Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vẫn chậm xử lý nợ xấu

Thứ bảy, 21/12/2013 - 10:35

(Thanh tra) - Việc xử lý nợ xấu chủ yếu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) đã đạt được kết quả ban đầu, song so với yêu cầu thực tế là khá chậm.

Xử lý nợ xấu vẫn chậm. Ảnh: TQ

Theo số liệu thống kê, đến nay đã xử lý được trên 101,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu bằng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng (năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2013 là 32,5 nghìn tỷ đồng). Tính đến ngày 21/11/2013, VAMC đã mua được tổng số nợ xấu với số dư nợ gốc là 18.398 tỷ đồng với giá mua là 14.398 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2013 VAMC mua khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Mặc dù tốc độ gia tăng nợ xấu đã chậm lại, bình quân trong 9 tháng đầu năm 2013 là 2,2%/tháng, giảm đi so với mức bình quân 3,91%/tháng cùng kỳ năm trước. Tình hình tài chính, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, lành mạnh hơn; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (13,7%) cao hơn nhiều so với quy định (9%). 

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu còn cao, đến cuối tháng 9/2013 là 4,62%. Việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn như: cơ chế chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều vướng mắc; thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán phục hồi chậm nên rất khó bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chưa có cơ chế hiệu quả để các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn có trách nhiệm tham gia xử lý nợ xấu; cách tính nợ xấu; vấn đề phá sản, mất khả năng thanh toán, quyền của chủ nợ; các chi phí liên quan đến tái cơ cấu của các ngân hàng (chi phí đánh giá chất lượng tài sản; sắp xếp lại; nâng cao năng lực quản trị, hoạt động của các ngân hàng; chi phí thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực đầu tư phi tài chính…); sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng vẫn chưa được hạn chế và kiểm soát hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhìn chung việc xử lý nợ xấu chưa mang tính bền vững, chưa tạo ra tác động đủ lớn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.  

Như vậy, năm 2014, cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thách thức trên. Giải quyết được những vấn đề này mới tạo điều kiện cho tái cơ cấu nợ đối với một bộ phận doanh nghiệp, trên cơ sở đó phục hồi, phát triển đối với bộ phận doanh nghiệp này.

TS. Trần Tiến Cường cho biết, trong năm 2014, VAMC sẽ xử lý khoảng 100-150 nghìn tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đến hết năm 2015 phấn đấu xử lý được số nợ xấu hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại trở lại hoạt động bình thường, an toàn, lành mạnh.

Tuy nhiên, việc xử lý các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của các tổ chức tín dụng, các tài sản bảo đảm chuyển giao từ các tổ chức tín dụng về VAMC đang là vấn đề lớn. Giải quyết vấn đề này gặp những vướng mắc như: thị trường mua bán nợ chưa phát triển, khuôn khổ pháp lý mua bán nợ chưa hoàn thiện, tài sản bảo đảm chủ yếu là bất động sản nhưng thị trường bất động sản ảm đạm... Đối với các doanh nghiệp là khách hàng có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, nếu trong thời hạn 5 năm mà VAMC chưa giải quyết được các tài sản của doanh nghiệp đem thế chấp tại tổ chức tín dụng và VAMC trả lại nợ xấu cho các tổ chức tín dụng (có quy định về quyền của VAMC được như vậy), thì doanh nghiệp vẫn giữ nguyên xếp hạng tín dụng, không cải thiện được khả năng vay vốn. Vì vậy, mặc dù với sự tham gia của VAMC thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến năm 2015 có thể đưa xuống dưới 3%, nhưng sẽ rất khó khăn để khơi thông dòng vốn từ kênh tín dụng cho các doanh nghiệp có các khoản nợ xấu với tài sản bảo đảm bằng bất động sản tại các tổ chức tín dụng được chuyển qua VAMC. Khả năng này cũng là hiện thực trong năm 2014.

Xử lý nợ xấu về bất động sản là một nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 7/1/2013) của Chính phủ. Một gói giải cứu theo Nghị quyết này gồm 30.000 tỷ đồng với tỷ lệ 70% dành để cho vay kích cầu mua nhà ở xã hội (giá thấp, diện tích nhỏ) cho các đối tượng chính sách gồm những người có thu nhập thấp... và 30% cho vay để kích cung cho các doanh nghiệp chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu. Mức lãi suất vay là 6%/năm với thời hạn 10 năm cho phía cầu và 5 năm cho phía cung.

Tuy nhiên, có thể thấy còn nhiều trở ngại về thủ tục đối với bên cầu (là chủ yếu) và bên cung, và các trở ngại và vòng vo phụ thuộc qua lại giữa người mua là đối tượng chính sách (bên cầu) và doanh nghiệp xây dựng (bên cung) chuyển đổi nhà thương mại thành nhà ở xã hội để có thể thực hiện được gói này. Vì vậy, cho đến nay mới có 1% gói 30.000 tỷ đồng được giải ngân. Hơn nữa, giải pháp này đang gặp phải nghịch lý là: cần thực hiện nhanh để xử lý nhanh nợ xấu bất động sản nhưng nếu tiến hành nhanh sẽ gặp rủi ro không đúng đối tượng của bên cầu; lợi ích khác biệt, “vênh” nhau giữa bên cung và bên cầu. Trong khi bên cung có bất động sản là nợ xấu hoặc tồn kho chủ yếu là nhà ở thương mại, cao cấp, còn bên cầu có khả năng góp phần “giải cứu” thị trường bất động sản đang ảm đạm, tiêu thụ nhiều về nhà ở nhưng chỉ đối với nhà ở xã hội, theo chính sách (kèm theo điều kiện) và với giả rẻ (giá thấp). Vì thế, Bộ Xây dựng cho rằng “Gói hỗ trợ này chúng tôi không mong muốn có thể nhanh, vì nhanh là không đúng đối tượng” . Vì vậy, kỳ vọng tác động của gói 30.000 tỷ đồng này đối với doanh nghiệp trong năm 2014 là không lớn.


Trần Quý

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

(Thanh tra) - Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, ngày 15/12, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt.

Nguyễn Điểm

17:59 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm