Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Không dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư cao tốc, đường vành đai

Hương Giang

Thứ hai, 06/06/2022 - 18:30

(Thanh tra) - Theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã có nghị quyết quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì. “Không dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến cao tốc, đường vành đai”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (phải ảnh). Ảnh: Đ.X

Ngày 6/6, Quốc hội thảo luận tại tổ chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông quan trọng gồm: Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 TP HCM và vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.

Nguồn cải cách tiền lương không chi cho việc khác

Nêu ý kiến, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng các tuyến đường này. Đây là động lực kết nối, phát triển kinh tế địa phương, liên kết vùng sắp tới.

Tuy nhiên, theo bà Lan, việc đảm bảo cơ cấu nguồn đầu tư là khó khăn nhất hiện nay, khi phần lớn các dự án đều sử dụng cơ cấu vốn hỗn hợp (Trung ương, địa phương). Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị cho phép các địa phương sử dụng nguồn từ cải cách tiền lương.

“Phương án đề xuất ban đầu đề nghị Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay nhưng thẩm tra cho thấy phương án này không phù hợp”, bà Lan nói.

Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Đào Hồng Lan. Ảnh: Đ.X

Phản hồi ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc dùng nguồn cải cách tiền lương không nên đặt ra, vì “đụng” tới Nghị quyết Trung ương về vấn đề này.

Theo Chủ tịch Quốc hội, khoản vượt thu ngân sách Trung ương 2021 gần 22.000 tỷ đồng được quyết định để lại chi cho cải cách tiền lương.

“Nhiều địa phương nghĩ tiền cải cách tiền lương là chỉ chi một năm thôi, nhưng không phải vậy. Sau COVID-19, dự trữ tài chính cũng tiêu một khoản rồi, giờ hằng năm muốn điều chỉnh tăng lương cho cán bộ công chức mà không được”, ông Huệ nhấn mạnh.

Quốc hội đã có nghị quyết quy định tuyệt đối không dùng nguồn cải cách tiền lương cho việc khác với bất kỳ lý do gì. Mặc khác, “cải cách” không đơn thuần là điều chỉnh mức tiền lương cơ sở 7%, còn khoản chênh lệch, điều chỉnh bước, bậc, hệ số lương… nên tổng tiền cần cho cải cách tiền lương tương đối lớn.

“Ví dụ, địa phương cần 5.000 tỷ đồng cải cách tiền lương thì cả nhiệm kỳ (5 năm) sẽ cần tới 25.000 tỷ đồng cho việc này. Chưa kể từng năm điều chỉnh tăng thêm nữa thì số tiền cần cho cải cách tiền lương còn tăng thêm nhiều”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Ông cũng lưu ý, chúng ta đã hoãn cải cách tiền lương vài năm rồi và 3 năm nay chưa điều chỉnh lương cho cán bộ công chức nên cần dành nguồn tiền này để cho cải cách tiền lương, không chi vào các việc khác. “Không dùng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến cao tốc, đường vành đai này”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ưu tiên vốn làm vành đai 3 TP HCM, 4 dự án khác “giãn tiến độ 1 năm”

Đề cập đến các dự án, ông Vương Đình Huệ nói, lần này sẽ dành nguồn lực ưu tiên vốn cho thực hiện đường vành đai 3 TP HCM, do tính cấp bách của dự án. “Riêng dự án vành đai 3 sẽ được ưu tiên đặc biệt về vốn, tiến độ, phấn đấu hết 2025 hoàn thành”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Còn dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và 3 dự án cao tốc được Chính phủ trình đã “thống nhất giãn tiến độ 1 năm”.

Theo ông Huệ, lùi như vậy sẽ khả thi trong tổ chức thực hiện, không căng thẳng về vốn, và dành được vốn nhất định trong đầu tư công trung hạn kỳ này để bổ sung cho danh mục dự án, nhiệm vụ của một số địa phương thuộc gói kích thích kinh tế.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Đ.X

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định dự án đường vành đai 3 đã rất cấp thiết với TP HCM và các tỉnh trong vùng dự án. Nó giúp giải tỏa các điểm nghẽn giao thông hiện nay, đồng thời mở ra tuyến giao thông chiến lược cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Khi tuyến đường hoàn thiện sẽ là hành lang cho đô thị và công nghiệp không chỉ của 4 tỉnh, mà tác động lan tỏa của nó là cả khu vực phía Nam”, Chủ tịch UBND TP HCM nói.

Trước ý kiến băn khoăn “4 làn xe (giai đoạn 1) thì giải phóng mặt bằng 4 làn thôi, giải phóng nhiều làm chi”, ông Mãi lý giải nếu “không giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện” thì tới lúc mở ra 6-8 làn xe sẽ rất khó khăn, chi phí rất lớn, thời gian kéo dài.

“Việc giải phóng mặt bằng một lượt theo quy mô toàn bộ dự án bằng mọi giá là việc cần thiết, mặc dù lúc này có phát sinh thêm chi phí giải phóng mặt bằng nhưng tính trong tổng thể sẽ rất rẻ, rất hiệu quả”, ông Mãi nhấn mạnh.

Trước ý kiến so sánh, tại sao vành đai 3 tổng mức đầu tư cao thế? Chi phí giải phóng mặt bằng cao thế?

Chủ tịch TP HCM nói: “Tôi nghĩ mỗi đường có vị trí khác nhau, chi phí cũng sẽ khác nhau”. Theo ông, do đô thị hóa, phát triển công nghiệp đi theo quy hoạch, mật độ dân cư đông… nên chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn rất nhiều so với những địa bàn khác.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM), “bài toán nhức đầu” khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông là vấn đề chất lượng, lãng phí và xử lý lợi ích của người dân trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Cùng với sự chỉ đạo sâu sát từ Trung ương, ông mong các địa phương rốt ráo trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cũng cho rằng, 5 công trình này không chỉ là những hạ tầng giao thông đường bộ, mà còn mở ra không gian phát triển hai bên đường, tạo ra quỹ đất, mở ra các phương án kinh doanh, khu công nghiệp và mở rộng kết nối. “Có thể tính toán lựa chọn bán quyền thu phí ở nơi có nhiều lưu lượng nhưng cũng không quá quan trọng về bán quyền thu phí”, ông Mạnh nêu.

Với những lo ngại về khả năng thi công cũng như năng lực của nhà thầu trong nước, theo ông Mạnh, hiện nay vận hành và chuyển động của doanh nghiệp rất nhanh. “Tôi tin rằng gói kích cầu này tạo điều kiện doanh nghiệp của ta mở rộng năng lực thi công, nên tôi không quan ngại về năng lực thi công”, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nói thêm.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu

Chủ tịch Quốc hội cho biết, cả 5 dự án cao tốc trình Quốc hội lần này đều áp dụng rất nhiều chính sách đặc thù, do đó, cũng cần phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu.

Ông cũng lưu ý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu. Theo ông, trao quyền nhiều thì phải cá thể hóa trách nhiệm, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm. 

Về giải pháp nguồn vốn của các địa phương, theo Chủ tịch Quốc hội, địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã “kêu” khó. Ông cho rằng, nếu địa phương đứng ra vay thì mới có trách nhiệm hoàn trả. “Phàm người khác vay đưa cho anh tiêu thì anh không có trách nhiệm đâu”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Ông cũng lưu ý, các địa phương phải cam kết bố trí đủ vốn theo tổng mức đầu tư, đồng thời khi điều chỉnh tăng vốn thì địa phương cũng phải cam kết bỏ thêm để hoàn thành dự án. Cạnh đó, vốn cho dự án phải nằm trong cân đối trung hạn của địa phương. 

Dự án vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 76,34km đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.378 tỷ đồng.

Dự án này được đầu tư theo hình thức đầu tư công, chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo các địa phương.

Dự án vành đai 4 thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài 112,8km, đi qua TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự kiến tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng.

Dự án này được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chia thành 7 dự án thành phần. Phần giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa phương và thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km qua 2 tỉnh, kết nối thành phố Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải.

Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km qua 2 tỉnh, kết nối TP Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong.

Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km qua 4 tỉnh thành, kết nối thành phố Châu Đốc với cảng biển Trần Đề.

Các dự án này theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án này khoảng 84.463 tỷ đồng. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm

(Thanh tra) - Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: Gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.

PV

11:41 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm