Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Chấm dứt giải quyết khiếu nại đối với ông Phong

Thứ bảy, 02/04/2011 - 07:39

(Thanh tra)- Thời gian qua, UBND tỉnh An Giang cùng các cơ quan T.Ư liên tục nhận được đơn và nhiều lần tổ chức đưa người khiếu nại (KN) từ các cơ quan T.Ư tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trở về An Giang để lãnh đạo tỉnh phối hợp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (bộ, ngành T.Ư) tiếp, đối thoại và giải quyết, nhưng người KN vẫn không đồng ý.

Trong số các trường hợp KN nói trên có ông Hà Thanh Phong, ngụ tại xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới, yêu cầu giải quyết thêm 51.000m2 đất còn thiếu so với chứng thư người cày có ruộng do chính quyền chế độ cũ cấp cho gia đình.

Ông Hà Thanh Phong (con ông Hà Văn Ngự đã chết) nằm trong số các hộ KN xin được cấp đất nông nghiệp tại Lâm trường Tràm xã Tây Phú, tọa lạc ấp Phú Lợi, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn.

Khu vực đất ông Hà Thanh Phong KN trước đây có một số hộ vào canh tác ở dạng lởm chởm, da beo không hiệu quả rồi bỏ đất hoang hóa. Năm 1980, Nông trường III vào khoanh vùng sản xuất lúa 1 vụ, nhưng vì chưa có hệ thống thủy lợi xổ phèn nên sản xuất không hiệu quả, đất tiếp tục bị bỏ hoang hóa.

Năm 1982, huyện Thoại Sơn thành lập Lâm trường Tràm tại vị trí đất của Nông trường III trước đây với quy mô 200ha. Đến năm 1987, huyện không trực tiếp quản lý diện tích này mà giao lại cho UBND xã Tây Phú.

Năm 1990, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, huyện Thoại Sơn chuyển diện tích đất không có tràm và diện tích đất sản xuất lúa 1 vụ của xã Tây Phú sang thành diện tích đất sản xuất lúa 2 vụ.

Sau khi đào kênh để thực hiện chuyển vụ, diện tích của Lâm trường chỉ còn lại 183ha (trong đó có 36,7ha thuộc xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn mà UBND huyện Thoại Sơn mượn của huyện Tri Tôn được UBND tỉnh chấp thuận). Diện tích đất còn lại của Lâm trường, đến năm 1991 chỉ có 71ha đất có tràm, phần còn lại 112ha đất trống không có hộ nào đến nhận chuyển vụ.

Tháng 2/1991, dưới danh nghĩa đại diện Phòng Cán bộ Quân khu 9, ông Lê Minh Tâm làm đơn xin mượn đất Lâm trường để sản xuất cho đơn vị, thời hạn 10 năm được UBND xã Tây Phú duyệt chấp thuận. Tuy nhiên, ông Tâm không thực sự canh tác cho đơn vị mà sang nhượng trái phép hết cho 14 hộ dân đến từ tỉnh Cửu Long. (Ngày 26/12/1991, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII, tỉnh Cửu Long đã tách ra thành 2 tỉnh là Vĩnh Long và Trà Vinh). Phần diện tích 71ha đất có tràm, do quản lý không tốt, đã để cho một số hộ dân đến đốn tràm, lấn chiếm sản xuất. Trước tình hình trên, UBND xã Tây Phú đề xuất UBND huyện Thoại Sơn cho chuyển diện tích đất tràm sang đất sản xuất lúa 2 vụ và quản lý luôn phần diện tích của 14 hộ đến từ tỉnh Cửu Long đang canh tác. 14 hộ KN đòi đất sản xuất.

Ngày 17/4/1996, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 361/QĐ-UB giải quyết KN của các hộ: Công nhận diện 50% diện tích đất nông nghiệp theo hiện trạng cho các hộ dân, nhưng không được vượt quá 3ha.

Phần diện tích đất còn lại 110,5ha, bị 31 hộ dân lấy lý do là chủ đất cũ vào bao chiếm, trong đó có gia đình ông Hà Văn Phong bao chiếm 111.991m2

Ngày 16/11/1996, UBND huyện Thoại Sơn ký Quyết định số 49/QĐ-UB thu hồi diện tích 110,5ha của 31 hộ lấn chiếm đất trái phép, trong đó có ông Hà Văn Ngự, diện tích 111.991m2 đất. Ông Hà Văn Ngự không KN nhưng cũng không thực hiện quyết định đồng thời tiếp tục chiếm đất canh tác.

Ngày 23/12/1996, ông Nguyễn Văn Dững KN đến UBND huyện Thoại Sơn cho rằng, Quyết định số 49/QĐ-UB thu hồi đất của ông Hà Văn Ngự là không đúng vì đất này là của ông. Ông Nguyễn Văn Dững yêu cầu được giữ nguyên diện tích 111.000m2 theo các giấy ủy quyền gồm: Ông Ngô Văn Dều (chết) con là ông Ngô Văn Cung (ngụ ấp Long Thành, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) ủy quyền, diện tích 1,45ha, có chứng khoán người cày có ruộng, cội rễ địa bộ 353, đất ngoài khu vực tràm. Bà Nguyễn Thị Dầy (ngụ ấp Long Qưới 2, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) ủy quyền diện tích 3ha, có chứng khoán người cày có ruộng, cội rễ địa bộ 450, đất trong khu vực tràm. Bà Phan Thị Xuyến (ngụ ấp Phú Hòa, xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn) ủy quyền diện tích 3ha, có chứng khoán người cày có ruộng, cội rễ địa bộ 450, đất trong khu vực tràm.

Ngày 18/3/1997, UBND huyện Thoại Sơn ký Quyết định số 25/QĐ-UB công nhận bà Nguyễn Thị Dầy và bà Phan Thị Xuyến là chủ đất cũ. Xét cấp lại cho bà Nguyễn Thị Dầy diện tích 10.000m2, bà Phan Thị Xuyến 10.000m2.

Ngày 2/4/1999, UBND huyện Thoại Sơn ký Thông báo số 50/TB-UB yêu cầu ông Hà Văn Ngự giao diện tích đất thu hồi cho UBND xã Tây Phú quản lý.

Ngày 26/7/1999, UBND huyện Thoại Sơn ký Quyết định số 50/QĐ-UB-XP xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hà Văn Ngự về hành vi vi phạm cố ý không thực hiện giao đất theo Quyết định số 49/QĐ-UB.

Ông Hà Văn Ngự KN đến UBND huyện Thoại Sơn xin lại diện tích 111.000m2 đất thuộc khu vực Lâm trường Tràm Tây Phú.

Ngày 7/4/2000, UBND huyện Thoại Sơn ký Quyết định số 28/QĐ-UB bác đơn KN của ông Hà Văn Ngự KN xin lại 111.000m2 đất ruộng khu vực đất Lâm trường Tràm xã Tây Phú; giao UBND xã Tây Phú xem xét quỹ đất xã xét cấp lại cho gia đình ông Ngự theo quy định, nếu gia đình ông Ngự có nhu cầu sử dụng đất. Ông Ngự KN đến UBND tỉnh xin được giữ nguyên diện tích canh tác.

Ngày 10/5/2000, UBND tỉnh có Thông báo số 48/TB-UB nêu rõ: Mức giao cấp đất cho các hộ giữ như chủ trương trước đây (Quyết định 361/QĐ-UB). Ngoài ra, đối với những hộ có con cùng tranh chấp, nếu những người con có hộ khẩu riêng (thời kỳ tranh chấp) có làm nghĩa vụ thuế Nhà nước và thủy lợi phí sẽ được nghiên cứu giải quyết giao cấp theo quỹ đất hiện có của địa phương.

Chủ trương giải quyết này được Tổ Công tác của Tổng cục Địa chính thống nhất tại cuộc họp với UBND tỉnh ngày 29/12/2000.

Ngày 15/3/2001, UBND tỉnh có Quyết định số 325/QĐ.UB.KN giải quyết cấp đất cho ông Hà Văn Ngự diện tích 30.000m2.

Ông Hà Thanh Phong KN xin được giải quyết cấp thêm 51.000m2 đất cho đủ diện tích đất của gia đình bao chiếm.

Từ diễn biến trên cho thấy, KN của ông Phong xuất phát từ hành vi lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý với lý do được chủ đất theo địa bộ cũ ủy quyền KN. Tuy nhiên, xét thực tế nhu cầu sử dụng của gia đình nên ông Ngự, ông Dững được xét cấp tổng cộng 50.000m2 đã làm cho ông Phong (con ông Ngự) ngộ nhận là Nhà nước đã giải quyết theo địa bộ cũ. Cơ quan chức năng tỉnh An Giang khẳng định: Trong quá trình giải quyết, cơ quan thẩm quyền có thể dựa vào giấy tờ của chính quyền chế độ cũ để tham khảo chứ không là căn cứ pháp lý buộc phải giải quyết. Nay ông Phong tiếp tục KN đòi được giải quyết thêm diện tích 51.000m2 đất còn thiếu so với chứng thư người cày có ruộng (được ủy quyền) là không phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Thực hiện Kế hoạch số 319/KH-TTCP ngày 20/2/2009 của Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát vụ việc KN, tố cáo tồn đọng, bức xúc, kéo dài, ngày 23/8/2010, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức tiếp và công bố kết thúc giải quyết KN của ông Hà Thanh Phong.

Chính vì thế, UBND tỉnh An Giang đã thông báo kết thúc giải quyết KN đối với ông Hà Thanh Phong; yêu cầu ông Phong nghiêm chỉnh chấp hành theo quyết định của tỉnh, chấm dứt KN.

Căn cứ kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại khoản 1 Thông báo số 89/TB-VPCP, ngày 19/3/2009 của Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh An Giang đề nghị các cơ quan T.Ư không tiếp nhận đơn, không chuyển đơn KN của ông Phong.

Thành Long

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm