bằng của DA, dẫn đến tình trạng DA có quyết định cho thuê đất từ năm 1999 đến nay vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với DA, để cho Công ty Nhị Hiệp sử dụng đất không đúng mục đích của DA trong việc cho 4 công ty thuê nhà xưởng; không thu hồi đất của DA theo quy định tại Khoản 12, Điều 38, Luật Đất đai 2003, để DA kéo dài 10 năm vẫn chưa hoàn thiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc, khiếu nại kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện DA. Giám đốc Sở đã tham mưu cho UBND TP cấp giấy phép đầu tư cho Công ty TNHH Việt Thổ và giấy phép thành lập 3 công ty khác trên diện tích đất được Thủ tướng cho Công ty Nhị Hiệp thuê, tạo điều kiện cho Công ty sử dụng đất không đúng mục đích. 

Những sai phạm của Chủ tịch UBND quận 9, Giám đốc các Sở Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư đã quá rõ. Phó Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP xử nghiêm những sai phạm theo kiến nghị của TTCP với những đối tượng có chức có quyền đã bao che cho Công ty Nhị Hiệp. Thế nhưng, đó chỉ là mong muốn, còn thực tế không những Công ty Nhị Hiệp phớt lờ, không thực hiện kết luận của TTCP, chỉ đạo của Phó Thủ tướng, mà việc xem xét, kiểm điểm các cán bộ sai phạm vẫn không nghiêm túc.

Dư luận đang đặt câu hỏi: Bao giờ những cán bộ vi phạm sẽ bị xử lý và UBND TP công khai kết quả cho người dân biết? Người dân, dư luận xã hội đang kỳ vọng, chờ đợi sự xử lý nghiêm minh của Chủ tịch UBND TP.

Kim Chi

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn hạn chế

Vĩnh Long: Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn hạn chế

(Thanh tra) - Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức kê khai, công khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn một số hạn chế. Việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, chính xác các đối tượng theo quy định. Ngoài ra, qua kiểm tra phát hiện một trường hợp được bổ nhiệm kế toán trưởng không đúng quy định.

Cảnh Nhật

20:41 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm