Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 17/01/2013 - 22:34
(Thanh tra)- Ngày 17/1, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đã ký Văn bản số 160/TBKL-TTCP Thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại (KN), tố cáo (TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), thanh tra một số dự án (D.A) đầu tư có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất (SDĐ); công khai nội dung ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý sau thanh tra. Báo Thanh tra giới thiệu toàn văn nội dung Thông báo.
I. Phần kết luận thanh tra
1. Khái quát chung
Thực hiện đường lối chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng đã nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, quyết tâm đổi mới dám nghĩ, dám làm, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, thông qua các chương trình hành động cụ thể với những giải pháp về đầu tư hạ tầng kỹ thuật xã hội; thực hiện chỉnh trang đô thị theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm; cải cách thủ tục hành chính; quy hoạch lại các khu dân cư; thực hiện các D.A tái định cư (TĐC) để tạo ra quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư… Nên trong thời gian ngắn, TP Đà Nẵng đã thu được những kết quả đáng khích lệ, tạo nên diện mạo mới của đô thị loại I, có cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ, an sinh xã hội được cải thiện, quốc phòng - an ninh được bảo đảm tốt hơn, từng bước phát huy vai trò trung tâm trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên theo Nghị quyết số 33-NQQ/TƯ ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị.
2. Việc chấp hành các quy định của Luật Thanh tra, Luật KN,TC và Luật PCTN
Qua thanh tra cho thấy, UBND TP Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tiếp dân và giải quyết KN, TC. Hàng năm, UBND TP luôn xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm túc pháp luật về KN,TC củng cố, kiện toàn tổ chức tiếp công dân ở tất cả các cấp, ngành; tập trung giải quyết tốt các vụ KN,TC thuộc thẩm quyền; chỉ đạo kiểm tra, rà soát các vụ việc KN,TC nổi cộm để giải quyết dứt điểm; duy trì việc kiểm tra, đôn đốc thủ trưởng các cấp, các ngành nhằm chấn chỉnh kịp thời các hạn chế, thiếu sót, đưa công tác này đi vào nề nếp. Kết quả số lượng đơn thư (kể cả đơn thư vượt cấp) những năm gần đây (2009 - 2011) của TP so với các tỉnh, thành khác không nhiều và có xu hướng giảm (mặc dù số hộ bị thu hồi đất, đền bù giải tỏa rất lớn).
Về công tác thanh tra, hàng năm trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo của TTCP về công tác xây dựng chương trình kế hoạch thanh tra, Thanh tra TP Đà Nẵng đã xây dựng chương trình kế hoạch trình Chủ tịch UBND TP phê duyệt. Tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra trong 3 năm (2009 - 2011) đã phát hiện các vi phạm trong quản lý kinh tế, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền vi phạm là 10.126,9 triệu đồng; qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã xử phạt hành chính 4.560 trường hợp với tổng số tiền là 10.654,3 triệu đồng; thu hồi hủy bỏ 8 quyết định thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) và 148 giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ ở sai quy định; đồng thời, kiến nghị xử lý nghiêm các sai phạm về kinh tế, đề xuất các biện pháp cụ thể giúp các cơ quan, đơn vị kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong quản lý điều hành và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về công tác bảo hiểm xã hội, cổ phần hóa doanh nghiệp, quản lý đất đai, đầu tư xây dựng.
Công tác phòng ngừa tham nhũng cũng được lãnh đạo TP quan tâm. Hàng năm đều ban hành kế hoạch thực hiện công tác PCTN trên địa bàn TP; công tác tuyên truyền phố biến pháp luật về PCTN cũng như thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản thu nhập, trả lương qua tài khoản… được các đơn vị thực hiện tương đối nghiêm túc.
Từ năm 2009 - 2011, đã tổ chức tiến hành 17 cuộc kiểm tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Qua kiểm tra đã chấn chỉnh sai sót, đồng thời đề nghị các đơn vị tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Luật PCTN, Chương trình Hành động của Thành ủy và UBND TP về công tác PCTN; một số trường hợp cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái trong quản lý đất đai đã được phát hiện, kết luận xử lý và chuyển cơ quan công an điều tra (đang tiến hành điều tra).
Tuy nhiên, những năm qua, TP Đà Nẵng có tốc độ phát triển đô thị “nóng”, số lượng các D.A đầu tư của khu vực công và tư nhiều, diện tích đất thu hồi để triển khai các D.A lớn, nhưng việc quản lý SDĐ đai, đầu tư xây dựng còn bộc lộ nhiều vi phạm, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, song công tác thanh tra và PCTN ở những lĩnh vực này chưa được TP quan tâm đúng mức dẫn đến vi phạm xảy ra trong một thời gian dài mà không được phát hiện, xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Việc phòng ngừa tham nhũng, thông qua thực hiện công khai, minh bạch trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng còn mang tính hình thức thiếu chiều sâu; công khai không đầy đủ thông tin; thông tin công khai không chính xác, thiếu căn cứ cơ sở để các cơ quan, tổ chức và nhân dân thực hiện chức năng, giám sát. Chương trình kế hoạch thanh tra hàng năm chưa xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí như: Đất đai, đền bù giải tỏa, TĐC, đầu tư xây dựng, tài chính… Vì vậy, một số sai phạm trong các lĩnh vực này chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Việc phát hiện và xử lý sai phạm thông qua kết quả thanh tra của toàn TP trong 3 năm còn ít.
Về giải quyết KN,TC, UBND TP ban hành Quyết định số 47/2006/QĐ-UBND ngày 18/5/2006, giao cho các ban giải tỏa đền bù giải quyết các đơn thư, kiến nghị, đề xuất của công dân (thực chất là đơn KN) là chưa phù hợp với quy định tại Điều 20, 23, 75 của Luật KN,TC năm 2004, quy định về thẩm quyền giải quyết KN và tiếp công dân. Nhưng, việc giao cho các ban giải tỏa, đền bù tiếp nhận, xem xét giải quyết các đơn thư có liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng nói trên là có hiệu quả làm giảm áp lực đối với cơ quan hành chính.
Tính đến thời điểm kết thúc thanh tra, trên địa bàn TP còn 15 vụ việc KN đã được TP giải quyết, nhưng công dân vẫn tiếp khiếu kéo dài, TTCP đã có ý kiến đề nghị UBND TP kiểm tra, rà soát, xem xét báo cáo TTCP kết quả. Đến nay, các vụ việc đang được TP tập trung xử lý dứt điểm.
3. Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ
Căn cứ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch SDĐ của UBND TP Đà Nẵng cho thấy: Mặc dù, quy hoạch, kế hoạch SDĐ giai đoạn 2001 - 2010 đã 3 lần được điều chỉnh, song kết quả thực hiện so với chỉ tiêu kế hoạch vẫn đạt rất thấp (đất phi nông nghiệp thực hiện đạt 47,61% kế hoạch; đất ở thực hiện đạt 30,97% kế hoạch). Điều đó cho thấy, công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ thiếu căn cứ, cơ sở, chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu thực tế của địa phương. Tình trạng đất đai sau khi được san lấp, giải tỏa, chuyển QSDĐ, thuê đất để hoang hóa lớn, ít D.A đầu tư được thực hiện. Sự phối hợp giữa các cấp TP, quận, huyện, phường xã và các ngành còn thiếu đồng bộ. Trách nhiệm thuộc UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); Sở Kế hoạch và Đầu tư.
4. Việc ban hành quy chế đấu giá đất và thực hiện quy chế đấu giá đất: Việc đấu giá QSDĐ trong những năm qua, UBND TP Đà Nẵng triển khai không tốt, từ khâu ban hành quy chế đấu giá đất đến tổ chức thực hiện không tuân thủ quy định của Luật Đất đai và Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ các phiên đấu giá thành công quá thấp, chưa tạo được thị trường bình đẳng, khách quan khi chuyển nhượng QSDĐ nhằm thu ngân sách Nhà nước có hiệu quả.
Tình trạng giao đất không thông qua đấu giá còn phố biến dẫn đến việc xác định giá thu tiền SDĐ chưa sát với giá chuyển nhượng QSDĐ trên thị trường, tạo điều kiện để một số nhà đầu tư đầu cơ, thu lợi. Trách nhiệm thuộc UBND TP, Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Trung tâm Giao dịch bất động sản TP.
5. Việc giao đất, ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ
Theo báo cáo của UBND TP từ năm 2003 - 2011, TP đã thu hồi giao đất, cho thuê đất đối với 1.061 công trình, D.A với diện tích 17.534ha, tổng số tiền SDĐ thu được là 25.271,376 tỷ đồng. Trong đó, giao đất để thực hiện các công trình D.A TĐC, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác quỹ đất trên 200 D.A tương đương 2.960,7ha với tổng vốn đầu tư 12.630 tỷ đồng đã tạo ra được 346,4ha quỹ đất sạch để tạo vốn đầu tư và 83.142 lô đất để bố trí TĐC (tương đương 911,2ha). Đến nay, còn 187,2ha quỹ đất sạch và 8.933 lô đất TĐC (tương đương 105,5ha) chưa được đưa vào sử dụng.
Kiểm tra 46/1.061 công trình D.A cho thấy: UBND TP Đà Nẵng đã giao cho các ban quản lý D.A và một số công ty thực hiện chức năng quản lý quỹ đất, ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh và xây dựng nhà để bán và cho thuê không tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai, vi phạm quy định tại các Điều 5, 15, 31, 141, 58, 122 Luật Đất đai năm 2003. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến phát sinh nhiều sai phạm như: Không đủ căn cứ, cơ sở để xác định giá thu tiền SDĐ; việc phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tùy tiện; nhiều nhà đầu tư sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, được cấp GCNQSDĐ đã không thực hiện đầu tư, tiếp tục chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác thu chênh lệch số tiền rất lớn làm thất thu ngân sách Nhà nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trách nhiệm thuộc UBND TP Đà Nẵng, Văn phòng UBND TP, Hội đồng Thẩm định giá đất TP, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Công ty Quản lý khai thác đất TP, Ban Quản lý D.A Công trình Bạch Đằng Đông.
6. Việc thu tiền SDĐ
Quá trình xác định giá thu tiền SDĐ đối với một số D.A, Hội đồng Thẩm định giá đất và UBND TP chưa căn cứ vào quy hoạch mục đích SDĐ, quy hoạch chi tiết xây dựng, thiếu điều tra, khảo sát khu đất, chưa tính đầy đủ điều kiện hạ tầng và quy hoạch định hướng trong tương lai, không tính hệ số ngã 3, ngã 4 đường, hệ số sinh lời, tính không đủ diện tích, không đúng với mục đích SDĐ, giảm giá và phê duyệt giá không tuân thủ quy định, thiếu căn cứ, cơ sở nên đã xác định giá thu tiền SDĐ chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường được quy định tại Luật Đất đai năm 2003 và các nghị định của Chính phủ. Một số D.A xác định giá thấp hơn so với bảng giá đất TP ban hành hàng năm, một số D.A khác UBND TP quyết định giá thu tiền SDĐ thấp hơn giá của Hội đồng Thẩm định giá đất TP trình, gây thất thu ngân sách, tạo điều kiện cho một số nhà đầu tư chuyển nhượng thu lời bất chính với số tiền lớn. Đáng chú ý việc chuyển nhượng QSDĐ cho một số tổ chức, cá nhân sau:
+ Khu đất chuyển nhượng cho Cty TNHH Phúc Thiên Long để xây dựng khu dịch vụ thương mại du lịch đã được UBND TP xác định giá chuyển nhượng QSDĐ năm 2007. Qua 4 lần gia hạn nộp tiền, đến tháng 9/2009, Cty mới nộp tiền SDĐ, nhưng TP không xác định lại giá (gây thất thu 120.172 triệu đồng), sau đó nhà đầu tư đã chuyển nhượng ngay cho đối tác khác thu lợi 498.442,206 triệu đồng;
+ Khu đất A2, A3 (diện tích 34.306m2) thuộc khu TĐC đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc, chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Đông.
Ngày 30/3/2007, UBND TP có Quyết định số 2435/QĐ-UBND phê duyệt giá khởi điểm để đấu giá QSDĐ khu A2, A3 là 2.570.000 đồng/m2. Cty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng đã thông báo công khai trên Báo Đà Nẵng và Báo Công an Nhân dân TP Đà Nẵng.
Ngày 28/11/2007, bà Phạm Thị Đông có văn bản đề nghị được mua với giá bằng giá khởi điểm đấu giá là 2.570.000 đồng/m2 (tương đương là 88.166.420.000 đồng) và được UBND TP đồng ý tại Văn bản số 368/QĐ-UBND ngày 14/1/2008.
Ngày 23/1/2008, Cty Quản lý Khai thác đất Đà Nẵng đã ký 2 hợp đồng chuyển QSDĐ đối với bà Đông: Khu A3 là 62.304.501.000 đồng; khu A2 là 25.861.910.000 đồng.
Sau 32 ngày, ngày 25/2/2008, bà Phạm Thị Đông đã chuyển nhượng lô đất A2 cho bà Nguyễn Thị Xuân bằng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với giá là 133.727.207.000 đồng, thu chênh lệch 107.965.297.000 đồng.
Còn, lô đất A3, sau khi bà Đông nộp đủ tiền đã được UBND TP cho chuyển tên trên hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ sang bà Trương Thị Chi và Lê Thúy Hương.
Ngày 11/8/2010, bà Chi và Hương chuyển nhượng lô đất này cho ông Trương Đình Trung với giá chuyển nhượng là 218.158.200.000 đồng, thu chênh lệch 155.853.699.000 đồng. Hơn 2 tháng sau, ngày 28/10/2010, ông Trương Đình Trung tiếp tục chuyển nhượng cho Cty Cổ phần Phương Trang với giá trị chuyển nhượng là 475.100.080.000 đồng, thu chênh lệch 256.941.880.000 đồng.
Tổng số tiền cá nhân đã chuyển nhượng 2 khu đất trên đã thu được khoản chênh lệch so với giá chuyển nhượng của TP trên 520 tỷ đồng.
+ Khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng. Năm 2006, UBND TP chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc với tổng giá trị hợp đồng là 84 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện D.A, đã ủy quyền cho ông Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng cho ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho Cty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang với giá 585 tỷ đồng. Hiện trạng khu đất vẫn bỏ trống, chưa được đầu tư.
+ Khu đất A4, A5 (khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc), năm 2007, chuyển nhượng cho Cty Cổ phần Xây dựng Thương mại Phú Mỹ để xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn du lịch. Lãnh đạo UBND TP và hội đồng không xác định theo giá đất ở mà giữ nguyên giá theo giá đất sản xuất kinh doanh (bằng 0,7 giá đất ở) gây thất thu cho ngân sách. Đến năm 2010, Cty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phú Mỹ chuyển nhượng cho Cty Cổ phần Bất động sản Phương Trang với số tiền 285.645.920.000 đồng. Chênh lệch so với giá của TP xác định năm 2007 là 220.680.432.000 đồng.
+ Khu đất chuyển đổi mục đích SDĐ của Cty Tân Cường Thành tính giá thấp hơn giá TP quy định là 67.323,064 triệu đồng;
+ Khu đất 29ha thuộc D.A sân golf Đa Phước giao cho Cty Cổ phần 79 thấp hơn giá TP quy định làm lợi cho Cty Cổ phần 79 là 570.826,323 triệu đồng.
Do thẩm quyền và nghiệp vụ điều tra của đoàn thanh tra không có, hoạt động thanh tra mới chỉ dừng ở bước thanh tra hành chính, vì vậy, một số hành vi cố ý làm trái pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; vi phạm về xác định nghĩa vụ tài chính khi ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, hành vi bán đất của người nhận chuyển nhượng thu lợi lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước của 6 trường hợp nêu trên cần phải được xác minh, làm rõ để xử lý.
Tổng hợp số liệu từ 22 D.A có vi phạm về xác định số tiền phải thu khi chuyển QSDĐ là 2.120.569.900.790 đồng. Ngoài ra, còn có một số khu đất hội đồng xác định giá thiếu căn cứ, cơ sở không phù hợp với quy định như: Khu đất 209 đường Trường Chinh; 4 khu đất A2, A3, A4, A5 khu TĐC đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc; khu đất số 8 đường Hùng Vương; 4 khu đất khu vực vịnh Thuận Phước… cần có biện pháp tiến hành xác định lại giá thu tiền SDĐ đối với các D.A này để truy thu về ngân sách Nhà nước.
Trách nhiệm để xảy ra các vi phạm trên thuộc lãnh đạo UBND TP thời kỳ 2003 - 2011, Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Hội đồng Thẩm định giá TP, Ban Quản lý D.A Công trình đường Bạch Đằng Đông, Cty Quản lý và Khai thác đất TP.
7. Việc giảm tiền SDĐ
Việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền SDĐ phải nộp cho các hộ được bố trí đất TĐC, các tổ chức cá nhân được TP giao đất, nhận chuyển nhượng QSDĐ là không đúng đối tượng và trái với quy định tại Điều 13, Điều 15, Nghị định số 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ và mục III, phần C, Thông tư số 117/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính gây thất thu ngân sách 446.229.756.243 đồng (đối với các hộ TĐC) và 867.455.055.921 đồng (đối với các tổ chức, cá nhân khi được UBND TP giao đất, chuyển nhượng QSDĐ). Trách nhiệm thuộc lãnh đạo UBND TP, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Cục Thuế TP và các đơn vị đã ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho các nhà đầu tư.
8. Việc gia hạn thời gian nộp tiền SDĐ
Kết quả kiểm tra 46 D.A cho thấy 10/46 D.A UBND TP đã đồng ý cho phép chủ đầu tư được kéo dài thời hạn nộp tiền SDĐ mà không tiến hành phạt chậm nộp. Một vài D.A đã xác định số tiền phạt chậm nộp, sau đó UBND TP lại cho phép miễn nộp phạt là vi phạm Điều 15 Nghị định 198/2004/NĐ-CP của Chính phủ gây thất thu ngân sách Nhà nước. Trách nhiệm thuộc UBND TP, Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính, Sở TN&MT, Cục Thuế TP và các đơn vị đã ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho nhà đầu tư.
9. Việc cấp GCNQSDĐ
Kiểm tra việc cấp GCNQSDĐ cho thấy có 20/46 D.A được kiểm tra, UBND TP đã cấp GCNQSDĐ đối với đất sản xuất kinh doanh với thời hạn sử dụng lâu dài là vi phạm quy định tại khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai 2003 gây thất thu ngân sách Nhà nước (giá đất sản xuất kinh doanh bằng 70% giá đất ở). Trách nhiệm thuộc UBND TP, Văn phòng UBND TP, Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP và quận, huyện.
II. Kiến nghị
Từ những kết luận thanh tra nêu trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
1. Kiểm điểm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, các tổ chức và cá nhân có liên quan (thời kỳ 2003 - 2011) theo phân cấp quản lý cán bộ, đã vi phạm quy định về quản lý, SDĐ đai liên quan đến việc xác định giá thu tiền SDĐ; giảm tiền SDĐ phải nộp cho các đơn vị và cá nhân gây thất thu ngân sách 3.434.254.712.950 đồng (gồm có: 446.229.756.243 đồng là số tiền giảm 10% cho các hộ TĐC; 867.455.055.921 đồng là số tiền giảm 10% cho các nhà đầu tư; 2.120.569.900.790 đồng là số tiền UBND TP quyết định giá thiếu căn cứ); ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ; cấp GCNQSDĐ và gia hạn nộp tiền SDĐ sai quy định gây hậu quả rất khó khắc phục.
2. Chấp thuận với kiến nghị của UBND TP Đà Nẵng tại Văn bản giải trình số 87/UBND-NC-PC ngày 11/6/2012 của UBND TP Đà Nẵng về việc cho phép ghi thu, ghi chi số tiền chênh lệch 50.056.050.000 đồng giữa giá thu tiền SDĐ do UBND TP phê duyệt với giá bán đấu giá để đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung thư như một khoản kinh phí ngân sách hỗ trợ. Đối với số tiền SDĐ đã giảm cho các hộ TĐC là 446.229.756.243 đồng không truy thu về ngân sách để tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho các hộ bị giải tỏa phải di chuyển chỗ ở.
3. Chỉ đạo Chủ tịch UBND TP tổ chức thực hiện một số nội dung sau:
3.1. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN trên địa bàn TP; phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm theo hướng dẫn của TTCP và bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, có trọng tâm, trọng điểm. Kiểm tra, rà soát, đề xuất các giải pháp giải quyết dứt điểm 15 vụ việc KN tồn đọng, kéo dài và một số vụ việc TTCP nhận được đơn KN trong thời gian thanh tra trực tiếp tại Đà Nẵng báo cáo TTCP.
Điều chỉnh, sửa đổi nội dung một số điều của Quyết định số 47/2006/QĐ-UBND về việc giải quyết KN,TC theo hướng các ban giải tỏa đền bù có trách nhiệm tham mưu, đề xuất phương án giải quyết các KN,TC của công dân liên quan đến đền bù giải tỏa, TĐC để cơ quan có thẩm quyền giải quyết KN,TC ban hành quyết định giải quyết.
Chấn chỉnh việc công khai quy hoạch, kế hoạch SDĐ, quy hoạch xây dựng, các thông tin công khai liên quan đến đấu thầu, đấu giá QSDĐ, công trình đầu tư xây dựng và công tác tổ chức đấu giá QSDĐ… Kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các D.A đầu tư xây dựng trên địa bàn, có biện pháp kiên quyết đối với các nhà đầu tư cố tình không thực hiện D.A, để đất hoang hóa, nhằm chuyển nhượng thu lời, gây lãng phí tài nguyên đất đai, không phát huy hiệu quả đầu tư của TP…
3.2. Chấm dứt việc giao đất (bán đất) theo hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 6644/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của UBND TP về việc quy định nộp đủ tiền SDĐ trong vòng 60 ngày được giảm 10% tiền SDĐ phải nộp. Thu hồi, hủy bỏ hoặc điều chỉnh các GCNQSDĐ đã cấp sai cho 26 đối tượng, đồng thời kiểm tra rà soát tất cả các trường hợp tương tự để thu hồi, điều chỉnh GCNQSDĐ đúng với diện tích đất được giao, mục đích SDĐ theo quy hoạch được duyệt và thời hạn SDĐ; thu bổ sung tiền SDĐ phải nộp khi có sự thay đổi về diện tích và chuyển đổi mục đích SDĐ.
3.3. Thu hồi về ngân sách TP 1.486.252.087.290 đồng đối với các nhà đầu tư (kể cả trường hợp TP đã có quyết định thu nhưng chưa thu) do tính thiếu diện tích thu tiền SDĐ, không tính đủ tiền chuyển mục đích SDĐ, kéo dài thời gian cho thuê đất từ 50 năm lên 70 năm, xác định giá thu tiền SDĐ khi giao đất thấp hơn bảng giá do TP ban hành và giá do Hội đồng Thẩm định giá đất TP trình. Kiểm tra rà soát lại tất cả các trường hợp tương tự để thu hồi về ngân sách TP.
3.4. Thu hồi về ngân sách TP 867.455.055.921 đồng là số tiền SDĐ đã giảm 10% cho các nhà đầu tư khi được ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ trái quy định của pháp luật.
3.5. Giao Sở Tài chính, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP xây dựng Điều lệ, Quy chế Quản lý sử dụng Quỹ Xây dựng Bệnh viên Ung thư, Quỹ Pháo hoa trình UBND TP phê duyệt, làm căn cứ cơ sở để các ngành, các cấp, các nhà hảo tâm… kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ.
3.6. Kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật Giám đốc các Sở: Tài chính, Xây dựng, TN&MT, Nội vụ, Hội đồng Thẩm định giá đất TP, Chánh Văn phòng UBND TP, Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ, Giám đốc Cty Quản lý và Khai thác đất TP, Giám đốc Ban Quản lý D.A Công trình đường Bạch Đằng Đông và các cá nhân có liên quan đã để xảy ra các sai phạm nêu trong kết luận thanh tra.
4. Giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, UBND TP Đà Nẵng tiến hành xác định lại giá, diện tích tính thu tiền SDĐ đối với một số D.A, báo cáo kết quả về TTCP.
5. Giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách Nhà nước của tổ chức và cá nhân có liên quan, tập trung vào 6 trường hợp nêu ở Điểm 6, Mục I của Thông báo kết luận thanh tra, nếu cấu thành tội phạm thì xử lý theo Bộ luật Hình sự.
III. Nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xử lý sau thanh tra
Ngày 19/11/2012, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1930/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra tại TP Đà Nẵng, có nội dung:
Xét báo cáo của TTCP tại Văn bản số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 về kết luận thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, KN,TC, PCTN và một số D.A đầu tư liên quan đến việc quản lý, SDĐ; sau khi nghe ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo xử lý sau thanh tra tại TP Đà Nẵng như sau:
1. Thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng đã quyết tâm đổi mới, với chương trình hành động cụ thể và đã thu được kết quả đáng khích lệ, làm thay đổi bộ mặt TP, nhất là hạ tầng đô thị và từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, qua thanh tra cho thấy việc chấp hành pháp luật về thanh tra, KN,TC và PCTN, việc quản lý và SDĐ có một số khuyết điểm, sai phạm.
2. Đồng ý với kết luận và kiến nghị của TTCP tại Văn bản số 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; thực hiện các kiến nghị của TTCP, thu hồi triệt để về ngân sách số tiền phải nộp.
3. Giao cho các Bộ: TN&MT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, theo chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, SDĐ đai, thu chi tài chính và việc thực hiện D.A đầu tư liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất tại TP Đà Nẵng thời gian qua.
4. Giao Bộ Công an xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái luật, gây thất thu ngân sách Nhà nước, trước hết là 6 trường hợp nêu tại Điểm 5, Mục I, Phần III của kết luận thanh tra (Điểm 6, Mục I của Thông báo Kết luận thanh tra) nếu có dấu hiệu tội phạm thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
T.S
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 29/11, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kết luận thanh tra số 268/Kl-TTr việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm tại đơn vị này.
Phương Anh
22:22 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 11/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định số 2984/QĐ-UBND ban hành kế hoạch công tác thanh tra năm 2025.
Lâm Ánh
19:36 12/12/2024Lâm Ánh
19:25 12/12/2024Thái Hải
19:15 12/12/2024Thái Hải
18:25 12/12/2024Ngọc Phó
18:00 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC