Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Ngân hàng cam kết rót hàng nghìn tỷ đồng cho nông sản ĐBSCL

Thứ ba, 13/12/2022 - 22:06

(Thanh tra)- Ngày 13/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị Giải pháp tín dụng thúc đẩy thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Ngân hàng cam kết rót hàng nghìn tỷ đồng cho nông sản ĐBSCL. Ảnh: PV

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhận định ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành Nông nghiệp, là vùng sản xuất và xuất khẩu thuỷ sản, lúa gạo và rau quả lớn nhất của cả nước.

Theo ông Tú, NHNN đã và đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ngày 5/12, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn.

Dư nợ ngành Thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN đưa ra số liệu, đến cuối tháng 11, kết quả hoạt động ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đạt các chỉ tiêu tích cực như huy động vốn đạt 718.905 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cuối năm 2021. Dư nợ đạt 955.451 tỷ đồng, tăng 13,53% so với cuối 2021. Tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn luôn được các TCTD quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt gần 540.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cuối năm 2021.

Một số mặt hàng nông sản chủ lực của vùng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng, cụ thể: Dư nợ ngành Thủy sản đạt 112.455 tỷ đồng, tăng 16% và chiếm gần 54% dư nợ thủy sản toàn quốc; dư nợ ngành lúa gạo đạt 89.388 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cuối năm 2021 và chiếm gần 55% dư nợ lúa gạo toàn quốc; dư nợ ngành rau quả đạt 19.441 tỷ đồng và chiếm khoảng 21% dư nợ rau quả toàn quốc…

Ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng và các TCTD trên địa bàn trong việc đầu tư vốn vào lĩnh vực nông sản, việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao chất lượng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Qua đó, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch Covid-19.

Khu vực chủ đạo để đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn 

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp cũng phản ánh những khó khăn mà doanh nghiệp phải đang phải đối mặt, đặc biệt là về vốn vay, lãi suất, những vướng mắc trong quan hệ với các tổ chức tín dụng.

Qua đó, các tổ chức tín dụng cam kết sẽ cung ứng đủ vốn tín dụng đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, tính đến 30/11, Vietcombank đã hỗ trợ cho các khách hàng tại khu vực ĐBSCL với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất gần 300 tỷ đồng.

Ngân hàng VietinBank cam kết từ nay đến Tết Nguyên đán 2023 dành hạn mức giải ngân thêm 5.000 tỷ đồng và giảm lãi suất 20% đối với nhu cầu thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL.

Ngoài ra, Ngân hàng Agribank cũng cam kết sẽ tiết giảm khoảng 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó dự kiến khu vực ĐBSCL được giảm khoảng 300 tỷ đồng…

Đại diện các ngân hàng cũng cho biết sẽ triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm