Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hòa Bình: Chưa xử lý kịp thời các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất

Thứ sáu, 13/01/2012 - 20:03

(Thanh tra) – Sau thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình trong việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo (KN,TC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai sót trong công tác tiếp dân; công khai, minh bạch trong quản lý đất đai; kê khai tài sản, thu nhập...

>> Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Kết luận thanh tra chỉ rõ, từ năm 2008 đến nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã quan tâm thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC. Sau mỗi buổi tiếp dân đều có thông báo kết quả, ý kiến chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương giải quyết theo thẩm quyền. Các vụ KN,TC đã được tập trung giải quyết ngay tại cơ sở, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp.

Trong công tác PCTN, Chủ tịch UBND đã chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định của pháp luật PCTN. UBND tỉnh cũng quan tâm công tác cải cách hành chính, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Đề án đổi mới công tác tiếp dân chưa triển khai đồng bộ


Tuy nhiên mô hình tiếp công dân của tỉnh và các huyện hiện không thống nhất. Có một số đơn vị triển khai chưa tốt, có đơn vị chưa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp dân như UBND huyện Kim Bôi, Đà Bắc. Trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND một số huyện chưa bảo đảm theo quy định của Luật KN,TC. Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý và theo dõi kết quả giải quyết đơn thư KN,TC của công dân chưa tập trung vào một đầu mối, chưa được cập nhật đầy đủ, rõ ràng…

Kiểm tra việc kê khai tài sản, thu nhập, Thanh tra Chính phủ phát hiện trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại như có nơi giao cho cơ quan Thanh tra triển khai và lưu giữ bản gốc bản kê khai tài sản, thu nhập, có nơi lại giao cho cả cơ quan Thanh tra và Nội vụ. Bên cạnh đó, việc bảo quản, lưu giữ bản kê khai tài sản, thu nhập và việc tổng hợp thống kê số liệu về kê khai tài sản, thu nhập hàng năm nhiều nơi chưa chú trọng.

Quá trình thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ còn nhiều lúng túng, nhất là các vị trí công tác ở huyện, xã. Các vụ việc tham nhũng đã được các cơ quan chức năng thụ lý, nhưng tiến độ điều tra xét xử vẫn còn chậm.

Hàng loạt dự án chậm triển khai đầu tư

Việc thẩm định, xác nhận nhu cầu sử dụng đất còn thể hiện sơ sài chưa theo quy định của Luật Đất đai. Kiểm tra hồ sơ các dự án đã được giao đất, Thanh tra Chính phủ thấy, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, chỉ có tờ trình gửi UBND tỉnh mà văn bản này chưa thể hiện được các nội dung thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư. Một số dự án giao đất chưa thực sự phù hợp với quy hoạch; một số dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không có năng lực tài chính, thiếu vốn, không có khả năng thực hiện.

Một số khu đất ở vị trí đắc địa tại huyện Lương Sơn, TP. Hòa Bình, UBND tỉnh đã không tiến hành đấu giá hoặc đấu thầu dự án lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ tiến hành giao đất, thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.

Quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được điều chỉnh nhưng chưa cập nhật được với một số quy hoạch của Trung ương trên địa bàn tỉnh như đường Hồ Chí Minh, các công trình quốc phòng, an ninh… Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã lập giai đoạn 2000-2010 tại các địa phương có nhiều vị trí, loại đất, cơ cấu sử dụng đất không còn phù hợp với tình hình thực tế về yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời.

Công tác bồi thường và giải phóng mặt bằng diễn ra chậm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 43 dự án chậm triển khai. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt thực hiện còn chậm. Tổng số tiền thuê đất, tiền sử dụng đất còn tồn đọng do các chủ đầu tư chưa nộp là hơn 36,6 tỷ đồng.

Hơn nữa, việc thanh tra, kiểm tra vẫn còn hạn chế, chưa xử lý kịp thời các tổ chức, đơn vị vi phạm trong quản lý, sử dụng đất. Việc triển khai, thực hiện, đôn đốc sau thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, nhiều tổ chức vi phạm trong nhiều năm chưa được xử lý triệt để. Các nhóm dự án như Khu đô thị sinh thái, Khu công nghiệp, Dự án xây nhà ở, cho đến thời điểm hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm việc giao đất không phù hợp với quy hoạch

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC, PCTN, có biện pháp khắc phục kịp thời. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ KN,TC tồn đọng, kéo dài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chủ động giải quyết các vụ mới phát sinh tại cơ sở, hạn chế tối đa việc công dân khiếu kiện vượt cấp.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và các ngành có liên quan chấn chỉnh lại công tác thẩm định, xác nhận nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư một cách khách quan, xác thực; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm việc tham mưu cho UBND tỉnh giao đất không phù hợp với quy hoạch tại các dự án; việc chậm bàn giao đất, ký hợp đồng thuê đất để thất thu ngân sách Nhà nước phải được xử lý theo quy định pháp luật. Rà soát lại các dự án chậm triển khai, các dự án chủ đầu tư không có khả năng thực hiện, cương quyết thu hồi đất theo quy định tại Điều 38, Luật Đất đai năm 2003.

Bên cạnh đó, ra quyết định hủy bỏ Quyết định số 07/2002/QĐ-UB ngày 1/2/2002 của UBND tỉnh Hòa Bình quy định quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; sớm ban hành quyết định mới phù hợp với Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 để quản lý có hiệu quả. Thực hiện nghiêm túc kết luận của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản về thanh tra công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản của UBND tỉnh.

Liên quan đến việc thực hiện Đề án đổi mới công tác tiếp dân, Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình sớm triển khai và chỉ đạo thủ trưởng các cấp, ngành xây dựng kế hoạch; có phương án cụ thể bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động của Trụ sở tiếp công dân của tỉnh.

Kiến nghị sửa đổi Nghị định số 158/2007/NĐ-CP

Qua thanh tra, Tổng Thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 158/2007/NĐ-CP 27/10/2007 của Chính phủ về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp với yêu cầu quản lý vì:

1 - Phạm vi, đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo quy định hiện hành là tương đối rộng và hầu hết tập trung vào những công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, nên rất khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ để đáp ứng công việc.

2 - Giữa đồng bằng và miền núi có sự khác biết về địa hình, một số địa bàn cơ sở có địa hình miền núi trắc trở, đi lại khó khăn, thiếu cán bộ chuyên môn về ngành, lĩnh vực và có nhiều khó khăn trong việc bố trí người thay thế, một số địa bàn huyện có sự chênh lệch lớn về điều kiện sinh hoạt và khoảng cách giữa các xã tương đối xa nên việc chuyển đổi vị trí công tác cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với một số chức danh chỉ có một cán bộ như kế toán xã, kế toán trường học… việc thực hiện chuyển đổi là không khả thi.


Hồng Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm