Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chỉ ra hàng loạt sai phạm

Thứ ba, 08/05/2012 - 06:33

(Thanh tra) - Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong năm 2010 và 2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tiến hành thanh tra công tác quản lý giá tại 3 tỉnh, thành phố và giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá trên địa bàn 20 tỉnh, thành phố.

Nhiều địa phương chưa ban hành quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn. Ảnh: Hồng Anh

Kết quả cho thấy, hầu hết các địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm Pháp lệnh Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá theo quy định; xây dựng và ban hành các định mức, đơn giá theo thẩm quyền để áp dụng thống nhất trên địa bàn.

9/23 địa phương gồm TP Hà Nội và các tỉnh: Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà, Tây Ninh, Bình Thuận, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giá trên địa bàn. Triển khai, thực hiện kịp thời các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trong việc thực hiện bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội... Nhiều địa phương thực hiện tốt như: Điện Biên, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Khánh Hoà, Bình Thuận...

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại trong công tác quản lý giá trên địa bàn.

4 địa phương chưa ban hành quy định về giá

Năm 2010, có 4/23 địa phương (Quảng Nam, Sóc Trăng, Đắk Nông, Long An) chưa ban hành quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 25 của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá.

Thời điểm từ ngày 1/10/2010 trở về trước, còn nhiều địa phương chưa triển khai, hướng dẫn các DN sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký giá, tiến hành đăng ký giá, kê khai giá và gửi hồ sơ đăng ký giá về Sở Tài chính theo quy định tại Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13/11/2008 của Bộ Tài chính.

Thời điểm sau 1/10/2010 (khi Thông tư số 122/2010/TT-BTC ngày 12/8/2010 của Bộ Tài chính có hiệu lực), các địa phương đã triển khai thực hiện quy định về đăng ký giá, kê khai giá trên địa bàn. Tuy nhiên, việc triển khai còn chưa đồng bộ, một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, cụ thể: 7/23 địa phương (gồm: Bạc Liêu, Đắk Nông, Nam Định, Thái Nguyên, Quảng Trị, Trà Vinh, Sóc Trăng) ban hành văn bản triển khai nhắc lại quy định của T.Ư, không ban hành danh mục các đơn vị phải đăng ký giá, kê khai giá trên địa bàn theo quy định. Tỉnh Đắk Nông chưa triển khai, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục phải đăng ký, kê khai giá thực hiện việc đăng ký giá và gửi hồ sơ đăng ký giá về Sở Tài chính theo quy định.

Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan trong ngành tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về giá, xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp vi phạm.

TP Hà Nội và Long An ban hành văn bản hướng dẫn về đăng ký, kê khai giá còn chưa đầy đủ, trong đó: Đối với mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước thực hiện bình ổn giá như lúa gạo, đường ăn và các DN được UBND TP Hà Nội cho tạm ứng ngân sách để mua hàng tạm trữ, thực hiện bình ổn giá trong năm 2009, 2010 chưa đưa vào danh sách các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá. Tỉnh Long An chỉ có 6 DN kinh doanh mặt hàng thóc gạo trong danh sách phải đăng ký giá; các DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước thực hiện bình ổn giá như: Thức ăn chăn nuôi, đường ăn, khí hóa lỏng, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, giấy, sách giáo khoa… và 2 DN được UBND tỉnh cho tạm ứng ngân sách mua hàng tạm trữ thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết năm 2010, 2011 chưa đưa vào danh sách các tổ chức, cá nhân phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá theo quy định.

Năm 2010, 23/23 tỉnh, thành phố (được thanh tra và gửi báo cáo) đều triển khai, thực hiện công tác bình ổn giá trên địa bàn theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư. Tuy nhiên, việc triển khai, thực hiện tại từng địa phương còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, các địa phương chưa ban hành quy chế, chưa tổng kết, đánh giá hiệu quả việc tạm ứng ngân sách thực hiện bình ổn giá trên địa bàn.

Hà Nội giao đất không đúng trình tự

Tại TP Hà Nội, thời điểm ngày 31/12/2010, có 49 dự án (D.A) giao đất có thu tiền sử dụng đất (SDĐ) cho các tổ chức, cá nhân để thực hiện các D.A xây dựng khu dân cư, khu đô thị mới (do UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định), đã phê duyệt đơn giá và tổng số tiền SDĐ của các D.A phải nộp trước khi giao đất, bàn giao đất cho các nhà đầu tư không đúng trình tự, thủ tục quy định và chưa phù hợp với quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ. Việc giao đất không đúng trình tự quy định dẫn đến xác định tiền SDĐ các D.A phải nộp không phù hợp. Cơ quan Thuế không đủ căn cứ để thu tiền SDĐ, các chủ D.A chậm nộp tiền SDĐ.

Kết quả thanh tra công tác quản lý giá tại Hà Nội, Long An, Bình Định cho thấy, năm 2010 cả 3 địa phương đã thực hiện ban hành Bảng giá các loại đất hàng năm, nhưng chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 7, Thông tư Liên tịch số 02/2010/TTLT-BTNMT-BTC ngày 8/1/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính. Chưa kể, Bảng giá các loại đất còn nhiều bất cập. Cụ thể:

Bảng giá các loại đất tại 13 tuyến đường ở 4 quận do UBND TP Hà Nội phê duyệt nhưng không có phiếu điều tra giá đất trên thị trường (toàn bộ loại đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không có phiếu điều tra; đất ở tại một số tuyến đường không có phiếu điều tra hoặc chỉ có phiếu điều tra tại một số vị trí đất). Hầu hết giá đất trên các phiếu điều tra (giá thị trường) đều cao hơn giá đất trên bảng giá đất do UBND thành phố ban hành từ 25% trở lên.

Tỉnh Long An không tiến hành điều tra, khảo sát giá đất để phân tích các mức giá đất thực tế đã chuyển nhượng quyền SDĐ trên thị trường của loại đất tương tự để so sánh, xác định giá của thửa đất, loại đất cần định giá để làm căn cứ xây dựng bảng giá các loại đất. Địa phương chỉ căn cứ vào báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Bảng giá các loại đất năm 2009 và dự kiến Bảng giá các loại đất năm 2010 của UBND các huyện, thành phố. 

Tỉnh Bình Định chưa lập đầy đủ phiếu điều tra giá đất trên thị trường theo quy định.       

Long An, Đắk Nông không thẩm định giá đất

Tỉnh Long An và tỉnh Đắk Nông không thực hiện việc thẩm định giá đất và xác định tiền SDĐ D.A phải nộp ngân sách theo hướng dẫn tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính. Trong đó: Tỉnh Long An thực hiện miễn giảm tiền SDĐ, tiền thuê đất cho 3/13 D.A được thanh tra khi chưa có quyết định thành lập khu công nghiệp. Tỉnh Đắk Nông có 4/5 D.A được thanh tra nhưng địa phương áp dụng giá đất UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2005 và cộng thêm 30% trượt giá, chưa sát với giá thị trường theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 và Nghị định số 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ; 1/5 D.A, thẩm định, xác định giá đất không nhất quán, sử dụng giá đất chỉ bằng 60% đến 70% giá đất thị trường.

Đất đai là một trong những đối tượng được Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, giám sát

TP Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh xác định giá đất và tính tiền SDĐ chủ D.A phải nộp ngân sách Nhà nước theo phương pháp thặng dư theo Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc thẩm định giá đất và xác định tiền SDĐ chủ D.A phải nộp ngân sách Nhà nước không quy về cùng thời điểm. Trong đó, chi phí phát triển được xác định theo tương lai (có tính đến yếu tố trượt giá), doanh thu phát triển được xác định theo giá trị tại thời điểm hiện tại (thời điểm thẩm định giá đất). TP Hà Nội có 7/7 D.A được thanh tra, tỉnh Quảng Ninh có 3/3 D.A được thanh tra.

Thanh tra 13 D.A tại tỉnh Bình Định cho thấy, địa phương áp dụng phương pháp so sánh theo hướng dẫn tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, 11/13 D.A không triển khai, khảo sát và thu thập thông tin từ 3 - 5 thửa đất có giao dịch chuyển nhượng thành công trên thị trường để làm căn cứ so sánh theo quy định.

Tỉnh Đắk Nông chưa ban hành giá rừng và giá cho thuê rừng. Vì vậy, 36 D.A cho thuê rừng để đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp với tổng diện tích rừng là 24.284,7 ha chưa được địa phương xác định giá thuê.

Tỉnh Quảng Ninh ban hành Bảng giá tối thiểu làm căn cứ tính thuế tài nguyên than đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam dựa trên cơ sở tính toán và phương pháp tính toán chưa phù hợp với quy định tại Luật Thuế tài nguyên và Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính.

Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản về giá

Qua thanh tra, giám sát, Bộ Tài chính kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn; khẩn trương ban hành quy định quản lý Nhà nước về giá trên địa bàn theo đúng quy định tại Nghị định số 170/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Giá. Chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong việc triển khai, thực hiện quy định của pháp luật về giá và ưu đãi đầu tư trên địa bàn. Rà soát, bổ sung danh mục tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục Nhà nước thực hiện bình ổn giá trên địa bàn phải thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và gửi hồ sơ về Sở Tài chính theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng quy chế ứng vốn ngân sách mua hàng tạm trữ thực hiện bình ổn giá để áp dụng thống nhất; đôn đốc, kiểm tra đánh giá hiệu quả việc tạm ứng ngân sách mua hàng tạm trữ để thực hiện bình ổn giá và thu hồi tạm ứng đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, ban hành Bảng giá các loại đất trên địa bàn hàng năm; chấn chỉnh việc thẩm định giá đất và xác định tiền SDĐ các chủ D.A phải nộp tại các D.A được Nhà nước giao đất có thu tiền SDĐ không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ. Thực hiện xác định giá đất và tiền SDĐ phải nộp ngân sách Nhà nước của các D.A giao đất có thu tiền SDĐ theo quy định tại Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính. Ngoài ra, cần nghiên cứu, ban hành giá rừng và giá cho thuê rừng để làm căn cứ xác định tiền thuê rừng các đơn vị phải nộp ngân sách Nhà nước.

Đối với các đơn vị chức năng trực thuộc, Bộ Tài chính chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá. Có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố triển khai ban hành giá rừng theo đúng quy định tại Thông tư liên bộ số 65/2008/TTLT-BNN-BTC ngày 26/05/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2007/NĐ-CP ngày 28/3/2007 của Chính phủ.


Thành An

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Long: Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn hạn chế

Vĩnh Long: Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn hạn chế

(Thanh tra) - Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tổ chức kê khai, công khai tài sản, thu nhập tại thành phố Vĩnh Long còn một số hạn chế. Việc lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chưa đầy đủ, chính xác các đối tượng theo quy định. Ngoài ra, qua kiểm tra phát hiện một trường hợp được bổ nhiệm kế toán trưởng không đúng quy định.

Cảnh Nhật

20:41 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm