Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều kiến nghị “nóng” được gửi đến Bộ Tài chính

Trần Quý

Thứ năm, 13/07/2023 - 14:42

(Thanh tra) - Nhiều kiến nghị “nóng” từ các địa phương được gửi đến tại Hội nghị Sơ kết công tác tài chính - ngân sách Nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2023 được Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (13/7).

Nhiều kiến nghị “nóng” được gửi đến Bộ Tài chính thông qua hội nghị. Ảnh: TQ

Đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, tổng thu NSNN trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 224.000 tỷ đồng, đạt 63,5% dự toán, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng chi ngân sách địa phương trên 38.600 tỷ đồng, đạt 36,8% dự toán giao đầu năm, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, chi đầu tư phát triển là 15.931 tỷ đồng, đạt 33,9% dự toán, tăng 47,8% so với cùng kỳ). Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công có nhiều khởi sắc, đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2022.

Tại hội nghị, UBND TP Hà Nội gửi đến Bộ Tài chính 6 kiến nghị, trong đó đề nghị tiếp tục quan tâm, ủng hộ quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quy định về việc quản lý thu, chi liên quan đến quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước không phải mục đích để ở.

Đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, sớm ban hành quy định hướng dẫn về thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của NSNN để đảm bảo quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của NSNN được thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật.

Tiếp tục tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành quy định cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên NSNN thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương…

TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 10.318 tỷ đồng bằng 44% dự toán giao. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 43% dự toán, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch vốn HĐND giao đầu năm đạt 17,3%, chi thường xuyên đạt 39,4% dự toán.

TP Đà Nẵng kiến nghị sớm thông báo số kiểm tra thu, chi NSNN năm 2024 để địa phương chủ động rà soát xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và làm việc với Bộ Tài chính theo quy định của Luật NSNN.

Đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ liên quan đến dự án khu công viên phần mềm số 2 (giai đoạn 1) để có cơ sở pháp lý sớm giải quyết các vướng mắc nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản hạ tầng này. “Sau khi thành phố có đề xuất cụ thể về sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho thành phố Đà Nẵng nhằm tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị và trong phân cấp quản lý để tạo điều kiện đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Bộ Tài chính, nhất là đối với các đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù liên quan đến tài chính, ngân sách” - UBND TP Đà Nẵng kiến nghị.

Các điểm cầu tham gia tham luận tại hội nghị. Ảnh: TQ

UBND tỉnh Bắc Giang cũng chuyển đến Chính phủ, Bộ Tài chính một số kiến nghị như: Tham mưu, trình Chính phủ ban hành nghị định quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, các bước tiến hành thoái vốn nhà nước để các địa phương làm căn cứ thực hiện. Ban hành danh mục chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần giai đoạn 2021-2025.

Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý số hao mòn tài sản từ khi xác định giá trị đơn vị sự nghiệp đến khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần để các địa phương phê duyệt giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Tài chính quan tâm, xem xét, sớm “chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” một số cơ sở nhà, đất của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như: Chi cục Thuế thành phố Thái Nguyên, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, Văn phòng Đại diện Báo Nhân dân tại Thái Nguyên… để tỉnh có cơ sở triển khai dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

TP Cần Thơ gửi đến Bộ Tài chính một số kiến nghị về chính sách thu chưa được dự toán trước, nên khi thực hiện làm giảm nguồn thu cân đối ngân sách địa phương. Đề nghị xem xét có phương án bù đắp cho các địa phương bị hụt nguồn do các chính sách chưa được dự toán trước. Xin chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội. Đề nghị hỗ trợ tháo gỡ khó khăn theo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khi làm việc với thành phố ngày 8/7/2023…

Tại hội nghị, Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị đến từ nhiều địa phương khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đề xuất lên Chính phủ và các bộ, ngành để giải quyết các kiến nghị của các địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm