Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cần hiểu đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ về giải quyết KN của 49 hộ dân

Thứ năm, 03/05/2012 - 06:37

(Thanh tra) - Sau hơn 1 năm Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý với Kết luận số 158/KL-TTCP ngày 30/01/2011 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về giải quyết KN của công dân đối với dự án (DA) đường Tân Sơn Nhất (TSN) - Bình Lợi - Vành đai ngoài, các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thực hiện đầy đủ nội dung kết luận thanh tra. Trong đó, có việc một số cơ quan chức năng địa phương đã hiểu chưa đúng về kiến nghị của TTCP trong giải quyết KN của 49 hộ dân tổ 62, phường 3, quận Gò Vấp về những bất thường trong thu hồi đất tại khu vực đường Nguyễn Thái Sơn.

Nút giao thông Nguyễn Thái Sơn theo phê duyệt chỉ có bán kính 42m

>> Cơ quan chức năng “đánh lận Quyền sử dụng đất” của người dân

Không thuộc diện thu hồi


Nguồn gốc nhà đất của 49 hộ dân hình thành từ năm 1978 theo chủ trương của Đảng ủy phường 3, là bố trí những gia đình cán bộ, gia đình có truyền thống Cách mạng về khu vực đất ven Công viên Gia Định nhằm làm trong sạch địa bàn là điểm nóng tệ nạn xã hội. Phía trước dãy nhà đất của các hộ dân là đường Nguyễn Thái Sơn, lộ giới 25m,  được đưa vào sử dụng năm 2004.

Ngày 22/01/2007, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 101/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Theo đó, hướng tuyến của DA sẽ đi qua nút giao thông Nguyễn Thái Sơn, theo đường Hoàng Minh Giám, qua đường Hoàng Văn Thụ ra vòng xoay Lăng Cha Cả, không đi vào sân bay TSN. Trước đó, từ năm 1996, trong quá trình chuẩn bị thủ tục đầu tư, nhiều cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản xác nhận đoạn đường từ ngã 5 Nguyễn Thái Sơn đến sân bay TSN là đoạn đường có lộ giới 20m với chức năng đảm bảo chiều đi vào sân bay TSN. Như vậy, nhà đất của 49 hộ dân phù hợp với quy hoạch hiện trạng giao thông, và không thuộc diện phải thu hồi cho bất kỳ dự án hạ tầng đô thị nào vì lộ giới hiện hữu của đường Nguyễn Thái Sơn là hơn 25m. Thống kê của Trung tâm đo đạc bản đồ tháng 12/2007, cho thấy nhà đất của 49 hộ dân là đất ở đô thị (ký hiệu là ODT), có tên người sử dụng đầy đủ, và  diện tích cụ thể của từng thửa, với tổng diện tích là 4.488,6m2.

Bất ngờ, ngày 04/01/2008, lấy lý do chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường của DA, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã ký Quyết định 19/QĐ-UBND thu hồi hơn 597.000 m2 đất thuộc địa bàn 4 quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, trong đó có nhà đất của 49 hộ dân.

Nhận thấy bất hợp lý, người dân đã KN Quyết định 19/QĐ-UBND. Sau khi xác minh, tháng 8/2008, trong Văn bản 6493/TNMT-QHSDĐ của Sở Tài nguyên và Môi trường, đã xác định: Phần diện tích hơn 113.000m2 đất tại quận Gò Vấp bị thu hồi theo Quyết định 19/QĐ-UBND, không nằm hoàn toàn trong phạm vi DA. Trong đó, có phần nhà đất của 49 hộ dân nằm giữa ranh của đường Nguyễn Thái Sơn và công viên Gia Định. Những bất hợp lý của Quyết định 19/QĐ-UBND đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ tại Kết luận 158/KL-TTCP là nhà đất của 49 hộ dân không thuộc diện phải thu hồi cho DA. Việc Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 19/QĐ-UBND không phù hợp với các quy định của pháp luật.

Thực hiện sai  kết luận?

“Dù sự thật đã rõ ràng nhưng trên cơ sở kiến nghị bất hợp lý của UBND quận Gò Vấp, nên tháng 10/2011, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định 5166/QĐ-UBND chỉ điều chỉnh 2.507,7m2 đất ở của 49 hộ dân ra khỏi Quyết định 19/QĐ-UBND ngày 04/01/2008. Điều này không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và trái với Kết luận số 158/KL-TTCP ngày 30/01/2011 của TTCP.”

Trên cơ sở nguồn gốc và hiện trạng sử dụng đất, cũng như  tiến độ thực hiện DA, trong phần kiến nghị của Kết luận 158/KL-TTCP đã cho phép UBND TP. Hồ Chí Minh, được giữ nguyên hướng tuyến theo Quyết định 3585/QĐ-UBND ngày 19/07/2005. Sự thật việc giữ nguyên hướng tuyến này chỉ áp dụng với đoạn đường 12km từ Thủ Đức đi vào ngã 5 Nguyễn Thái Sơn. Hay nói khác hơn đoạn đường 1km từ ngã 5 Nguyễn Thái Sơn đi qua khu vực nhà đất của 49 hộ dân để vào sân bay TSN chỉ là đường đô thị cấp 4, có lộ giới 20 mét theo Quyết định 6982/QĐ-UB-QLĐT ngày 30/09/1995 của UBND TP. Hồ Chí Minh. Do đó đoạn đường này không bị ảnh hưởng từ kiến nghị của TTCP là giữ nguyên hướng tuyến theo Quyết định 3585/QĐ-UBND ngày 19/07/2005.

Tuy nhiên, do không hiểu đúng nội dung Kết luận 158/KL- TTCP (?), trong đó quan trọng nhất là hướng tuyến, nên tháng 4/2011, ông Nguyễn Hồng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp vẫn có Văn bản 397/UBND-BBT kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh, cho giữ lại 1980,9m2 trong tổng số 4.488,9m2 đất ở của 49 hộ dân để thực hiện DA.

Ngoài ra, các căn cứ bất thường khác cũng được UBND quận Gò Vấp hợp thức hóa trong nhiều văn bản để thu hồi bằng được một phần diện tích nhà đất của 49 hộ dân như: Lấy đất làm nút giao thông Nguyễn Thái Sơn với bán kính 100m, thu hồi đất cho đường nối của DA. Những căn cứ này đều không phù hợp với thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt vì: Thẩm định của Bộ Xây dựng tại Văn bản 2774/BXD-KSTK ngày 20/12/2006, khẳng định nút giao thông Nguyễn Thái Sơn của DA, chỉ có bán kính 42m, đây là phương án tối ưu và đã được các cơ quan chức năng thống nhất trước khi khởi công DA.

Thế nhưng, tại bản đồ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu dân cư phường 3, quận Gò Vấp thì bán kính của vòng xoay này đã được mở rộng thành 100m, và xén vào phần nhà đất của 49 hộ dân. Ngoài ra, một công trình mới có tên là đường nối DA đường TSN - BL - VĐN cũng được UBND quận Gò Vấp công bố để thu hồi nhà đất của người dân dù theo Quyết định101/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kết luận 158/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ, cùng nhiều văn bản của các cơ quan chức năng đều khẳng định: Nhà đất của 49 hộ dân không thuộc diện thu hồi đất vì từ năm 1996, đoạn đường từ ngã 5 Nguyễn Thái Sơn đến sân bay TSN là đoạn đường có lộ giới 20m, chỉ có chức năng đảm bảo chiều đi vào sân bay TSN.

Cần một phương án đúng

Hơn 1 năm qua, người dân vẫn không đồng thuận với cách làm bất thường này, nên mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao cho Sở Giao thông vận tải xem xét chọn 1 trong 2 phương án là điều chỉnh cục bộ đoạn đường qua nhà đất của các hộ dân theo hướng giữ nguyên hiện trạng không phải giải tỏa, hoặc có thể giải tỏa một phần. Thông tin này đã được 49 hộ dân đón nhận với tâm lý nửa mừng, nửa lo.

Họ mừng vì sau gần 10 năm đi gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để chứng minh rằng, nhà đất của mình không nằm trong diện phải thu hồi cho DA, thì đến nay UBND TP. Hồ Chí Minh, đã bắt đầu tính đến việc chọn phương án điều chỉnh lại hướng tuyến  đúng với hiện trạng quy hoạch sử dụng đất tại quận Gò Vấp, cũng như đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đúng với nội dung Kết luận số 158/KL-TTCP, cùng nhiều văn bản cơ quan chức năng đã ban hành trong thời gian qua.

Khách quan nhìn nhận, thì tháng 6/2008, chính Giám đốc Sở Giao thông vận tải đã có Văn bản 1511/SGTCC-GT, khẳng định nhà đất của 49 hộ dân nằm ngoài lộ giới DA. Nay sau hơn 4 năm, Sở Giao thông vận tải lại tiếp tục được giao xem xét chọn phương án phù hợp là giải tỏa một phần hoặc điều chỉnh cục bộ đoạn đường để không giải tỏa nhà đất của 49 hộ dân. Nhưng phương án phù hợp là gì vẫn đang làm 49 hộ dân lo lắng, vì đã hơn 2 tháng qua nhưng kết quả vẫn còn chưa rõ.

Lý do có một thực tế là sau hơn 1 năm thực hiện Kết luận 158/KL-TTCP, một số cơ quan có chức năng tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh, vẫn chưa hiểu rõ kiến nghị về hướng  tuyến DA đoạn qua nhà đất của 49 hộ dân. Hệ quả là đã có những văn bản kiến nghị mâu thuẫn nhau và kéo dài việc giải quyết khiếu nại của người dân, ảnh hưởng đến tiến độ của DA.

Trong khi đó, về pháp lý, từ năm 2001 đến nay, mọi văn bản liên quan đến lộ giới và hướng tuyến đoạn đường từ ngã 5 Nguyễn Thái Sơn đi vào sân bay TSN, đều khẳng định nhà đất của 49 hộ dân không thuộc DA. Ngay cả sau khi UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 19/QĐ-UBND ngày 04/01/2008 về thu hồi nhà đất cho DA, thì các Sở, ngành đều có văn bản phản hồi rằng, nhà đất của 49 hộ dân không thuộc diện phải thu hồi.

Trao đổi với báo chí, đại diện 49 hộ dân khẳng định: Là những gia đình có truyền thống Cách mạng, họ luôn chấp hành đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Khi thấy cách làm của một số cán bộ của quận Gò Vấp và cơ quan chức năng địa phương không đúng pháp luật thì người dân khiếu nại với mong muốn UBND TP. Hồ Chí Minh, có cách giải quyết phù hợp. Vì rằng, trong lịch sử thực hiện các DA giao thông đô thị  không hề có việc đường thẳng hiện hữu đã có và hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giao thông nhưng lại không sử dụng mà cố vẽ thêm một con đường chéo, xén dọc khu dân cư hiện hữu, cũng như việc tự ý mở rộng bán kính nút giao thông rộng hơn so với thiết kế được duyệt vì sẽ tốn thêm kinh phí đền bù, làm xáo trộn đời sống của người dân.

Trong Đơn phản ánh và kiến nghị mới nhất gửi UBND TP. Hồ Chí Minh, đại diện 49 hộ dân mong muốn với những cơ sở pháp lý về nguồn gốc, hiện trạng nhà đất không nằm trong diện phải thu hồi cho DA, người dân mong rằng, Sở Giao thông vận tải cần tham mưu cho UBND TP. Hồ Chí Minh chọn phương án điểu chỉnh cục bộ để không phải giải tỏa nhà đất của dân. Đây là phương án đúng pháp luật, hợp lòng dân, sẽ giúp UBND TP. Hồ Chí Minh có thể giải quyết dứt điểm khiếu nại của 49 hộ dân, tổ 62, phường 3, quận Gò Vấp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị của TTCP.


Giáng Thăng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm