Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt

Nguyễn Điểm

Thứ sáu, 14/06/2024 - 16:42

(Thanh tra) - Chiều nay, ngày 14/6, trong khuôn khổ Chương trình “Ngày không tiền mặt 2024”, Vụ Thanh toán và Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt”.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương. Ảnh: TP

Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên.

Phiên 1 có chủ đề “Nâng cao khả năng bảo mật cho các ngân hàng”. Các tham luận của phiên 1 tập trung vào các nội dung: Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM); Thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng - Giải pháp ngăn ngừa; Rủi ro gian lận trong thanh toán số trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam.

Phiên 2 có chủ đề “Nâng cao khả năng bảo mật cho giao dịch cá nhân”. Các tham luận với nội dung về ứng dụng AI để phòng ngừa rủi ro trong thanh toán trực tuyến; Giải pháp công nghệ cho bảo mật an toàn giao dịch ngân hàng.

Mỗi phiên bao gồm phần thảo luận về các giải pháp để bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an ninh, an toàn, liên tục; giải pháp để nâng cao khả năng bảo vệ cho giao dịch cá nhân, bảo vệ người dùng.

Chương trình năm nay có chủ đề chính là “Thúc đẩy TTKDTM an toàn, bảo mật”. Qua chặng đường 5 năm triển khai “Ngày Không tiền mặt”, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, sự quan tâm, đồng hành của NHNN cùng các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan chương trình này đã truyền tải, lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt, góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng các phương thức, phương tiện TTKDTM, tiện lợi, góp phần tạo nên chuyển biến rõ nét về hoạt động TTKDTM của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.

Theo NHNN, hoạt động TTKDTM trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, NHNN đã tiếp tục được đẩy mạnh phát triển và đạt được những kết quả nhất định. Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động TTKDTM và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, ngành Ngân hàng đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để triển khai cung cấp các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM mới, hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán, giao dịch tức thời của người dân, doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TP

Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán

NHNN cho biết đến hết 2023, toàn Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán (TKTT) của khách hàng cá nhân, tương ứng với 87,08% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng; nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển của các dịch vụ TTKDTM, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro, thách thức không nhỏ về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dân với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp.

Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động TTKDTM, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã và đang tổ chức triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ, bao gồm 04 nhóm chính: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện; Triển khai các giải pháp công nghệ và cơ chế phối hợp; Tuyên truyền, cảnh báo phòng, chống tội phạm lừa đảo; Phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng, chống lừa đảo qua mạng.

Trong 05 năm qua, NHNN đã có hơn 90 lượt văn bản chỉ đạo, cảnh báo về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các đơn vị trong Ngành, trong đó yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin cho toàn thể nhân viên và khách hàng của ngân hàng.

Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng. NHNN đã và đang phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện hàng trăm tin, bài, phóng sự truyền hình hoặc tổ chức các chương trình, sự kiện trong đó có nội dung phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng

Về phía các TCTD cũng thường xuyên, liên tục thực hiện công tác truyền thông tới khách hàng về các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử qua website, ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking...

Nhiều giải pháp để nâng cao an toàn, bảo mật

Trước hết, ngành tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị trong ngành ngân hàng triển khai các giải pháp công nghệ mới nhằm nâng cao năng lực bảo vệ khách hàng, phòng chống lừa đảo, gian lận trong hoạt động ngân hàng.

Đồng thời triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thống đốc NHNN chỉ đạo tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng (Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021); Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06/QĐ-TTg.

Nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong ngành Ngân hàng về vai trò, lợi ích của công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng. Trong đó, vai trò của người đứng đầu phải có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực phụ trách.

Tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số một cách an toàn, đúng quy định pháp luật, đồng thời nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trước những rủi ro an ninh, an toàn thông tin, các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo phổ biến mới xuất hiện liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Tăng cường hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ mới về lĩnh vực an ninh, an toàn thông tin.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm