Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trên 4,1 tỷ USD viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam

Thứ năm, 05/07/2018 - 09:20

Trong hơn hai mươi năm qua kể từ năm 1996, cùng với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã trở thành nhân tố ngày càng quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bước đi đúng đắn 

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức chính phủ nước ngoài Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, xác định đường lối đối ngoại nhân dân trong đó quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là một bộ phận quan trọng và là một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, đối ngoại nhân dân, ngoại giao Nhà nước. 

Trong bối cảnh đó, cùng với việc hội nhập quốc tế, ngoài nỗ lực cải cách ở trong nước, Việt Nam cũng xác định và huy động tối đa hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Để hiện thực hóa vấn đề này, năm 1996, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ được thành lập theo quyết định số 339/Ttg ngày 24/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2001, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được thành lập, chuyên trách các vấn đề của tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Những năm đầu, các bộ, ngành, địa phương còn e dè trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại thời điểm này chủ yếu phải có sự hướng dẫn, giới thiệu và giám sát của các cơ quan Trung ương. Việc chủ động vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho bộ, ngành, địa phương mình rất hạn chế. 

Ủy ban đã thường xuyên tổ chức các đoàn đi làm việc với các địa phương, tổ chức giao ban thường xuyên về công tác phi chính phủ nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương để thông tin về chủ trương chính sách, các quy định liên quan về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, từ đó thống nhất về nhận thức, quan điểm, biện pháp trong hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Thông qua hoạt động này, các chủ trương của Đảng về công tác phi chính phủ nước ngoài được thông tin với các cấp ủy, chính quyền, qua đó thống nhất nhận thức, quan điểm trong hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Ngày càng nhiều địa phương quan tâm hơn tới việc thu hút các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để góp phần giải quyết một số khó khăn và phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, các địa phương cũng hài hòa hơn giữa việc hợp tác vận động viện trợ và quản lý phòng ngừa mặt trái trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, hơn 20 năm qua, Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với những thành viên thuộc các bộ, ban, ngành và cơ quan điều phối quốc gia là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác vận động, quản lý, tranh thủ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. 

Theo ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, Phó Chủ tịch phụ trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cơ quan thường trực của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài: Việt Nam đã có một cơ chế về mặt tổ chức và chính sách hoàn thiện nhất cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Tăng cường quản lý hoạt động 

Đến nay, hầu hết các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều đã có giấy phép hoặc giấy đăng ký do Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cấp. Hiện Ủy ban đã cấp gần 900 giấy phép cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phối hợp với các cơ quan thẩm định chuyển Bộ Ngoại giao chuyển đổi/cấp mới 574 giấy đăng ký cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Quá trình xét, cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép/giấy đăng ký luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong Ủy ban và các bộ, ngành, địa phương. 

Công tác quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã được tăng cường cụ thể. Ủy ban và các cơ quan liên quan chú trọng vào sự phối hợp chặt chẽ trong việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép/giấy đăng ký. 

Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài khi vào Việt Nam hoạt động đã được sàng lọc ngay từ khi làm thủ tục giấy phép/giấy đăng ký; đảm bảo tiêu chí phi chính trị, phi tôn giáo, phi lợi nhuận, cam kết tuân thủ pháp luật Việt Nam. 

Cùng với đó, trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được quản lý giám sát chặt chẽ trên cơ sở các nội dung được cấp trong giấy đăng ký theo các cam kết của tổ chức trong thỏa thuận ký với các cơ quan đối tác Việt Nam, các văn kiện dự án và các quy định liên quan. 

Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng chú trọng tới công tác thẩm định báo cáo định kỳ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, rà soát báo cáo của các bộ, ngành, địa phương về công tác phi chính phủ nước ngoài, qua đó giúp phát hiện, làm rõ những vấn đề cần quan tâm trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; kịp thời hướng dẫn cho địa phương, nhắc nhở các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện đúng quy định. 

Từng bước giúp người dân thoát nghèo 

Trong công tác vận động viện trợ, cơ quan thường trực Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tích cực, chủ động vận động và xây dựng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thông qua các buổi trao đổi về hoạt động, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam, chia sẻ thông tin định kỳ qua việc hỗ trợ các thủ tục hành chính và hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. 

Lễ ký kết các văn bản thỏa thuận viện trợ giữa tỉnh Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã thiết lập được quan hệ đối tác tin cậy với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và xây dựng được một đội ngũ bạn bè là người nước ngoài và người Việt Nam làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có thiện chí, quan tâm tới việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các nước. 

Bên cạnh đó, để tăng cường vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam trong bối cảnh được gây quỹ ngày càng khó khăn khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cơ quan thường trực cũng chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và đối tượng vận động. 

Nhờ vậy, số lượng các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có quan hệ với Việt Nam đã tăng liên tục từ 400 tổ chức vào năm 1996 lên trên 1.100 tổ chức vào năm 2017. Hàng năm, khoảng 20-40 tổ chức mới và khoảng 500 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động thường xuyên tại Việt Nam cùng với sự gia tăng về số lượng tổ chức giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam tăng đáng kể theo các năm. 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân cho Việt Nam tăng từ 79 triệu USD vào năm 1996 lên 304,7 triệu USD vào năm 2011 và 279,5 triệu USD vào năm 2017. Tổng giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài giải ngân cho Việt Nam từ năm 1996 đến 2017 đạt trên 4,1 tỷ USD. 

Hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung và các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhu cầu như: Y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tính trong giai đoạn 2003-2017 giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho lĩnh vực y tế đạt hơn 1,3 tỷ USD, đối với lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội là hơn 733 triệu USD; lĩnh vực giải quyết các vấn đề xã hội là hơn 792 triệu USD; lĩnh vực giáo dục đào tạo hơn 539 triệu USD; lĩnh vực tài nguyên môi trường là hơn 314 triệu USD…

Cũng trong giai đoạn 2013-2017, giá trị viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo khu vực Đông Nam Bộ đạt hơn 270 triệu USD; khu vực Đồng bằng sông Hồng đạt hơn 248 triệu USD; khu vực miền núi phía Bắc đạt hơn 205 triệu USD… 

Theo đánh giá của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và đối tác Việt Nam, viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam trong những năm qua về cơ bản đã được sử dụng có hiệu quả, phù hợp với định hướng và ưu tiên của Việt Nam. Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã góp phần làm giảm bớt các khó khăn kinh tế - xã hội ở những vùng có dự án; đồng thời góp phần giới thiệu những phương pháp tiếp cận bền vững, có hiệu quả, nâng cao năng lực cán bộ và cộng đồng. Các chương trình dự án đã góp phần thực hiện các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong xóa đói giảm nghèo và phát triển, từng bước giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập. 

Vì mục tiêu nhân đạo và phát triển 

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, điều quan trọng nhất là việc nâng cao nhận thức từ Trung ương đến địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phi chính phủ nước ngoài hoặc công tác tranh thủ viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Điều này có ý nghĩa vừa tăng cường hợp tác hữu nghị giữa nước ta với nhân dân các nước trên thế giới, đồng thời tranh thủ nguồn lực quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, phương hướng hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới cần tập trung vào việc tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân, các cơ quan từ Trung ương tới địa phương, các cá nhân, tổ chức trực tiếp liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài để tạo được sự phối hợp chặt chẽ với nhau để vừa tăng cường công tác quản lý, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tốt nhất tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, chú trọng hoàn thiện các văn bản pháp quy liên quan đến công tác phi chính phủ nước ngoài hoặc công tác viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đồng thời có hành lang pháp lý để giám sát, kiểm tra những hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài không phù hợp với mục đích, yêu cầu, tiêu chí và luật pháp Việt Nam. 

“Chúng ta cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác phi chính phủ nước ngoài hoặc tranh thủ vận động phi chính phủ nước ngoài. Thông qua nâng cao năng lực đội ngũ này sẽ vận động, tổ chức các kế hoạch, chương trình vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong thời gian tới hiệu quả hơn,” Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh. 

Để có thể thích ứng được với các kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau này, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã dự kiến Chương trình Quốc gia xúc tiến, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài vì mục tiêu nhân đạo và phát triển. 

Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên trong thời gian tới sẽ vừa mang tính truyền thống nhưng cũng vừa mang tính thời đại. Có những vấn đề đã giải quyết hết sức nỗ lực nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ví dụ khắc phục hậu quả chiến tranh: Rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ; tẩy rửa những điểm nhiễm chất độc hóa học; hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật… Trong vấn đề mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều tổ chức cũng rất quan tâm vấn đề này và đang dành những nguồn lực cao nhất cho các nỗ lực của Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu... 

Trải qua hơn 20 năm, công tác vận động viện trợ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sự chủ động tích cực và tính chuyên nghiệp trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cải thiện. 

Viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho Việt Nam góp phần làm giảm bớt các khó khăn kinh tế, xã hội ở những vùng có dự án; giới thiệu những phương pháp tiếp cận bền vững có hiệu quả, nâng cao kỹ năng kiến thức cho một phần đội ngũ làm công tác phát triển xóa đói giảm nghèo. Thông qua các hoạt động, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần tăng cường hiểu biết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân giữa Việt Nam và các nước trên thế giới./.

Theo Thu Phương/TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm