Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần xem xét thấu tình, đạt lý

Thứ năm, 14/07/2011 - 05:42

(Thanh tra)- Mấy chục năm nay, 7 hộ dân thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình sống ổn định, không tranh chấp. Bỗng một ngày, họ “té ngửa” khi biết Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 đã trưng dụng đất, vườn của mình từ 3 năm trước…

Lá “Đơn xin mượn đất quốc phòng” đã được Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 soạn thảo sẵn

Nguồn gốc đất của 7 hộ dân

Vào những năm 1986 - 1990, 7 hộ dân thuộc tiểu khu Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung đã đến đây sinh sống, khai hoang phục hoá và mua lại đất của một số hộ dân sống lâu đời tại địa phương để phát triển vườn, ao, chuồng, trồng cây lâu năm. Trong quá trình sản xuất và sinh sống, 7 hộ dân luôn thực hiện các nghĩa vụ tài chính, nộp đầy đủ thuế nhà đất và không có tranh chấp xảy ra.

Năm 2008, các hộ dân mời cán bộ địa chính của thị trấn Nông trường Việt Trung, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường cùng về đo đất làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định của Nhà nước. Chỉ đến khi đó, các hộ dân mới biết Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 đã làm GCNQSDĐ quốc phòng trên diện tích đất của họ từ tháng 12/2005.

Giấy chứng nhận đất thổ cư và nhà ở được UBND thị trấn Nông trường Việt Trung xác nhận đất của 7 hộ dân có trước những năm 1990 không có tranh chấp


Điều khó hiểu là, khi Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 làm GCNQSDĐ trên diện tích đất của 7 hộ dân, không một cơ quan đơn vị nào thông báo cho họ biết. Ông Trần Văn Minh, tiểu khu Quyết Tiến, thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung bức xúc: “7 hộ gia đình chúng tôi có cùng thời điểm cư trú, sinh sống gần đơn vị Kho K2, Kho CK3 - CKT- Quân khu 4 từ những năm 1980. Trong quá trình khai hoang phục hoá, không có lấn chiếm, tranh chấp xảy ra... Vậy mà, không hiểu sao, tháng 12/2005, Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 tiến hành làm GCNQSDĐ chồng lên đất của chúng tôi lại không hề thông báo cho dân”.

Gần đây, ngày 9/2/2011, Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 có Thông báo số 76/TB về việc “thu hồi đất quốc phòng”, trong đó có ghi: “Để bảo đảm triển khai nhiệm vụ của Thủ trưởng Cục Kỹ thuật giao đúng tiến độ, thời gian; thực hiện quyết định đã được hội nghị về sử dụng đất quốc phòng thông qua ngày 29/11/2006 và Quy chế Quản lý sử dụng đất và nguồn lợi trên đất quốc phòng được ban hành ngày 1/1/2011, Kho K3 thông báo cho đồng chí Trần Thị Hương: Kho K3 quyết định thu hồi toàn bộ diện tích mà gia đình đã trồng cây trên đất quốc phòng, yêu cầu gia đình trong thời gian ngày 20/2/2011 phải bàn giao toàn bộ diện tích đất cho đơn vị”. 6 hộ dân còn lại cũng nhận được thông báo tương tự.

Không những thế, Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 còn soạn thảo sẵn văn bản rất rõ ràng có ghi “Đơn xin mượn đất quốc phòng” và yêu cầu 7 hộ dân ký vào lá đơn này với nội dung: Do gia đình tôi đã làm nhà tạm và trồng cây cao su, cây ăn quả, cây lấy gỗ, hồ tiêu… trên đất quốc phòng, nay Kho đã có quy chế sử dụng và quản lý đất quốc phòng. Vậy tôi làm đơn này kính đề nghị Ban Chủ nhiệm, Ban Hậu cần Kho K3 tạo điều kiện cho gia đình chúng tôi mượn đất quốc phòng (đất do đơn vị quản lý) để trồng cây!

Chính quyền sở tại nói gì?

Các hộ dân làm việc với phóng viên Báo Thanh tra


Tìm hiểu về việc Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3 làm GCNQSDĐ quốc phòng, trong đó có một phần không nhỏ là diện tích đất của 7 hộ dân, PV Báo Thanh tra đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đại Hoạt, cán bộ địa chính UBND thị trấn Nông trường Việt Trung. Ông Hoạt cho biết: “Việc UBND tỉnh Quảng Bình cấp GCNQSDĐ đất quốc phòng cho Cục Kỹ thuật Quân khu 4 - Kho K3, chúng tôi không hề biết. UBND thị trấn Nông trường Việt Trung không nhận được bất cứ công văn, văn bản nào trong quá trình hình thành GCNQSDĐ năm 2005. Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã thiếu sót và bỏ qua chi tiết quan trọng là không mời cán bộ địa chính thuộc xã, phường, thị trấn và các cán bộ có liên quan để xác định ranh giới giữa đất quốc phòng và đất của các hộ dân một cách cụ thể, rõ ràng, chính xác trước khi làm GCNQSDĐ quốc phòng”.

Còn ông Nguyễn Đức Trường, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Việt Trung khẳng định: “Để xây dựng GCNQSDĐ đất quốc phòng là cả một quá trình, phải được cán bộ địa chính từ thôn, đến xã, phường và một số cán bộ có liên quan trên địa bàn sở tại được biết và cùng nhau xác minh ranh giới một cách công khai. Trên thực tế, trong mấy chục năm sinh sống và phát triển kinh tế tại đây, 7 hộ dân này không có tranh chấp; ranh giới, diện tích đất của 7 hộ dân được UBND thị trấn Nông trường Việt Trung quản lý và mọi nghĩa vụ tài chính họ đều thực hiện nộp đầy đủ cho UBND thị trấn Nông trường Việt Trung”.

Ông Phan Đình Hùng, Tiểu khu Trưởng khu Quyết Tiến cũng cho biết: “Trước đây, cổng chào của đơn vị Kho K2 đặt nằm phía bên trong khu đất của 7 hộ dân. Sau này, Kho K2 dịch chuyển cổng ra phía ngoài vùng đất của 7 hộ dân. Việc đơn vị tiến hành đo đạc khảo sát và làm GCNQSDĐ không báo cho 7 hộ dân và tiểu khu Quyết Tiến biết là chưa đúng với quy định của pháp luật”.


 (Còn nữa)


 Cao Cường - Xuân Hiển

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm