Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường chứng khoán được nâng hạng, Việt Nam có thể “hút” thêm 25 tỷ USD vốn đầu tư

Hương Giang

Thứ tư, 28/02/2024 - 17:54

(Thanh tra) - Nhiều kiến nghị, đề xuất được đưa ra để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, từ đó để Việt Nam “hút” hàng tỷ USD vốn đầu tư mới.

Ông Ketut Ariadi Kusuma cho biết, Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng này có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Ảnh: N.Bắc

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.

Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

"Thị trường chứng khoán được nâng hạng, dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều"

Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành nhiều quyết định, công điện, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải xử lý nhanh các vướng mắc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.

Nêu quan điểm tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Khi tiếp xúc với các tập đoàn, quỹ đầu tư quốc tế, họ đều bày tỏ nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng thì dòng vốn vào Việt Nam tăng lên rất nhiều”, theo lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, Ngân hàng Thế giới ước tính việc nâng hạng này có thể mang lại 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030.

Để đạt được điều này, theo ông Ketut Ariadi Kusuma, Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện quan trọng.

Điều tiên, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI.

Thứ hai, xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước lớn.

Đại diện World Bank phân tích, nếu FOL vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỷ USD, vì thị trường chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nếu FOL được giải quyết hoàn toàn, tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8-15 tỷ USD.

Điều kiện nữa là, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8-12 tỷ USD đầu tư cho đến năm 2030.

Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh, việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước rất quan trọng để đồng hành và cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, trong đó sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội (bởi VSS) là chìa khóa.

Cho phép doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán 

Với với vai trò là cơ quan tham ưu tổng hợp, nhiều kiến nghị cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra để phát triển thị trường chứng khoán.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc. Ảnh: N.Bắc

Bộ này cho rằng, cần khẩn trương ban hành kế hoạch hành động để triển khai Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng ban hành ngày 29/12.

Kế hoạch này được xây dựng sớm, ban hành sớm sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả, không bị chồng chéo, bà Ngọc nhấn mạnh.

Kiến nghị nữa là cần chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của thị trường chứng khoán. Bà Ngọc băn khoăn khi thị trường chứng khoán hiện chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân và một số quỹ, thiếu vắng các công ty đầu tư chuyên nghiệp.

Theo bà, đã đến lúc phải đánh giá, rà soát vì sao Luật Chứng khoán đã quy định nhưng các công ty, các nhà đầu tư không mặn mà trong việc thành lập nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty đầu tư chuyên nghiệp.

Đi cùng với đó, tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho thị trường chứng khoán; khẩn trương cho phép các doanh nghiệp FDI có điều kiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán được niêm yết trên sàn chứng khoán.

Bà Ngọc cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Chính phủ đã nhận được rất nhiều văn bản của các doanh nghiệp FDI đề nghị sớm triển khai nội dung này vì Luật Chứng khoán năm 2019 đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, công tác kiểm tra, giám sát và đặc biệt là công tác cảnh báo sớm.

“Ở các thị trường chứng khoán nước ngoài, cảnh báo sớm đóng vai trò rất quan trọng”, Thứ trưởng Ngọc nói, năm 2024, đẩy mạnh công tác giám sát để có thể cảnh báo sớm, xử lý sớm, tránh những việc kéo dài, dẫn đến hệ lụy không tốt cho thị trường chứng khoán.

Doanh nghiệp huy động cả tỷ USD vốn qua thị trường chứng khoán

Có mặt tại hội nghị, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quân đội (MBBank) đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường chứng khoán. 

Chủ tịch MB cho rằng, cần tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp tốt trên thị trường bằng cách phân loại và xếp hạng độc lập các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động.

Đồng thời, áp dụng các chuẩn mực quốc tế và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết để giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thông qua thị trường tốt hơn. 

Để tiến tới nâng hạng thị trường, ông Thái đề cập đến việc chất lượng thị trường và quan trọng hơn là kiện toàn Trung tâm thanh toán bù trừ (CCP) - điểm mấu chốt khi cả FTSE và MSCI đều coi đây là nút thắt trong việc nâng hạng thị trường. Hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến sở hữu nước ngoài.

“Cũng cần nghiên cứu các hệ thống triển khai giám sát tự động, kết nối với hệ thống dữ liệu và các cơ quan như thuế, cơ quan giám sát của ngân hàng và giám sát tài chính quốc gia, tăng khả năng giám sát và chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường”, ông Thái nhấn mạnh.

Từ góc độ doanh nghiệp niêm yết lớn trên thị trường, ông Nguyễn Việt Quang - Tổng Giám đốc Vingroup, cho biết 3 mã cổ phiếu thuộc tập đoàn là VIC, VHM, VRE có tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419.000 tỷ đồng, tương đương hơn 17 tỷ USD.

“Doanh nghiệp đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế”, ông Quang nói. 

Với năm 2024, ông Quang thông tin, Vingroup tiếp tục có kế hoạch huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong và ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế của Tập đoàn Vingroup.

Lãnh đạo tập đoàn này kiến nghị, cần tiếp tục nghiên cứu và có các giải pháp để thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được nâng hạng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm