Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững

Thứ sáu, 08/08/2014 - 20:04

Nhân Hội nghị Toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư, tổ chức tại TP. Đà Nẵng trong 3 ngày (7 - 9/8/2014), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh rằng, phải dự báo tốt tình hình, luôn ở thế chủ động trong việc xây dựng và triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nhằm mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và đảm bảo phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh

Thưa Bộ trưởng, Hội nghị ngành Kế hoạch và đầu tư lần này sẽ tập trung thảo luận những nội dung gì?

Hội nghị ngành lần này được tổ chức để triển khai các nội dung hết sức quan trọng, như xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, xây dựng Kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016 - 2020; đồng thời, phổ biến các nội dung chính của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu; tham gia góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; phổ biến và hướng dẫn cách tính toán chỉ tiêu giá trị gia tăng trong nước của các tỉnh và các thành phố trực thuộc Trung ương...

Đây đều là những nội dung hết sức quan trọng và có nhiều điểm đổi mới. Vì tính chất quan trọng như vậy, nên dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị.

Xin Bộ trưởng cho biết, việc triển khai xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 được đặt ra như thế nào?

Để triển khai xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, nhằm hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 đã đề ra, trước hết, cần phải đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Có thể nói, do được xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thuận lợi, với tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm và dựa trên các dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới ngay sau năm 2010, nên nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 đã được đặt ra khá cao. Nhưng trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, kinh tế thế giới có nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường và đà phục hồi kinh tế trong nước cũng chậm hơn dự báo.

Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, Chính phủ đã kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp, nên tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan.

Chẳng hạn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm nhanh từ 18,13% năm 2011 xuống còn dưới 7% trong các năm 2012, 2013 và 2014. Tăng trưởng kinh tế đạt mức hợp lý, bình quân 5,8%/năm. Chất lượng tăng trưởng cũng đã được nâng lên một bước và tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu...

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, như kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước đó, không đạt chỉ tiêu đề ra, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm...

Tôi cho rằng, cần có một cách nhìn nhận thẳng thắn, khách quan để đánh giá các kết quả đạt được cũng như các tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 2011 - 2013, dự kiến khả năng thực hiện năm 2014 - 2015, từ đó xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và thực hiện tốt hơn Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Vậy theo Bộ trưởng, mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là gì?

Mong muốn của Chính phủ là Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đạt được các mục tiêu cao hơn giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn. Triển khai xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chúng ta có những thuận lợi và cơ hội nhất định, nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn.

Do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu kéo dài, xu thế hạn chế tiêu dùng diễn ra phổ biến ở tất cả các nước, nên tổng cầu thế giới, cũng như trong nước sụt giảm nghiêm trọng. Đó là chưa kể những tác động do bất ổn, xung đột và bất đồng giữa các nền kinh tế lớn; tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn...

Do đó, chúng ta phải dự báo tốt được tình hình, đưa ra các phương án khác nhau để luôn ở thế chủ động trong việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Theo tôi, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại... Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này được dự kiến ở mức 6,5 - 7%/năm.

Còn Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020, thưa Bộ trưởng?

Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg, chúng ta đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2014 - 2015, Kế hoạch đầu tư vốn trái phiếu chính phủ trung hạn giai đoạn 2012 - 2015, Kế hoạch Vốn trái phiếu chính phủ bổ sung cho giai đoạn 2014 - 2016.

Kế hoạch đầu tư trung hạn các nguồn vốn nêu trên bước đầu đã đem lại kết quả tích cực, tạo điều kiện cho các bộ, ngành và địa phương chủ động trong quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ.

Có thể khẳng định, việc bố trí, quản lý và sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ trong mấy năm gần đây đã được đổi mới mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công. Việc bố trí vốn đầu tư tập trung, đúng hướng, đã tạo sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành và toàn dân.

Tuy nhiên, trên thực tế, các kế hoạch đầu tư trung hạn nêu trên mới được xây dựng lần đầu, chưa bao quát cho toàn bộ giai đoạn 5 năm để gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chưa được xây dựng trên cơ sở hệ thống pháp luật đầu tư công hoàn chỉnh. Vì thế, Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 - 2020 mà chúng ta xây dựng lần này có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần quan trọng để thực hiện thành công Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Nguyên Đức (Báo Đầu tư)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hoàn thành việc đối chiếu sinh trắc học đối với khách hàng trước ngày 1/1/2025

(Thanh tra) - Nhằm phục vụ tốt nhu cầu thanh toán trong thời gian cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán 2025, ngày 15/12, Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản cầu các đơn vị liên quan thuộc NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD), Napas và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,... triển khai một số biện pháp để đảm bảo hoạt động thanh toán diễn ra an toàn, thông suốt.

Nguyễn Điểm

17:59 15/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm