Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Dành gói tín dụng ưu đãi 20-30 nghìn tỷ đồng cho công nghiệp văn hóa

Hương Giang

Thứ sáu, 22/12/2023 - 13:53

(Thanh tra) - Yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, đất đai.. Thủ tướng đặc biệt giao các bộ, ngành tính toán dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng cho ngành công nghiệp văn hóa.

Thủ tướng: Dành gói tín dụng ưu đãi khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng cho công nghiệp văn hóa

Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây có thể coi là “hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo

Phát biểu kết luận, Thủ tướng khái quát những kết quả đáng trân trọng của công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhưng ông cũng lưu ý, ngành này chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.

Theo Thủ tướng, điều kiện, không gian phát triển công nghiệp văn hóa, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp xu thế thời đại, tiến bộ của nhân loại là “không có giới hạn”.

“Công nghiệp văn hóa là ngành có triển vọng lớn, có thể phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao, là động lực mới cho sự phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại”, ông nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ những tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.

Đó là, truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đa dạng, có bản sắc riêng với 54 dân tộc. Thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú. Người dân hiền hậu, mến khách, cần cù, linh hoạt, sáng tạo. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào. Thị trường có quy mô 100 triệu dân.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi; hệ thống giao thông tương đối đồng bộ và đang phát triển theo hướng tăng cường liên kết. Hệ thống chính trị ổn định; an ninh trật tự, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Cải cách hành chính và chuyển đổi số đang được đẩy mạnh toàn diện.

Với những lợi thế đó, Thủ tướng yêu cầu hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa.

Ông quán triệt khuyến khích mọi sự tìm tòi, sáng tạo, tôn trọng tự do sáng tạo; chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí…

Mục tiêu là đến năm 2030 giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp cao vào GDP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: N.Bắc

Giao nhiệm vụ cụ thể, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hoá đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch văn hóa.

Bộ này cũng được giao nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo; tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các thành phố lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan.

Trong đó, có chính sách ưu đãi đầu tư, hợp tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận tín dụng với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tính toán dành gói tín dụng ưu đãi (trước mắt dành khoảng 20-30 nghìn tỷ đồng) cho ngành công nghiệp văn hóa.

Với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tâm huyết trong nghiên cứu, sáng tạo những tác phẩm, sản phẩm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan luôn đồng hành ủng hộ, tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa với đam mê sáng tạo không có giới hạn”, Thủ tướng phát biểu.

Quy hoạch công nghiệp văn hóa cần đồng bộ, đề nghị có cơ chế ưu đãi

Trước đó, chia sẻ tại hội nghị, TS Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói, văn học nghệ thuật còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy đúng mức để phát triển công nghiệp văn hoá, đặc biệt trong môi trường số.

Theo ông Nô, môi trường số có nhiều thuận lợi. lẫn thách thức. Ông đề nghị, Nhà nước sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết nhằm thúc đẩy sáng tạo.

Bà Nguyễn Thái Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group

Quan tâm đến vấn đề quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa, bà Nguyễn Thái Hoàng Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group đề nghị, cần coi việc xây dựng và triển khai quy hoạch này là nhiệm vụ tiên quyết, là định hướng chiến lược tổng thể cho ngành Du lịch Việt Nam

“Quy hoạch công nghiệp văn hóa không chỉ dành cho một nhóm ngành nghề, một thành phố, một tỉnh mà cần đồng bộ, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các loại quy hoạch khác”, bà Hoàng Anh nói.

Theo đại diện Tập đoàn Sun Group, hầu hết các địa phương đều ủng hộ phát triển du lịch văn hóa song trong thực tế, các dự án về du lịch, văn hóa đòi hỏi các nhà đầu tư quan tâm chấp nhận việc đầu tư tài chính dài hạn, với thời gian thu hồi vốn chậm.

Từ đó, bà Hoàng Anh đề nghị có cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, như cơ chế ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất…

Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hà Nội Grapevine cho hay, không gian sáng tạo đang thực hiện các nghĩa vụ thuế giống các doanh nghiệp thông thường khác. Trong khi, các trung tâm sáng tạo giống vai trò kết nối giữa Nhà nước, tư nhân và nhiều không gian sáng tạo theo mô hình kinh doanh phi lợi nhuận.

“Các không gian sáng tạo phải đóng thuế như là một doanh nghiệp, thường sẽ gặp khó khăn. Cạnh đó, khi tham gia các dự án hợp tác công-tư cũng thường gặp khó khăn với mức chi rất thấp của Nhà nước”, bà Ly nói.

Vì vậy, bà đề xuất miễn thuế thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này trong 3 năm đầu tiên và 2 năm tiếp theo thì giảm còn 10% và miễn giảm thuế thu nhập với các dự án công - tư. Đến năm 2030, cần hoàn thiện các trung tâm và chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, có tầm nhìn toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Đ.X

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho hay, Chính phủ, Bộ Tài chính đã xây dựng những ưu đãi cho lĩnh vực văn hóa, cũng như các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Với kiến nghị của các đại biểu, ông Chi nói, đang vượt quá những chính sách, quy định hiện hành. Vì vậy, Bộ Tài chính xin được ghi nhận để nghiên cứu, tổng hợp lại trong các chương trình, kế hoạch sửa các quy định pháp luật về thuế.

“Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng, các cấp có thẩm quyền để có những điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như sáng tạo nội dung số, không gian sáng tạo, các hoạt động công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh… tận dụng được cơ hội để, trên cơ sở đó phát triển công nghiệp văn hóa”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm