Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Cây gậy như ý” nâng cao hiệu quả tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ bảy, 26/01/2013 - 11:06

(Thanh tra) - Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng chia sẻ, ông thấy vui khi Luật Khiếu nại (KN), Luật Tố cáo (TC) đã quy định khá cụ thể về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Nhiều quy trình, trình tự thủ tục trong tiếp dân, giải quyết KNTC đã được luật hóa, giúp cán bộ trực tiếp làm công tác này vững tin và thực hiện mà không cần chờ đợi hướng dẫn của Nghị định. Tìm theo lời tâm sự của Phó Tổng Thanh tra, khi đến với các đơn vị, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều tín hiệu vui sau 6 tháng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đi vào cuộc sống…

Ông Phan Văn Hải

Trưởng phòng tiếp dân, Trụ sở tiếp dân của T.Ư đảng và Nhà nước Phan Văn Hải: Có cơ sở để hướng dẫn người dân khởi kiện

Trong nhiều quy định mới, Luật Khiếu nại cũng quy định, người KN có thể lựa chọn và khởi kiện thẳng ra Tòa án, KN không còn là thủ tục bắt buộc. Quy định trên đây đối với người tiếp dân là rất cụ thể và có ý nghĩa quan trọng. Mỗi cán bộ tiếp dân có thể hướng dẫn công dân khởi kiện mà không bị “vướng” như trước đây.

Luật Khiếu nại cũng quy định việc đối thoại trong việc giải quyết KN lần đầu sẽ được tổ chức “nếu yêu cầu của người KN và kết quả xác minh nội dung KN còn khác nhau thì người giải quyết KN tổ chức đối thoại với người KN, người bị KN, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung KN, yêu cầu của người KN và hướng giải quyết KN”, còn việc tổ chức đối thoại trong giải quyết KN lần hai là bắt buộc. Trong giải quyết KN lần hai: “Đối với vụ việc KN phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết KN lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết KN”. Đây là những quy định hết sức cụ thể để từng cán bộ tiếp dân có thể hướng dẫn công dân ngay đối với các KN bức xúc về cách làm của cấp cơ sở.

Phó Chánh thanh tra Bộ Công thương Lê Việt Long: Vẫn mong mở rộng các hình thức tố cáo và bảo vệ người tố cáo!

Luật Tố cáo quy định các hình thức TC được thực hiện bằng đơn TC hoặc TC trực tiếp (Điều 19). Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay còn nhiều hình thức TC như: Gửi thư thư điện tử, tin nhắn qua điện thoại… Những thông tin trên không được thụ lý giải quyết, nhưng qua những thông tin này các cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết tham khảo và sử dụng thông tin rất hữu hiệu khi giải quyết KN hay xử lý TC. Sở dĩ có tình trạng này vì người TC sợ bị trù dập, sợ bị trả thù nên không dám đứng tên.

Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng, Luật Tố cáo đã quy định cụ thể và đầy đủ hơn về quyền, nghĩa vụ của người TC, người bị TC, người giải quyết TC trong đó quy định một số nội dung mới về công khai nội dung TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC. Người giải quyết TC có trách nhiệm công khai kết luận nội dung TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC bằng các hình thức: Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị TC công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết TC, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị TC; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai này phải bảo đảm không tiết lộ thông tin về người TC và những nội dung thuộc bí mật Nhà nước.

Có thể nói, Luật Tố cáo hiện hành đã ghi nhận một số nguyên tắc và biện pháp bảo vệ người TC. Tuy nhiên, những quy định này còn chưa xác định cụ thể trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc bảo mật những thông tin liên quan đến người TC; chưa xác định các biện pháp, chế tài xử lý đối với người có trách nhiệm nhưng không áp dụng các biện pháp bảo vệ hoặc thiếu trách nhiệm trong bảo vệ người TC. Chính vì vậy, Luật Tố cáo đã bổ sung một chương mới là Chương V từ Điều 34 đến Điều 40 về bảo vệ người TC. Tuy nhiên, thực tế là người TC còn lo lắng về việc mình được bảo vệ.

Qua thực tiễn công tác, tôi mong những quy định về giữ bí mật và bảo vệ quyền lợi hợp pháp đối với người TC khi họ thực hiện TC hành vi vi phạm pháp luật sẽ được xây dựng hoàn chỉnh hơn, chặt chẽ hơn. Chỉ khi đó mới có thể tính đến việc mở rộng các hình thức TC.

Chánh Thanh tra Nam Định Nguyễn Khắc Chanh: Khiếu nại đông người đã vào “nề nếp”

Ngay khi được ban hành, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo rất được hưởng ứng và triển khai ngay trên địa bàn. UBND tỉnh đã mở các lớp tập huấn cho cán bộ chủ chốt trong tỉnh. Tiếp đó, 24 lớp tập huấn cũng được mở để hướng dẫn cho gần 3.000 cán bộ các huyện, Sở, ngành. Thanh tra tỉnh cũng ban hành nhiều tờ gấp, tài liệu tuyên truyền về Luật phát hành đến tận cơ sở.

Việc triển khai thực hiện Luật tuy thời gian chưa nhiều nhưng đã cho thấy những kết quả ban đầu quan trọng. Trụ sở tiếp dân đã được đầu tư, hoàn thiện hơn so với trước. Công tác tiếp dân cũng dần trở nên có hệ thống và được chính quyền quan tâm thực hiện tốt hơn. Cá nhân tôi rất tâm đắc khi Luật Khiếu nại lần này đã đưa ra quy định về việc cử người đại diện đối với đoàn đông người do nhiều người cùng ký đơn. Quy định này đã tạo thuận lợi rất nhiều cho công tác tiếp dân. Người dân thuộc các đoàn đông người giờ đã trật tự, nề nếp hơn nhiều và không còn chuyện tranh nhau vào như lúc trước.

Từ khi triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực, cán bộ làm công tác tiếp dân cũng được quan tâm hơn trước. Riêng tỉnh Nam Định, khi đưa ra trình tại Hội đồng nhân dân, cán bộ làm công tác tiếp dân được hưởng 150.000 đồng/ngày. Do vậy, cán bộ làm công tác tiếp dân rất phấn khởi, yên tâm công tác. Mặt khác, sau khi tham gia các đợt tập huấn về Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo thì vững vàng về kiến thức, nghiệp vụ. 

Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KNTC đã có nhiều chuyển biến. Thời gian giải quyết các vụ việc cũng có nhiều tiến bộ. Trong quá trình giải quyết đơn thư, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy ý kiến của nhiều cấp, ngành để giải quyết đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, Luật lần này đã làm rõ được trách nhiệm của chính quyền địa phương, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương Nguyễn Quốc Khánh: Luật làm giảm hoài nghi của người dân với chính quyền

Sau khi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo có hiệu lực, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã xây dựng kế hoạch tập huấn tuyên truyền về những điểm mới được; quy trình tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết một số vụ việc KNTC đối với cán bộ, công chức của các cơ quan chuyên môn cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ Tư pháp, văn phòng của UBND các xã, phường, trấn thuộc UBND thành phố và các quận huyện. Đến nay, 12 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Hải Dương đã hoàn thành kế hoạch tập huấn nghiệp vụ quy trình xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, PCTN…

Thông qua những buổi tập huấn đó và trực tiếp tiếp cận với cán bộ cấp cơ sở, tôi nhận thấy những quy định mới về quyền KN, trình tự KN trong Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo rất thiết thực trong giai đoạn hiện nay. 

Điểm đầu tiên tôi muốn nhắc đến trong Luật Khiếu nại là Luật đã quy định về trình tự KN, và quyền của người KN. Theo đó, người KN có quyền được sao chụp, photo các tài liệu của người giải quyết làm căn cứ để giải quyết KN; có thể KN lên cơ quan cấp trên hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nếu quá thời hạn thụ lý chưa được xem xét giải quyết. Đây là quy định mới, rất đúng và trúng, giúp người KN yên tâm hơn, giảm hoài nghi với các cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết sai cho họ như trước đây.

Luật Tố cáo cũng có nhiều điểm mới quy định rất cụ thể như không xem xét, thụ lý giải quyết đối với những TC không có họ tên, địa chỉ, nội dung cụ thể; với những vụ việc đã thụ lý xác minh nếu thấy không đủ điều kiện xác minh hành vi vi phạm có thể ban hành văn bản dừng thụ lý vụ việc…  

Có thể nói, những quy định mới tại Luật Tố cáo đã ban cho người làm công tác thanh tra “chiếc gậy” để chống trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc. 

Qua 6 tháng Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo có hiệu lực, thấy rằng những điểm quy định mới có liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức rất phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở Hải Dương; Được các ngành chức năng và người dân mong đợi.

Ông Phạm Bình Định, Chánh Thanh tra tỉnh Thái Nguyên: Trông đợi việc hoàn thiện các chế tài xử phạt để “nghiêm” hơn

Nguyên nhân của KNTC thì chúng ta đã nói nhiều: Chính sách luật pháp của Nhà nước còn thiếu đồng bộ; Việc giải quyết KN ở cơ sở đặc biệt cấp xã, huyện cẩu thả cho xong việc để đùn đẩy lên cấp trên; Người dân chưa có thói quen khiếu kiện ra tòa hành chính và có cả phần chưa tin tưởng vào tòa hành chính; Một số đối tượng, người dân không hiểu luật pháp, một số trường hợp lợi dụng luật pháp khiếu nại kéo dài gây rối... Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đã cơ bản giải quyết được các nguyên nhân đó thông qua các qui định cụ thể về KN đông người, thẩm quyền, trách nhiệm của cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết KNTC… 

Tuy nhiên, theo tôi, thực trạng KNTC gia tăng, có diễn biến phức tạp thời gian qua còn có nguyên nhân là hành vi và quyết định có sai phạm thuộc trách nhiệm của cán bộ và cơ quan hành chính không được xử lý nghiêm túc nên dẫn đến sự coi thường pháp luật và thiếu trách nhiệm bị kéo dài ở nhiều nơi. Trong thực hiện chế tài xử lý việc làm thiếu trách nhiệm, sai phạm của cá nhân và cơ quan hành chính có hành vi thực hiện sai chính sách Nhà nước xâm phạm đến lợi ích chính đáng của công dân không nghiêm túc; Trong khi đó, các luật pháp không quy định cụ thể về chế tài xử lý và trách nhiệm của các cấp không rõ ràng, trong đó có Luật Khiếu nại. Chế tài xử lý được quy định trong Luật Khiếu nại chưa cụ thể, không rõ ràng về trách nhiệm và thẩm quyền xử lý đối với những cá nhân, cơ quan có trách nhiệm giải quyết KNTC thiếu trách nhiệm đùn đẩy lên cấp trên. Chế tài xử lý không cụ thể, không đủ mạnh để ngăn chặn và răn đe đối với đối tượng lợi dụng việc KNTC để gây rối trục lợi.

Do vậy, bên cạnh niềm vui khi triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo đến tận cơ sở, tôi cũng mong rằng các văn bản hướng dẫn Luật tiếp tục hoàn thiện góc độ này để Luật đạt được những kết quả cao hơn trong thực tiễn.

Đan Nhi

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

An Giang: Dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra trong năm 2025

An Giang: Dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra trong năm 2025

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng đã ký ban hành kế hoạch thanh tra năm 2025. Tại kế hoạch, Thanh tra tỉnh, thanh tra các sở và thanh tra huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh dự kiến tiến hành 102 cuộc thanh tra.

Cảnh Nhật

14:16 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm