Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 12/07/2016 - 11:28
(Thanh tra) - Bám sát các chỉ đạo của Agribank, các chi nhánh trên địa bàn 4 tỉnh bị thiệt hại đã và đang tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện các biện pháp nhằm góp phần ổn định đời sống cho người dân.
Sự cố môi trường do nguyên nhân từ nhà máy Formosa xảy ra đầu tháng 4 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân và đồng bào tại 04 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Có thể nói, sau bà con ngư dân và nhân dân các tỉnh miền Trung thì Agribank chính là tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố Formosa. Với vai trò là Ngân hàng chủ lực đầu tư tín dụng cho các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho vay phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP… Agribank đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung nhanh chóng khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định cuộc sống.
Chung tay vì ngư dân
Với tổng dư nợ cho vay hơn 27.000 tỷ đồng, các chi nhánh của Agribank trên địa bàn 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là những đơn vị đang bị tổn thất lớn. Bám sát các chỉ đạo của Agribank, các chi nhánh trên địa bàn 4 tỉnh bị thiệt hại đã và đang tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện các biện pháp nhằm góp phần ổn định đời sống cho người dân.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với các ông/bà Giám đốc 4 chi nhánh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế xung quanh những hoạt động hỗ trợ, khắc phục thiệt hại cho ngư dân và đồng bào 4 tỉnh miền Trung. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:
Bà Nguyễn Thị Diên - Giám đốc Agribank Hà Tĩnh: “Sát cánh cùng chính quyền địa phương hỗ trợ ngư dân”.
Phóng viên: Là địa phương chịu thiệt hại trực tiếp từ sự cố của Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh, tổn thất lớn thuộc về thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, xin bà cho biết, Agribank Hà Tĩnh đã có biện pháp hỗ trợ gì đối với nhân dân các huyện thị bị thiệt hại để khắc phục và ổn định cuộc sống?
Bà Nguyễn Thị Diên: Xác định và ý thức được vấn đề kết quả hoạt động của Agribank Hà Tĩnh gắn liền với bà con nông dân, ngư dân.Vì vậy, với sự cố Formosa gây thiệt hại cho bà con trong tỉnh, Agribank Hà Tĩnh không thể đứng ngoài cuộc.Theo thống kê, xác định dư nợ bị ảnh hưởng thiệt hại trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là 78.702 triệu đồng, bao gồm 273 khách hàng.
Chi nhánh đã kịp thời chia sẻ, ủng hộ 32 tấn gạo và 05 tỷ đồng cho bà con ngư dân trên địa bàn thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, thực hiện miễn toàn bộ 660 triệu đồng lãi vay chưa trả đối với dư nợ bị thiệt hại; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, ưu tiên vốn, lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp, ảnh hưởng gián tiếp có phương án sản xuất kinh doanh mới.
Đến nay, chi nhánh đã thực hiện cơ cấu nợ cho 21 khách hàng với dư nợ cơ cấu là 15.988 triệu đồng.Hiện nay, Agribank Hà Tĩnh đang tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ bà con nhân dân ổn định đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh nhà, đặc biệt là bà con ngư dân ở vùng bị thiệt hại, ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Agribank Quảng Bình: “Đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ với ngư dân khắc phục hậu quả”.
Phóng viên: Là tỉnh phải chịu hậu quả nặng nề nhất trong 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại, xin ông đánh giá mức độ ảnh hưởng đến hoạt động của chi nhánh và các giải pháp hỗ trợ đang được triển khai đối với bà con ngư dân nhằm khắc phục thiệt hại do Formosa gây ra?
Ông Nguyễn Xuân Hùng: Quảng Bình là địa bàn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%. Hiện nay, toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm tỷ lệ gần 22% tổng số xã trên địa bàn, tuy nhiên so với cả nước, tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh còn chậm.
Trong sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, tỉnh Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại về mặt kinh tế lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ thuần túy về kinh tế biển, hệ lụy kéo theo cho cả nền kinh tế - xã hội còn lớn hơn.
Tính đến 30/6/2016, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 7.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản hơn 1.200 tỷ đồng, cho vay theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ đã cam kết giải ngân hơn 350 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 150 tỷ đồng cho ngư dân của tỉnh Quảng Bình.
Do đó, sự cố Formosa gây ra hiện tượng cá chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung trong đó có Quảng Bình là một thiệt hại lớn, sau ngư dân và nhân dân trong tỉnh thì Agribank Quảng Bình chính là tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng hàng đầu bởi sự cố này. Bởi vậy, hỗ trợ bà con ngư dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống là hành động thiết thực mà một doanh nghiệp luôn đề cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng như Agribank cần làm. Do đó, Agribank Quảng Bình đã triển khai kịp thời và nghiêm túc việc hỗ trợ khó khăn cho ngư dân với các giải pháp như sau:
Về chính sách tín dụng: Chi nhánh đã chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay…
Đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (có thủy, hải sản chết), Agribank Quảng Bình thực hiện miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp (nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản, tạm trữ và dịch vụ liên quan khác…) miễn 01 tháng lãi tiền vay của dư nợ bị ảnh hưởng; Dừng thu lãi 03 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng.
Bên cạnh đó, chi nhánh cũng tiếp tục ưu tiên vốn, lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới với lãi suất ngắn hạn 6%/năm, trung dài hạn 8%/năm nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Khách hàng vay vốn để chuyển đổi ngành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết. Agribank Quảng Bình đã cho các doanh nghiệp và chủ vựa cá vay thu mua tạm trữ số tiền hơn 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank Quảng Bình đã trao số tiền hỗ trợ của toàn hệ thống Agribank cho tỉnh Quảng Bình là 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo để chia sẻ khó khăn với người dân các xã, thị trấn vùng biển bị thiệt hại. Bên cạnh đó, cán bộ nhân viên Agribank Quảng Bình đã đóng góp tiền lương ủng hộ số tiền 30 triệu đồng cho bà con ngư dân trong tỉnh.
Ông Hoàng Minh Thông - Giám đốc Agribank Quảng Trị: “Triển khaikịp thời và có hiệu quả việc hỗ trợ khó khăn cho ngư dân”.
Phóng viên:Với tổn thất từ sự cố chết cá hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung trong đó có Quảng Trị, Agribank Quảng Trị đã có những chính sách hỗ trợ đối với ngư dân và nhân dân bị thiệt hại như thế nào để sớm ổn định đời sống và từng bước khắc phục những tổn thất cho chi nhánh sau sự cố này?
Ông Hoàng Minh Thông: Tính đến 30/6/2016, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đạt 6.100 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực thủy hải sản trên 700 tỷ đồng với gần 6.000 khách hàng vay vốn tại 16 xã vùng biển.
Nguồn vốn tín dụng của Agribank Quảng Trị đầu tư khép kín từ khâu đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu thuyền cho công suất lớn, trang bị các phương tiện đánh bắt (lưới rê bùng nhùng, lưới vây, giàn pha xúc, rập…) cho đến khâu thu mua, chế biến xuất khẩu hải sản. Với dư nợ thiệt hại khoảng 98 tỷ đồng thì sự cố Formosa xảy ra đối với bà con ngư dân vùng biển Quảng Trị - những khách hàng truyền thống của chi nhánh - được xem là tổn thất lớn với Agribank Quảng Trị.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Agribank, Agribank Quảng Trị đã triển khai kịp thời và có hiệu quả việc hỗ trợ khó khăn cho ngư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hiện tượng cá chết. Theo chủ trương và chỉ đạo của Agribank, về chính sách tín dụng, Agribank Quảng Trị đã chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay…
Số tiền miễn giảm lãi là 150 triệu đồng. Agribank Quảng Trị đã cho các doanh nghiệp và chủ vựa cá vay thu mua tạm trữ 13 tỷ đồng. Ngoài ra, khách hàng được vay vốn để chuyển đổi nghành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết, số tiền ước khoảng 12 tỷ 990 triệu đồng, trong đó đã cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 46 hộ với tổng số tiền là 700 triệu đồng.
Ngoài ra, về chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, Agribank Quảng Trị đã trao số tiền hỗ trợ cho UBND tỉnh Quảng Trị là 5 tỷ đồng và 25 tấn gạo từ đóng góp ngày lương của cán bộ viên chức Agribank toàn hệ thống nhằm chia sẻ khó khăn với người dân các xã, thị trấn vùng biển bị thiệt hại.
Thực hiện lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, cán bộ nhân viên Agribank Quảng Trị đã đóng góp tiền lương ủng hộ 30 triệu đồng cho bà con ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Agribank Thừa Thiên Huế: “Là ngân hàng đầu tiên thực hiện các chính sách chia sẻ với khách hàng bị thiệt hại”.
Phóng viên:Được biết Agribank Thừa Thiên Huế là ngân hàng đầu tiên thực hiện các chính sách để chia sẻ với các khách hàng vay bị thiệt hại trong sự cố thủy, hải sản chết tại Thừa Thiên Huế, xin ông cho biết cụ thể những chính sách hỗ trợ của Agribank Thừa Thiên Huế đối với ngư dân bị thiệt hại?
Ông Nguyễn Văn Bình: Agribank Thừa Thiên Huế là chi nhánh đi đầu trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn và nông dân của tỉnh nhà. Hiện nay, cho vay chương trình đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/NĐ-CP của Agribank Thừa Thiên Huế là 4 tàu với số tiền trên 20 tỷ đồng.
Thiệt hại do sự cố Formosa xảy ra tại Thừa Thiên Huế ước khoảng 135 tỷ đồng, trong đó: Nuôi trồng thủy sản là 30 tỷ đồng, Khai thác thủy sản do tàu khai thác ven bờ không đi biển 20 tỷ đồng, tàu khai thác xa bờ đánh bắt về khó tiêu thụ và bán giá thấp 15 tỷ đồng, Dịch vụ nghề cá đình trệ 20 tỷ đồng, Các hoạt động dịch vụ, du lịch, khách sạn 50 tỷ đồng. Tổng số tàu thuyềnbị ảnh hưởng là 2.939 chiếc, Số hộ gia đình bị ảnh hưởng 6.212 hộ, Tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại 1.240 lồngước giá trị bị thiệt hại là 26.674 triệu đồng.
Khi sự việc thủy, hải sản chết xảy ra tại Thừa Thiên Huế, ngay lập tức chi nhánh đã thực hiện miễn giảm lãi cho các hộ vay bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; cơ cấu lại nợ, cụ thể là điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ gốc, lãi nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ổn định tài chính; đồng thời cho vay mới khi khách hàng chuyển đổi ngành nghề.
Tính đến ngày 11/05/2016, Agribank Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thủy hải sản chết bất thường đối với 330 khách hàng, dư nợ bị thiệt hại 13.860 triệu đồng tại các xã bị ảnh hưởng trực tiếp là xã Thuận An (Phú Vang), xã Hải Dương (Hương Trà), thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) và các xã vùng ven biểnchủ yếu bị ảnh hưởng gián tiếp.
Hiện nay chi nhánh đã và đang thống kê mức độ thiệt hại trực tiếp, riêng mức độ thiệt hại gián tiếp vẫn còn một số khách hàng bị thiệt hại nhưng chưa xác định được số thiệt hại cụ thể do nhiều yếu tố (doanh thu, hàng chậm luân chuyển, mất giá, ngày công…).
Agribank Thừa Thiên Huế đang phối hợp với chính quyền địa phương để xác định số thiệt hại cụ thể.
Từ ngày 11/5/2016 đến nay không có phát sinh số thiệt hại thủy hải sản. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về tín dụng, chi nhánh cũng tặng 25 tấn gạo, 5 tỷ đồng và 15 máy thông tin liên lạc cho ngư dân đánh bắt xa bờ bị tổn thất trong sự cố này.
Cam kết đồng hành - sẻ chia
Ngày 30/6/2016, Chính phủ đã công bố nguyên nhân sự cố cá chết tại 4 tỉnh miền Trung là do chất thải nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa đã cam kết bồi thường 500 triệu USD cho thiệt hại gây ra cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung.
Việc chi trả, đền bù, cho vay chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân từ khoản bồi thường của Formosa rất cần một ngân hàng có đủ điều kiện tài chính, mạng lưới, nhân lực, kinh nghiệm, sự gắn bó, am hiểu địa bàn, chủ lực trong thực thi các chương trình, chính sách, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế làm đầu mối phục vụ, tiếp nhận nguồn vốn từ Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa để hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả cá chết.
Phóng viên:Agribank có mong muốn và cam kết gì nếu được lựa chọn là ngân hàng phục vụ trong việc chi trả tiền bồi thường cho ngư dân và bà con 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại trong sự cố Formosa?
Bà Nguyễn Thị Diên: Trước đây, Agribank Hà Tĩnh đã có kinh nghiệm trong việc chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Formosa nhanh chóng, chính xác và đảm bảo an toàn. Với mạng lưới hoạt động rộng khắp đến từng thôn xóm, đội ngũ cán bộ gần gũi và có tín nhiệm đối với bà con ngư dân, phương tiện và cơ sở vật chất đầy đủ, Agribank Hà Tĩnh nói riêng và Agribank nói chung có đầy đủ cơ sở để thực hiện tốt việc phục vụ chi trả tiền bồi thường chuyển đổi ngành nghề, thanh toán, cho vay vốn đối với bà con ngư dân bị thiệt hại, để phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời đống, từ đó có điều kiện để trả nợ vay ngân hàng.
Ông Nguyễn Xuân Hùng: Về phía Agribank Quảng Bình sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Agribank để thực hiện nghiêm túc các chính sách, chương trình hỗ trợ của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương đối với ngư dân và nhân dân vùng bị thiệt hại, ảnh hưởng; qua đó tạo điều kiện cho bà con sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống.
Việc bà con ngư dân sớm ổn định đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh là tiền đề quan trọng để những khách hàng của Agribank khôi phục kinh tế và hoàn trả nợ vay ngân hàng.
Ông Hoàng Minh Thông: Với cam kết thực hiện việc bồi thường thiệt hại của Formosa Hà Tĩnh, mong rằng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ nhanh chóng đến được với bà con ngư dân và nhân dân 4 tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Trị.
Với Agribank Quảng Trị, có đặc thù mạng lưới giao dịch phủ khắp địa bàn tỉnh và 16 xã ven biển, với kinh nghiệm trong việc hỗ trợ vốn tín dụng phát triển kinh tế biển cũng như thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân, Agribank Quảng Trị nói riêng và Agribank nói chung sẽ làm tốt chức năng ngân hàng phục vụ chi trả tiền bồi thường, chuyển đổi ngành nghề, thanh toán và cho vay vốn bà con ngư dân vùng bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Bình: Với sự tín nhiệm mà các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh dành cho Agribank Thừa Thiên Huế, trong vai trò là người bạn đồng hành của nông dân, Agribank Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục gắn bó với chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt chia sẻ với ngư dân bị thiệt hại do thủy, hải sản chết tại Thừa Thiên Huế. Agribank Thừa Thiên Huế cam kết thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về việc thực hiện chi trả, đảm bảo an toàn, đúng địa chỉ, đúng quy định.
PV
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - “Ba nhà” ở đây là Nhà nước, nhà nông và doanh nghiệp trong nước đã cùng chịu thiệt suốt 10 năm qua khi phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định của Luật thuế 71.
(Thanh tra) - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, đơn vị này đang nghiên cứu và sẽ sớm triển khai một số sản phẩm, công cụ phục vụ quản lý thuế, trong đó có ứng dụng hoàn thuế thuế thu nhập cá nhân tự động.
Uyên Uyên
11:31 23/11/2024Uyên Uyên
22:33 22/11/2024PV
21:09 22/11/2024Bài và ảnh: Quỳnh Mai
21:00 22/11/2024Trung Hà
Bùi Bình
Lợi Châu
Đức Anh
Văn Thanh
Hương Giang
Hương Giang
Hương Giang
Minh Thắng
Văn Thanh
Thu Huyền