Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Từ sòng phẳng với phí đến hãy trách nhiệm với thông tin

Công Luận

Thứ năm, 24/02/2022 - 22:36

(Thanh tra) - Gần đây, việc một ngân hàng thực hiện thu phí dịch vụ SMS chủ động tháng 1/2022 vào ngày 19/2 đã dẫn đến một loạt thông tin trên mạng xã hội và trên báo chính thống với những từ ngữ như “bật ngửa”, “bất ngờ” “ngã ngửa”, “sụp hố”…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Miễn phí nghe rõ, điều chỉnh phí chỉ nghe lờ mờ?

Tuy nhiên, theo thông tin có kiểm chứng thì thông tin mà ngân hàng này đưa ra đã được thực hiện truyền thông liên tục và dày đặc từ cuối năm 2021 trước khi quy định mới có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

Thông tin được công bố gồm 03 nội dung: (i) thực hiện miễn phí toàn bô phí duy trì và phí quản lí dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho cá nhân; (ii) điều chỉnh chính sách phí đối với dịch vụ SMS chủ động, (iii) khách hàng có thể thay thế dịch vụ SMS chủ động bằng cách chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua dịch vụ OTT Alert trên App.

Theo thông tin mà chúng tôi có được từ một công ty cung cấp dịch vụ điểm tin báo chí thì đã có hàng trăm báo, tạp chí, đài truyền hình, phát thanh đã đưa tin về việc miễn phí, điều chỉnh phí, cung cấp dịch vụ thay thế này, trong đó có 04 đài truyền hình lớn nhất cả nước.

Về phía ngân hàng, thông tin đã được đăng tải công khai trên website từ ngày 25/12/2021, gửi thông tin cho khách hàng qua mail, qua tin nhắn OTT trên App và để cẩn thận hơn nữa ngân hàng này đã thông tin bằng tin nhắn SMS tới điện thoại các khách hàng có khả năng bị tác động bởi chính sách điều chỉnh phí đối với dịch vụ SMS chủ động căn cứ vào dữ liệu sử dụng dịch vụ của khách hàng trong 3 tháng liền kề gần nhất (tháng 10 - 12/2021).

Trả lời trên báo chí, nhiều khách hàng sau khi “bật ngửa”, “bất ngờ”… thì cũng đã thừa nhận là đã nhận được tin nhắn từ ngân hàng nhưng “cuối năm bận nhiều việc quá nên không để ý”.

Đây chính là một biểu hiện sinh động nhất của câu nói “thông tin là tiền bạc” và việc không để ý đến thông tin thì đồng nghĩa với việc phải chịu trách nhiệm cho sự lơ là của mình trước thông tin và phải trả phí theo mức điều chỉnh mà đáng ra để ý thì chuyển sang OTT alert sẽ không phải mất đồng nào trong khi thông tin nhận được vẫn đầy đủ và thậm chí còn nhiều hơn so với dùng dịch vụ SMS chủ động.

Do vậy, hãy trách nhiệm trước những thông tin vì thông tin chính là túi tiền của mình. Khi đi chợ chúng ta đứng đợi để lấy lại 1 vài nghìn lẻ thì không lẽ nào chúng ta lại thờ ơ trước thông tin chỉ mất vài thao tác trong vài giây và cũng chỉ cần làm 1 lần mà hàng tháng sẽ kiếm được cho mình từ 11.000 đồng đến 77.000 đồng.

Đối với ngân hàng phí vẫn là tiên quyết

Với chiến lược chuyển dần trọng tâm để trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng dần giảm xuống và hướng đến bán lẻ thì phí luôn là cái đích hướng tới của mọi ngân hàng.

Việc miễn phí rồi lại thu phí và lại miễn phí… sẽ là một trong những cách thức để ngân hàng sử dụng trong quá trình kinh doanh và cạnh tranh trong hoạt động của mình. Nhưng tóm lại, ngân hàng sẽ phải sống dựa vào phí.

Đối với ngân hàng, phí là nguồn sống và là công cụ điều tiết.

Trước đây, Techcombank từng thu phí sau đó mới miễn phí đối với dịch vụ trên dịch vụ ngân hàng trực tuyến như hiện nay. Hay như Vietcombank sau 09 năm liền miễn phí thì năm 2018 đã tiến hành thu phí và đến 1/1/2022 lại thực hiện chính sách miễn phí đối với dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc trở lại thu phí năm 2018 của Vietcombank chính là “một bài lớp lang và cao thủ” khi sử dụng phí như biện pháp kinh tế để điều tiết giảm tải bớt cho hệ thống Corebanking đã được đầu tư từ năm 1995, cần phải được thay thế bằng hệ thống Corebankinng mới.

Bằng biện pháp điều tiết này, ngân hàng đã tranh thủ trong thời gian đó vừa duy trì dịch vụ lại vừa hoàn thành việc chuyển đổi sang hệ thống Corebanking mới ra mắt vào đúng dịp Tết năm 2020. Sau khi hoàn thiện và vận hành ổn định trong năm 2021, Vietcombank chính thức thực hiện trở lại việc miễn phí vào đầu năm 2022.

Quay trở lại với vấn đề dịch vụ SMS chủ động, qua thông tin báo chí và phản ánh trên mạng xã hội, thì thấy rằng Vietcombank không phải là ngân hàng duy nhất điều chỉnh dịch vụ này và áp dụng mức thu phí kiểu bậc thang.

Thực tế tại Techcombank thì việc thu phí SMS chủ động còn cao hơn của Vietcombank và đã thực hiện từ năm 2020.

Ngoài ra, cũng từ đầu năm 2022, BIDV áp dụng mức phí tương đồng như Vietcombank.

Sự thôi thúc giảm sự phụ thuộc vào nhà mạng của các ngân hàng đối với dịch vụ SMS

Vấn đề phí SMS do các nhà mạng áp dụng cho các ngân hàng ở mức cao đã được nêu lên từ năm 2020 bởi các ngân hàng và bởi tổ chức đại diện cho quyền lợi của các ngân hàng là Hiệp hội Ngân hàng.

Theo thông tin phản ánh trên báo chí, đến nay đã có tới 4 lần Hiệp hội Ngân hàng có công văn gửi tới các nhà mạng nhưng nội dung này vẫn chưa đạt được kết quả nào. Giá tin nhắn SMS áp dụng cho ngân hàng vẫn cao từ 2-3 lần so với mức bình thường.

Kèm theo đó, vấn đề giả mạo Brandname của ngân hàng nhiều năm gần đây nổi lên rất đáng lo ngại. Nhưng dường như các nhà mạng lại đứng ngoài cuộc vấn đề này. Ngân hàng không gửi tin nhắn đi mà lại có tin nhắn với tên ngân hàng gửi đến các số thuê bao của khách hàng và đúng trong luồng tin nhắn mà thông qua dịch vụ của các nhà mạng ngân hàng gửi thông tin đến khách hàng.

Nhiều khách hàng đã bị mắc bẫy, phản ứng rất quyết liệt với phía ngân hàng dù thông tin cảnh báo từ cơ quan truyền thông và ngân hàng liên tục được đưa ra từ nhiều năm nay. Trong khi đó các nhà mạng chưa có biện pháp hữu hiệu gì để triệt để xử lí rủi ro này ngoài việc thỉnh thoảng “cho” các ngân hàng gửi nhờ miễn phí tin nhắn cảnh báo tới khách hàng khi việc giả mạo diễn biến rầm rộ, phức tạp.

Ngoài ra sử dụng tin nhắn SMS của nhà mạng, các ngân hàng còn gặp bất tiện ở sự giới hạn số lượng kí tự cũng như sử dụng ngôn ngữ không dấu.

Tất cả những điều đó đã tạo nên sự thôi thúc mãnh mẽ đối với các ngân hàng trong việc giảm phụ thuộc vào dịch vụ SMS của nhà mạng nhằm hướng khách hàng đến sử dụng dịch vụ OTT alert nhằm giúp ngân hàng giảm chi phí của chính mình, giảm chi phí cho khách hàng và phục vụ khách hàng tốt hơn.

Lúc này phí và những ưu đãi lại là những công cụ kinh tế để các ngân hàng thực hiện mục đích bù đắp chi phí, đảm bảo yếu tố công bằng hơn giữa các khách hàng khi sử dụng dịch vụ (dùng nhiều trả nhiều, dùng ít trả ít) và đặc biệt là thực hiện “nắn dòng” đối với nhu cầu, mong muốn và sở thích của khách hàng khi đứng trước 2 lựa chọn: sử dụng SMS chủ động hay sử dụng OTT alert.

Ngân hàng không đột ngột đóng toàn bộ dịch vụ SMS chủ động để  “cưỡng ép” khách hàng chuyển sang OTT alert mà thông báo đầy đủ cách thức hủy dịch vụ SMS chủ động, cách thức đăng kí OTT alert để khách hàng lựa chọn và quyết định trong khi vẫn đảm bảo duy trì, không làm đứt gãy thói quen sử dụng từ lâu của khách hàng. Đây là một sự tôn trọng lớn dành cho khách hàng quyền tự quyết định giữa một bên là trả phí cho thói quen cũ và một bên là được miễn phí cho một trải nghiệm mới.

Theo đại diện của Vietcombank cho biết, khách hàng khi chuyển sang sử dụng dịch vụ thông báo số dư qua App VCB DIGIBANK  (OTT alert) hoàn toàn miễn phí với nhiều lợi ích vượt trội như: Tiết kiệm chi phí chung cho xã hội; Nhận thông báo thay đổi số dư của tất cả các tài khoản ở mọi lúc, mọi nơi, xuyên biên giới (không cần roaming) và bằng tiếng Việt có dấu; đảm bảo an toàn, hạn chế được cơ bản các tin nhắn giả mạo thương hiệu gửi qua SMS do các đối tượng lừa đảo sử dụng thiết bị công nghệ viễn thông trái phép (bởi lúc này khách hàng chỉ nhận được 1 loại tin nhắn duy nhất từ ngân hàng qua SMS đó là tin nhắn cung cấp mật khẩu OTP mà thôi).

Khi khách hàng sử dụng OTT alert, ngoài việc nhận được các thông tin số dư biến động thì ngân hàng còn thông tin kịp thời cho khách hàng những dịch vụ mới, những ưu đãi, các giải pháp  tài chính mới… để chăm sóc tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Theo chúng tôi nắm được thì nếu chuyển sang sử dụng OTT alert, lúc chuyển tiền khách hàng dùng nhận mật khẩu qua SMS (OTP SMS) để giao dịch thì khách hàng vẫn nhận được tin nhắn từ nhà mạng vào điện thoại để thực hiện giao dịch vì tin nhắn này luôn được ngân hàng miễn phí cho khách hàng từ trước đến giờ. Ví dụ khách hàng tiếp tục sử dụng dịch vụ SMS chủ động, khi chuyển tiền khách hàng sẽ nhận được 02 tin nhắn từ nhà mạng gồm 01 tin nhắn OTP SMS (nhận mật khẩu giao dịch) và 01 tin nhắn báo  số dư thay đổi sau giao dịch thì chỉ có tin nhắn báo số dư mới được tính vào số lượng tin nhắn để tính phí theo bậc thang còn tin nhắn nhận OTP sẽ miễn phí, không tính vào số lượng để tính phí bậc thang.

Được biết, để giảm sự phụ thuộc vào nhà mạng, các ngân hàng cũng có chính sách để “nắn” việc khách hàng sang sử dụng nhận mật khẩu OTP trực tiếp từ ngân hàng, thiết bị của ngân hàng thay cho nhận mật khẩu OTP qua SMS. Chẳng hạn, nếu khách hàng giao dịch bằng nhận OTP SMS thì hạn mức giao dịch một lần ví dụ chỉ là 100 triệu đồng/giao dịch còn nhận mật khẩu từ ngân hàng qua Smart OTP hay thiết bị E-token do ngân hàng cung cấp thì hạn mức giao dịch có thể gấp 3-5 lần thậm chí còn cao hơn tùy ngân hàng.

Bên cạnh hạn mức khác nhau cho mỗi giao dịch thì còn có cả hạn chế mức giao dịch ngày giữa 2 hình thức nhận OTP qua SMS của nhà mạng và nhận OTP từ ngân hàng qua dịch vụ Smart OTP hay thiết bị E-token.

Tóm lại, sẽ không thừa khi phải nhắc lại một lần nữa là “thông tin là tiền bạc” vì thế chúng ta cần phải có trách nhiệm với thông tin. Sòng phẳng mà nói thì phí và dịch vụ ngân sẽ còn đi liền với nhau lâu nữa. Chúng ta đang có nhiều ngân hàng, trong mỗi ngân hàng theo định hướng kinh doanh và cạnh tranh trên thương trường sẽ có những thời điểm ưu tiên khác nhau với một hay một số loại dịch vụ mà dịch vụ này sẽ là món hời miễn phí còn dịch vụ kia  sẽ là thanh toán trả tiền.

Do đó, hãy lựa chọn để sử dụng cho phù hợp với nhu cầu của cá nhân vừa đảm bảo tiết kiệm chi phí cùng trải nghiệm ưa thích của mình. Muốn vậy hãy tiếp tục đọc tin tức hàng ngày để có thông tin hữu ích, để kiếm được tiền và tiết kiệm được tiền từ những thông tin đó.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm