Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nghị định 92 tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế và cho công tác quản lý thu

Bùi Dương

Thứ ba, 02/11/2021 - 06:35

(Thanh tra)- Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 (Nghị định 92) hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Đây là một bước quan trọng để đưa Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 (Nghị quyết 406) sớm đi vào cuộc sống, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh của thế giới; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính.

Nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân

Trong năm 2020, để hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp, người dân ứng phó với ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 phù hợp với bối cảnh, điều kiện của đất nước, đồng thời tiếp tục thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền và trình các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Bước sang năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong khi diễn biến dịch COVID-19 còn hết sức phức tạp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu tiếp tục ban hành các giải pháp miễn, giảm thuế để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính và thẩm định của Bộ Tư pháp, Chính phủ đã thông qua chủ trương để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19 (Tờ trình số 289/TTr-CP ngày 13/8/2021); chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện nội dung hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Nghị định 92 - giải pháp kịp thời khôi phục nền kinh tế

Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 đã và đang tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành nghề như du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống, chiếu phim, thể thao và giải trí, báo chí, truyền hình... để kịp thời có giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 406 ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết giao “Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này”.

Để Nghị quyết 406 sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định 92 hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế gồm: (i) Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; (ii) miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021; (iii) giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ trong các ngành nghề; (iv) miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020.

Nghị định 92 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406 là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thu và cũng là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh của thế giới; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính. Theo đó, việc xây dựng và ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP đã đảm bảo mục tiêu, yêu cầu sau:

Thứ nhất, bám sát các nội dung quy định của Nghị quyết 406, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Thứ hai, đảm bảo nguyên tắc đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp, người dân sớm khôi phục sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Việc ban hành Nghị định 92 nhằm triển khai kịp thời các giải pháp được quy định tại Nghị quyết 406 sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội.

Ngày 19/10/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Theo đó, ngày 27/10/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

(Thanh tra) - Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, ngày 15/12, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt.

Nguyễn Điểm

17:59 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm