Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quản lý thị trường phải đền bù thiệt hại!

Chủ nhật, 23/09/2012 - 09:23

(Thanh tra) - Bắt giữ, gia hạn tạm giữ dài ngày, rồi phạt hành chính trả lại phương tiện vận chuyển, và tịch thu 434 tấn titan của Công ty CP An Trường An..., việc làm trái quy định của Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Định đã gây nhiều hệ lụy khôn lường, không chỉ cho doanh nghiệp mà còn tốn công sức của nhiều cơ quan chức năng.

Xe 77H -1329 của Công ty Hồng Hà bị mất bo trước

>> Vẫn “cố đấm ăn xôi”?
>> Một quyết định chưa “thấu tình đạt lý”!


Tại bãi chứa titan của Công ty CP An Trường An trong Cụm công nghiệp Nhơn Bình. 434 tấn titan bị Đội QLTT VII, tỉnh Bình Định bắt giữ ngày 11/01/2012, nay đã bị thất thoát gần 100 tấn. Nguyên nhân là do titan đổ ngoài trời bị mưa, rồi gió lốc cuốn bay...

Không chỉ có An Trường An mà các cá nhân, doanh nghiệp có phương tiện tham gia vận chuyển số titan này cũng chịu thiệt hại nặng về kinh tế.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Công ty Hồng Hà, 33 Hai Bà Trưng, TP. Quy Nhơn, cho biết: Ngày 10/01/2012, Công ty ký hợp đồng với Công ty TNHH TM DV VT Bách Việt, nhận vận chuyển titan của Công ty An Trường An khai thác từ mỏ Hòa Hội Nam, Phù Mỹ về Quy Nhơn. Chiều ngày 10/01, Công ty cử 7 xe ben ra mỏ bốc titan và vận chuyển về kho của An Trường An thuê, đến sáng ngày 11/01 thì bị Đội QLTT số VII lập biên bản, mời Cảnh sát giao thông tỉnh đến lập 1 biên bản vi phạm hành chính do chở quá tải trọng.

Cùng ngày, Đội trưởng Nguyễn Thế Khá đã ra quyết định tạm giữ xe 10 ngày để “điều tra xác minh vận chuyển hàng gian lận...”. Đến ngày 31/01, Đội tiếp tục ra các quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ phương tiện, tang vật đến hết ngày 10/4. Mãi cho đến khi UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo trả lại 15 xe vận chuyển titan, ngày 28/3, Đội trưởng QLTT số VII mới có quyết định trả xe.

Như vậy, 7 xe ben của Công ty Hồng Hà bị tạm giữ là 90 ngày. Trước đó, vào các ngày 12/01, 20/02, Công ty Hồng Hà có đơn xin lại xe để kinh doanh nhưng không được QLTT chấp nhận. Lấy lý do tạm giữ phương tiện để tiếp tục điều tra, nhưng trong suốt thời gian qua, Đội QLTT VII chỉ duy nhất một lần mời các lái xe và chủ phương tiện đến làm việc qua loa, mà không hề xác minh, làm rõ các tình tiết vi phạm để chứng minh việc tạm giữ xe là đúng quy định.

Giám đốc Công ty Hồng Hà cũng như các doanh nghiệp liên đới rất bức xúc trước những việc làm trái quy định của Đội QLTT VII, đồng thời không biết lãnh đạo QLTT, Sở Công thương Bình Định có biết vụ việc đang “nổi đình, nổi đám” của Đội QLTT VII không, mà không chỉ đạo xử lý kịp thời, để sau đó gây nhiều hậu quả?

Do bị thiệt hại không đáng có, ngày 23/4, Công ty Hồng Hà đã gửi đơn khởi kiện ra TAND TP. Quy Nhơn, đề nghị tuyên hủy các quyết định tạm giữ, gia hạn tạm giữ xe, buộc Đội QLTT VII bồi thường thiệt hại. Hiện, Tòa đang thụ lý vụ kiện này.

Theo đơn khởi kiện, ngày 28/3, Đội QLTT VII mời các lái xe đến Văn phòng đội ký biên bản trả phương tiện và biên bản giao nhận phương tiện, nhưng bị buộc phải ghi là “không có ý kiến gì khác”, sau đó giao các quyết định trả xe để các tài xế tự lấy xe mà không có biên bản giao trả xe. Các tài xế không chịu nhận lại xe vì sau tạm giữ một số xe bị mất phụ tùng đồ đạc như dầu nhớt, bình điện, còi hơi, gương chiếu hậu, lốp xe..., nhiều xe không nổ máy được.

Công ty còn yêu cầu đền bù thiệt hại do mất thu nhập từ ngày bị tạm giữ xe đến ngày chính thức nhận xe  (160 ngày x 7 xe x 2 triệu đồng/ngày/xe = 2, 24 tỷ đồng). Thiệt hại do mất 1.200 lít dầu là 24,8 triệu đồng, tiền sửa xe 639,9 triệu đồng. Ngoài ra, còn có khoản trả lương của 7 tài xế là 168 triệu đồng. Tổng thiệt hại Công ty Hồng Hà đòi QLTT bồi thường hơn 3 tỷ đồng.

Tương tự, Giám đốc Công ty TNHH TM DV VT Bách Việt Nguyễn Đức Duy cũng đưa đơn khởi kiện ông Khá và ông Nguyễn Văn Ngọc, Đội phó Đội QLTT VII ra Tòa án, do bị tạm giữ một xe ben, làm mất phụ tùng, mất thu nhập, khoản trả lương lái xe, với tổng giá trị hơn 250 triệu đồng và Tòa cũng đang thụ lý hồ sơ.

Được biết, 7 chiếc xe ben khác đã trả lại cho chủ ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ..., do xe mất mát, hư hỏng nhẹ và không muốn phiền hà, nên họ “ngậm bồ hòn” nhận xe về tự tu bổ.

Theo Nghị định 27/2008/NĐ-CP ngày 13/3/2008 của Chính phủ, QLTT có chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước.

So sánh với trường hợp khai thác và vận chuyển titan của Công ty An Trường An, cho thấy nguồn gốc hàng hóa khá rõ ràng và việc vận chuyển của các doanh nghiệp có chức năng là hoàn toàn hợp pháp.

Chính việc QLTT cho rằng, nguồn gốc titan không hợp pháp cùng với việc hóa đơn, chứng từ trái quy định mà không tìm hiểu kiểm tra sâu sát; đã đẩy vụ việc đi từ cái sai này đến cái sai khác, đẩy một số doanh nghiệp vào đường khó khăn, thiệt hại.

Luật Bồi thường Nhà nước đã nói rõ, bất kể các tổ chức, cá nhân nào ra các quyết định không đúng quy định của pháp luật, gây oan sai, gây thiệt hại kinh tế - tài chính cho các cá nhân, đơn vị khác; thì phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn hại do mình gây ra. Cá nhân, tổ chức cố tình làm sai, không thể lấy tiền Nhà nước để chi trả bồi thường.

Vụ việc lãnh đạo Đội QLTT VII đã ra những quyết định không phù hợp, tạm giữ xe vận chuyển titan, gây thiệt hại thật sự cho các doanh nghiệp đang chờ phán quyết từ tòa án.


Nguyên Phê

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

Thấy gì qua thanh tra Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch

(Thanh tra) - Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra trong Kết luận thanh tra số 119/KL-TTr ngày 15/11/2024 về thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Dự án thành phần 1A thuộc Dự án đường Tân Vạn - Nhơn Trạch do Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư.

Trần Quý

21:00 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm