Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hiến kế giải quyết KN,TC trong lĩnh vực đất đai

Thứ tư, 04/04/2012 - 22:49

(Thanh tra)- Vừa qua, Hội nghị về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) đã được Thanh tra Chính phủ tổ chức tại cả 3 miền, là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác này do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. PV Báo Thanh tra đã ghi nhận những con số khá “nóng” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận diện KN,TC về đất đai.

KN,TC phía Nam chiếm 70%

Theo tổng hợp của Bộ TN&MT, trong các năm 2005 - 2007, mỗi năm trung bình Bộ nhận được khoảng gần 10.000 lượt đơn thư. Tình hình KN,TC diễn ra gay gắt, phức tạp ở hầu hết các địa phương. Tính chất vụ việc KN phức tạp, tiềm ẩn sự mất ổn định ở một số vùng, đặc biệt là các TP lớn, các đô thị. Nhiều đoàn đông người được tổ chức chặt chẽ, không chỉ trong cùng một địa phương mà liên kết với nhiều địa phương, có người cầm đầu, chỉ huy. Có đoàn đã lợi dụng, lôi kéo, xúi giục các đối tượng chính sách, người già và trẻ em đi khiếu kiện. Đặc biệt xuất hiện một số đoàn khiếu kiện đông người là các dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đòi lại đất Nhà nước đã giao cho các nông - lâm trường và người khác sử dụng (Ninh Thuận, An Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh).

Từ 2008 đến nay, tình hình KN có xu hướng giảm dần qua các năm. Tuy nhiên, tranh chấp, KN,TC về đất đai vẫn còn phức tạp. KN vượt cấp, đông người ở địa phương có chiều hướng tăng lên, nhất là các địa phương có nhiều dự án thu hồi đất như: Khu đô thị - thương mại Văn Giang (Hưng Yên), dự án của Tập đoàn Vinashin (xã Lai Vu, huyện Kim Thành, Hải Dương), các dự án đường cao tốc, đường dây 500KV, Khu công nghiệp Tân Hương, Khu công nghiệp Long Giang (Tiền Giang), các dự án Trung tâm thương mại Cái Dầu, khu khán đài, Quốc lộ 91 (An Giang), dự án Chợ Sặt (Đồng Nai), dự án Hồ chứa nước sông Ray (Bà Rịa - Vũng Tàu), dự án Khu công nghệ cao (TP Hồ Chí Minh); KN của các hộ dân phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội)…

Từ năm 2008 - 2011, Bộ TN&MT đã tiếp nhận 25.238 lượt đơn của 10.937 vụ việc, trong đó có 10.820 vụ việc thuộc lĩnh vực đất đai. Trong đó, KN về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm 37,89%; đòi lại đất cũ chiếm 17,29%; tranh chấp đất đai chiếm 19,66%. Số vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết của Bộ TN&MT chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng 0,9%. Qua theo dõi, các tỉnh, TP phía Nam có số đơn thư tranh chấp, KN,TC chiếm 60 - 70% tổng số đơn hàng năm mà Bộ TN&MT nhận được.

Bộ TN&MT đã cử đoàn công tác phối hợp với các địa phương, kiểm tra bàn biện pháp thống nhất giải quyết nhằm chấm dứt các vụ việc KN. Trong tổng số 94 vụ việc phải kiểm tra lại, Bộ TN&MT đã kiểm tra 80 vụ, 14 vụ việc đang tiến hành kiểm tra.

Trong số 163 vụ việc thuộc thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ giao từ năm 2008 đến nay, Bộ đã xem xét giải quyết đạt tỷ lệ 85%. Kết quả cho thấy, số vụ công dân KN đúng chiếm 27,3%, KN sai chiếm 38,8%, KN có đúng, có sai chiếm 33,9%.

Nhận diện nguyên nhân

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển, một nguyên nhân của tình trạng KN,TC nói trên là do chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian dài không đồng bộ, thiếu cụ thể và thiếu nhất quán. Việc thực hiện chính sách trong nhiều trường hợp tùy tiện hoặc không quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất (SDĐ), gây nên những bức xúc. Mặt khác, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai từng bước đổi mới theo hướng ngày càng quan tâm lợi ích chính đáng của người SDĐ cũng tạo ra sự so bì, nhất là trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người SDĐ đã được pháp luật công nhận. Điều đó dẫn tới nhấn mạnh quyền thu hồi đất của Nhà nước, nhấn mạnh việc tạo vốn từ quỹ đất mà chưa quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của người SDĐ, đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường, xử lý mối tương quan giữa giá đất thu hồi với giá đất tái định cư. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội, lợi ích nhà đầu tư với lợi ích của những người có đất bị thu hồi cũng chưa được giải quyết tốt. Việc quy định giá đất quá thấp so với giá chuyển nhượng quyền SDĐ thực tế trên thị trường tuy có tác động tích cực tới việc khuyến khích nhà đầu tư nhưng lại gây ra những phản ứng gay gắt của những người có đất bị thu hồi.

Ông Hiển cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng KN,TC còn ở việc không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thu hồi đất nông nghiệp để giao cho các nông trường, lâm trường nhưng sử dụng không có hiệu quả trong khi nông dân thiếu đất hoặc không còn đất sản xuất, đời sống khó khăn.

Nói về nguyên nhân KN,TC, đại diện Bộ TN&MT cũng khẳng định, trong tổ chức thực hiện pháp luật về giải quyết tranh chấp, KN,TC, một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa sát sao lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết tranh chấp, KN,TC của công dân. Một số địa phương chưa làm tốt việc tiếp dân, nhận đơn, chưa hướng dẫn cụ thể theo pháp luật về việc nộp đơn đúng cơ quan có thẩm quyền, để tình trạng người khiếu kiện đi hết nơi này đến nơi khác, một nội dung đơn gửi nhiều cơ quan dẫn tới tình trạng chuyển đơn “lòng vòng”. Khi phát sinh khiếu kiện, đã không tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, thậm chí né tránh, đùn đẩy, nên công dân gửi đơn vượt cấp lên Trung ương. Nhiều vụ việc đã có quyết định giải quyết cuối cùng, nhưng việc tổ chức thi hành quyết định không nghiêm, cơ quan ra quyết định thiếu kiểm tra, đôn đốc kịp thời để giải quyết dứt điểm. Một số vụ việc đã có kết luận hoặc quyết định giải quyết nhưng không có tính khả thi trong tổ chức thi hành dẫn tới phát sinh những khiếu kiện mới phức tạp hơn.

Kiến nghị xử lý KN,TC

Để “chữa bệnh” KN,TC trong lĩnh vực đất đai và bảo đảm đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, hơn lúc nào hết, cần phân định rõ các phương án xử lý. Cụ thể, việc giải quyết KN hành chính về đất đai thực hiện đúng chính sách, pháp luật chung về KN được quy định tại Luật KN năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Việc giải quyết TC về đất đai thực hiện theo quy định của Luật TC năm 2011.

Việc giải quyết tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận quyền SDĐ hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 thì do cơ quan tòa án giải quyết. Trường hợp đương sự không có giấy chứng nhận quyền SDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 thì thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, tuy nhiên cần xem xét lại quy định tranh chấp đã có quyết định giải quyết lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thì chỉ khởi kiện đến cơ quan tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Bộ TN&MT đã cụ thể hóa các kiến nghị này bằng Văn bản số 101/BTNMT-TTr gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều nội dung tố cáo nóng

Số đơn KN hành chính về đất đai chiếm tỷ lệ 60 - 70%. Trong đó có nhiều nội dung nóng: TC cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn và lợi dụng các chương trình, dự án của Nhà nước để bao chiếm ruộng đất, chia chác đất đai, nhất là đối với chương trình trồng rừng, các dự án phát triển khu dân cư, các dự án tái định cư; nhũng nhiễu trong thực hiện các thủ tục hành chính, giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng quy hoạch; sử dụng tiền thu từ quỹ đất công ích trái quy định của pháp luật, gian lận trong việc lập phương án bồi thường để tham ô; trục lợi về đất đai thông qua việc lập phương án hoặc điều chỉnh phương án quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn không phù hợp với thực tế, gây xáo trộn không cần thiết đối với đời sống nhân dân.

Lộc Nga

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm