Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 07/05/2013 - 07:49
(Thanh tra)- Không chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Thanh Hóa (VDB Thanh Hóa); không chấp nhận yêu cầu của VDB đề nghị kê biên tài sản thế chấp để bảo đảm việc thi hành án; không đưa quan điểm của luật sư vào bản án; buộc VDB phải bồi thường cho Công ty TNHH Tây Đô (Cty Tây Đô) khoản tiền lãi 26.306.519.795 đồng là những vi phạm tố tụng của Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2013/KDTM-ST ngày 10, 11, 15 và 22/4/2013 của TAND TP Thanh Hóa đang gây sự bất bình đối với dư luận.
Dự án Trường Thanh Hoa của Cty Tây Đô dậm chân tại chỗ nhiều năm nay. Ảnh: Huy Tưởng
>>Hàng loạt vi phạm của ông Giám đốc
>>Vi phạm còn ăn vạ
>>Cố tình né tránh nhưng vẫn phải hầu tòa
Xin dẫn chứng cụ thể những vi phạm về nội dung của Tòa án cấp sơ thẩm như: Quyết định của TAND TP buộc VDB phải trả cho Cty Tây Đô phí cam kết giải ngân là 66.668.000.000 đồng x 0,05% = 33.279.000 đồng không chỉ trái pháp luật mà còn là sự bao che, bênh vực cho Cty Tây Đô một cách trắng trợn.
Thứ nhất, trong các quý I, II, III, IV/2010, mỗi lần Cty Tây Đô đăng ký kế hoạch giải ngân (xin lưu ý đây không phải là đề nghị giải ngân, nhưng Tòa án đã cố tình đánh đồng, đánh tráo khái niệm), VDB đều thống nhất và có thông báo cụ thể bằng văn bản thông báo kế hoạch giải ngân cho Cty Tây Đô. Việc đăng ký kế hoạch giải ngân là nghĩa vụ của Cty Tây Đô được quy định tại khoản 2 Điều 5 Hợp đồng tín dụng số 12/2008 và số 130/2009.
Thứ hai, việc lập hồ sơ đề nghị giải ngân là nghĩa vụ, là một trong những điều kiện để giải ngân của Cty Tây Đô theo điểm a khoản 1 Điều 5 của Hợp đồng chứ không phải là quyền. Nếu Cty Tây Đô không lập hồ sơ đề nghị giải ngân hoặc lập không đúng quy định pháp luật thì ngân hàng không có căn cứ để giải ngân. Trên thực tế, từ tháng 3/2010 đến khi khởi kiện, Cty Tây Đô không có lần nào lập và nộp hồ sơ đề nghị giải ngân cho VDB.
Tòa án nêu rõ: Từ tháng 3/2010 đến nay, không có bất cứ văn bản nào của ngân hàng đề nghị Cty Tây Đô đến ngân hàng để làm thủ tục lập hồ sơ giải ngân cho dự án… đây là vi phạm của VDB.
Xin được khẳng định, trong hợp đồng tín dụng cũng như quy định của pháp luật, không có điều khoản nào quy định nghĩa vụ của VDB phải có văn bản hướng dẫn khách hàng vay lập hồ sơ đề nghị giải ngân mà đây chỉ là hoạt động tác nghiệp, hỗ trợ khách hàng vay (thực tế 10 lần giải ngân, chủ đầu tư đã lập hồ sơ đề nghị giải ngân mà không cần bất cứ văn bản hướng dẫn nào của ngân hàng). Đồng thời, từ tháng 3/2010, rất nhiều văn bản cũng như những lần làm việc với Cty Tây Đô, VDB đã đôn đốc, yêu cầu Cty hoàn tất hồ sơ đề nghị giải ngân và Cty này cũng đã cam kết sẽ hoàn tất hồ sơ để nộp cho ngân hàng đề nghị giải ngân. Mặc dù các văn bản này đã nộp cho Tòa án, nhưng Tòa án đã cố tình không đề cập đúng nội dung điển hình như: Biên bản làm việc ngày 28/03/2010; Biên bản làm việc ngày 27/9/2010; Biên bản làm việc ngày 16/3/2011; các công văn yêu cầu nộp hồ sơ giải ngân như Công văn số 124/NHPT.THO-TDII ngày 26/04/2010, Công văn số 342/NHPT.THO-TDII ngày 8/9/2010; Công văn số 351/NHPT ngày 15/9/2010, VDB mời làm việc để giải trình nguyên nhân không nộp hồ sơ giải ngân và yêu cầu xây dựng kế hoạch giải ngân quý IV.
Bản án thiếu thuyết phục của TAND TP Thanh Hóa. Ảnh: Huy Tưởng
Ngoài ra, còn rất nhiều văn bản, biên bản làm việc giữa hai bên mà VDB đã nộp cho Tòa án thể hiện việc yêu cầu Cty Tây Đô lập hồ sơ giải ngân. Và, chính Cty Tây Đô có Công văn số 89/TD ngày 24/9/2010 báo cáo về tiến độ thực hiện và kế hoạch giải ngân quý IV, nội dung nêu rõ: “Do ảnh hưởng của nền kinh tế… nên đã làm chậm tiến độ thi công và làm chậm kế hoạch giải ngân ở các quý II và III”.
Từ những chứng cứ trên, có thể khẳng định TAND TP Thanh Hóa đã cố tình bỏ qua, cắt bớt nội dung những chứng cứ, tài liệu, văn bản của vụ án do VDB cung cấp để xét xử, phán quyết sai cho VDB.
Tòa án tự đưa ra nhận định: Tại phiên tòa hai bên tự nguyện thỏa thuận khối lượng xây lắp hoàn thành tính đến ngày 9/2/2010 là 139.977 triệu đồng, xét thỏa thuận của hai bên là tự nguyện… do đó theo tỷ lệ giải ngân 70/30, VDB phải giải ngân cho Cty Tây Đô 97.997 triệu đồng chứ không phải 77.442 triệu đồng”, rồi kết luận ngân hàng vi phạm về kế hoạch giải ngân, vi phạm hợp đồng tín dụng.
Thực tế, con số 139.997 triệu đồng là giá trị khối lượng Cty Tây Đô tự báo cáo cho VDB tại Công văn số 19/CV-TĐ ngày 4/2/2010 khi đề nghị thanh toán, trong đó đưa cả phần giá trị không được tính theo quy định do công trình chủ đầu tư tự thi công xây dựng (như thuế giá trị gia tăng đầu ra, lợi nhuận định mức) và một số công việc chưa thực hiện đầu tư nhưng vẫn nghiệm thu khống khối lượng và lên giá trị. Sau khi thẩm tra, VDB Thanh Hóa phải loại bỏ một số giá trị như: Loại bỏ giá trị khối lượng nghiệm thu khống là 12.267 triệu đồng, loại trừ chi phí thuế giá trị gia tăng đầu ra là 11.742 triệu đồng, loại trừ chi phí thu nhập chịu thuế tính trước (hoặc gọi là lợi nhuận định mức, lãi nội bộ) 6.214 triệu đồng. Tổng giá trị khối lượng thẩm tra sơ bộ đã loại ra là 30.223 triệu đồng.
Rõ ràng, tổng giá trị khối lượng được VDB Thanh Hóa thẩm tra, tạm chấp nhận là 116.607 triệu đồng. Để xác định một cách chính xác giá trị hoàn thành đã đầu tư cho dự án, VDB đã ký Hợp đồng kiểm toán số 396/2011/HĐXD/AAFC ngày 30/8/2011 với Cty Tư vấn Tài chính kế toán và Kiểm toán Việt Nam để thuê kiểm toán giá trị công trình. Giá trị hoàn thành được Cty Tư vấn Tài chính kế toán và Kiểm toán Việt Nam chấp nhận là 112.964 triệu đồng (giá trị này đã được Cty Tây Đô đồng ý và ký biên bản nghiệm thu hồ sơ và thanh lý hợp đồng kiểm toán).
Như vậy, so với giá trị đã được kiểm toán thì có thể kết luận rằng, giá trị 116.607 triệu đồng do VDB Thanh Hóa thẩm tra là hoàn toàn phù hợp và đúng với bản chất thật của công trình (vì công trình đang đầu tư dở dang). Còn giá trị 139.977 triệu đồng do TAND TP Thanh Hóa tự ý đưa ra mà không áp dụng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản để loại trừ những khoản không được tính đối với công trình tự làm là hoàn toàn thiếu căn cứ.
Từ những cơ sở pháp lý phân tích nêu trên có thể khẳng định, TAND TP Thanh Hóa lấy số liệu 139.977 triệu đồng và cho rằng VDB chấp nhận vô điều kiện để từ đó xác định tỷ lệ giải ngân 70/30 rồi kết luận ngân hàng vi phạm về giải ngân là trái pháp luật, quy chụp và hết sức phi lý.
Chưa hết, TAND TP còn đưa ra ý kiến: “Ngân hàng tự ý dừng giải ngân là không đúng cam kết trong hợp đồng tín dụng”. Về nội dung này, phải khẳng định VDB chưa có bất cứ một văn bản nào gửi cho Cty Tây Đô thông báo dừng giải ngân. Việc không giải ngân được là do Cty Tây Đô vi phạm điều kiện giải ngân theo Điều 5 Hợp đồng tín dụng số 12/2008 và số 130/2009, không gửi hồ sơ đề nghị giải ngân theo quy định của Hợp đồng tín dụng đến cho VDB.
Như vậy, sau khi đã bỏ qua phần lớn hồ sơ, tài liệu do VDB và luật sư cung cấp, TAND TP Thanh Hóa đã đưa ra những nhận xét vô lý và kết luận VDB vi phạm hợp đồng tín dụng về điều kiện giải ngân, đồng thời tuyên buộc VDB bồi thường cho Cty Tây Đô 26.306.519.795 đồng.
Thiết nghĩ, những việc làm trái pháp luật nêu trên của TAND TP Thanh Hóa cần được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc làm rõ.
Huy Tưởng - Văn Thanh
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 29/11, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kết luận thanh tra số 268/Kl-TTr việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại Công ty Cổ phần Cấp nước Đồng Nai. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, vi phạm tại đơn vị này.
Phương Anh
22:22 12/12/2024(Thanh tra) - Ngày 11/12, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Quyết định số 2984/QĐ-UBND ban hành kế hoạch công tác thanh tra năm 2025.
Lâm Ánh
19:36 12/12/2024Lâm Ánh
19:25 12/12/2024Thái Hải
19:15 12/12/2024Thái Hải
18:25 12/12/2024Ngọc Phó
18:00 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC