Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ Tư pháp công bố Bộ Pháp điển Việt Nam

Thái Hải

Thứ ba, 05/11/2024 - 21:44

(Thanh tra) - Chiều 5/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổng kết nhiệm vụ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và Công bố Bộ Pháp điển Việt Nam. Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh dự hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long tham dự Hội nghị. Ảnh: TP

Tích cực rà soát, bãi bỏ các VBQPPL đã không còn được áp dụng

Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) Hồ Quang Huy cho biết, đối với công tác hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019 - 2023, các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ về trình tự, thủ tục, thể thức ban hành văn bản; nội dung của các văn bản khi xây dựng được chú trọng để bảo đảm không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế.

Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, bãi bỏ các VBQPPL đã không còn được áp dụng trên thực tế để bảo đảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật. Theo đó, trong kỳ 2019 - 2023, có số lượng không nhỏ các VBQPPL được ban hành chỉ có nội dung bãi bỏ các VBQPPL khác. Cá biệt, có địa phương 100% văn bản thuộc đối tượng hệ thống hóa của cấp xã là văn bản ban hành để bãi bỏ VBQPPL.

Đối với công tác xây dựng Bộ Pháp điển, sau 10 năm triển khai, thực hiện, đến nay đã có 265/271 đề mục được Chính phủ thông qua và đưa vào khai thác, sử dụng.

“Có thể nói, Bộ Pháp điển cơ bản đã hoàn thành. Bộ Pháp điển có cấu trúc hợp lý, khoa học và bảo đảm tính logic; việc thực hiện ghi chú, chỉ dẫn tương đối rõ ràng giúp cho việc tra cứu, tìm kiếm các quy định của pháp luật được dễ dàng, thuận lợi. Bước đầu, Bộ Pháp điển đã được xã hội đón nhận tích cực, khai thác và sử dụng. Cho đến nay đã có gần 2 triệu lượt truy cập khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển, trung bình mỗi một ngày có khoảng gần 5.000 lượt truy cập”, Cục trưởng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cùng lãnh đạo một số đơn vị thực hiện nghi thức công bố Bộ Pháp điển Việt Nam. Ảnh: TP

Việc xây dựng Bộ Pháp điển đã góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như góp phần vào việc áp dụng và thi hành pháp luật được hiệu quả. Thông qua công tác pháp điển, Bộ Tư pháp đã cùng với các bộ, ngành rà soát, làm "sạch" hơn 8.000 VBQPPL của Trung ương, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 Bộ Pháp điển bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của các quy định pháp luật

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định, kết quả hệ thống hóa VBQPPL đã cho thấy bức tranh tổng thể về hệ thống VBQPPL từ Trung ương đến địa phương, nhất là về tình trạng hiệu lực của các văn bản. Kết quả hệ thống hóa VBQPPL được các bộ, ngành, địa phương công bố là nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng phục vụ việc xây dựng, áp dụng và thi hành pháp luật.

Bộ Pháp điển có vai trò, ý nghĩa, giá trị thiết thực trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của các quy định pháp luật; đồng thời, thông qua việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định pháp luật, Bộ Pháp điển góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

"Việc đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, nhiệm vụ này sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật" Bộ trưởng khẳng định.

Bộ Pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 VBQPPL đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề.

Trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề). Bộ Pháp điển là sản phẩm chính thức của Nhà nước được các bộ, ngành thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm theo một quy trình, trình tự chặt chẽ góp phần bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời các QPPL đang còn hiệu lực.

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới, để công tác hệ thống hóa VBQPPL được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả và Bộ Pháp điển Việt Nam ngày càng lan tỏa, phát huy được giá trị hữu ích trong thực tiễn, cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Theo đó, các cơ quan tăng cường tính chủ động, thực hiện nghiêm Luật Ban hành VBQPPL, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; đẩy mạnh công tác rà soát thường xuyên, kịp thời thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật; nâng cao hơn nữa trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo sát sao việc thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; xác định chính xác hiệu lực của văn bản, thực hiện xử lý VBQPPL để chấm dứt hiệu lực của VBQPPL, công bố VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực theo đúng quy định pháp luật và cập nhật kịp thời các quy định pháp luật trong Bộ Pháp điển.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế nói chung và công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật nói riêng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là đẩy mạnh số hóa, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và bảo đảm nguồn lực kinh phí phục vụ triển khai hiệu quả các công tác này; thường xuyên cập nhật, quản lý, duy trì kết hợp với truyền thông, giới thiệu và hướng dẫn để từng cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội khai thác, sử dụng hiệu quả Bộ Pháp điển...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TP

Nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai nhiệm vụ hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019 - 2023.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bộ Tư pháp công bố Bộ Pháp điển Việt Nam

Bộ Tư pháp công bố Bộ Pháp điển Việt Nam

(Thanh tra) - Chiều 5/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổng kết nhiệm vụ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và Công bố Bộ Pháp điển Việt Nam. Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh dự hội nghị.

Thái Hải

21:44 05/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm