Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cảnh báo người dân và người nộp thuế về sử dụng hoá đơn không hợp pháp

H.N

Thứ ba, 11/06/2024 - 18:00

(Thanh tra) - Ngày 11/6, Tổng cục Thuế có cảnh báo tới người dân, người nộp thuế về sử dụng hoá đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

Ảnh minh hoạ: Internet

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, phần lớn người dân và người nộp thuế đã tuân thủ tốt việc sử dụng hoá đơn điện tử (HĐĐT) và pháp luật về thuế. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người nộp thuế có hành vi gian lận HĐĐT nhằm mục đích trốn thuế và chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), hợp pháp hoá các khoản chi phí để chiếm đoạt tiền ngân sách Nhà nước (NSNN).

Việc sử dụng hoá đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn không chỉ gây thất thu cho NSNN, mà còn gây ra tình trạng thiếu công bằng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm quy định về hóa đơn.

Để cảnh báo người dân và người nộp thuế về sử dụng hoá đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn, Tổng cục Thuế khuyến cáo một số vấn đề.

Nhận diện các hình thức, đối tượng

Đối tượng bán hóa đơn không hợp pháp:

Thành lập một hoặc chuỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh thông qua việc sử dụng giấy chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân của một số người thiếu hiểu biết, hám lợi, bị mất cắp hoặc giả mạo, hoạt động trong một chu kỳ ngắn rồi bỏ trốn, mất tích. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này thường có cùng một địa chỉ hoặc văn phòng ảo, kinh doanh nhiều ngành hàng nhưng không có cửa hàng, không có kho hàng, không có phương tiện vận chuyển và thường xuyên thay đổi địa điểm nhưng không thay đổi cơ quan quản lý thuế để tránh việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, cơ quan chức năng.

Mua lại các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động yếu kém, sắp giải thể, phá sản sau đó thay đổi người đại diện pháp luật với mục đích để bán hóa đơn không hợp pháp.

Thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các vùng, miền có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt thuỷ hải sản, nguyên nhiên vật liệu,… nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc hàng ghi trên các hóa đơn không hợp pháp, tránh nghi ngờ, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực tế có hoá đơn đầu ra ít hơn hoá đơn đầu vào như bán lẻ, kinh doanh ăn uống, xăng dầu, cơ sở dịch vụ như khách sạn, nhà nghỉ,… và có nhu cầu bán hóa đơn khống theo yêu cầu không hợp pháp của khách hàng.

Đối tượng mua, sử dụng hóa đơn không hợp pháp:

Là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai thuế GTGT đầu vào, hoàn thuế GTGT nhằm chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước; hợp pháp hoá các khoản chi phí không có hoá đơn, chứng từ, các khoản chi khống làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác; hợp thức hoá các hàng hoá, dịch vụ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hợp pháp hoá hàng nhập lậu, gian lận thương mại; hàng hoá khai thác trái phép,… hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Một số đơn vị sử dụng vốn NSNN sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức hóa các khoản chi.

Các hình thức mua bán hóa đơn không hợp pháp:

Công khai hoặc lập các hội, nhóm kín trên mạng xã hội để thông tin và giao dịch.

Trực tiếp giao dịch hoặc thông qua những đối tượng trung gian.

Hậu quả của việc mua bán, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn

Không phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế, mất công bằng trong kinh doanh, thất thu thuế, tiếp tay cho buôn lậu, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.

Người mua, bán, sử dụng hoá đơn không hợp pháp sẽ bị xử lý hành chính về thuế, xử lý hình sự và bị xã hội lên án.

Các biện pháp của cơ quan thuế

Thứ nhất, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, xác định tổ chức, cá nhân có rủi ro cao trong việc mua bán hóa đơn để xử lý.

Trên cơ sở dữ liệu HĐĐT mua vào, bán ra và các thông tin về người nộp thuế đang được lưu trữ tại cơ quan thuế, cơ quan thuế xây dựng các công cụ, ứng dụng phần mềm,... thực hiện phân tích, rà soát, đối chiếu dữ liệu HĐĐT để: Xác định người nộp thuế có rủi ro cao trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kiểm tra, thanh tra; xác định người nộp thuế có sai lệch thông tin dữ liệu giữa hồ sơ khai thuế GTGT và HĐĐT, yêu cầu người nộp thuế khai đúng, khai đủ, không trì hoãn thời gian nộp thuế; xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao do có giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra so với giá trị hàng hóa tồn kho và giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào vượt ngưỡng an toàn để cảnh báo và kiểm tra, xử lý.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tổng hợp, phân tích dữ liệu lớn về HĐĐT để đánh giá, phân tích, rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong việc mua bán hóa đơn để từ đó có các biện pháp quản lý phù hợp, kịp thời để đấu tranh, phòng chống, ngăn chặn, phát hiện các hành vi mua bán hóa đơn, gian lận HĐĐT của người nộp thuế.

Cơ quan thuế công khai danh sách doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế và cơ quan thuế các cấp để người dân và người nộp thuế biết.

Thứ hai, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý việc mua bán hóa đơn.

Cơ quan thuế tiếp tục tăng cường công tác phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn với cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng có liên quan (hải quan, ngân hàng,...) để truy vết, xử lý người nộp thuế mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hoá đơn.

Trong thời gian tới, cơ quan Thuế sẽ tiếp tục phối hợp cung cấp danh sách người nộp thuế có rủi ro cao về hóa đơn sang cơ quan công an để tiến hành rà soát, điều tra, xử lý nghiêm nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp với cơ quan công an trao đổi cung cấp thông tin khi ban hành các thông báo, các quyết định liên quan đến các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật cho cơ quan thuế.

Tăng cường việc phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và hóa đơn giữa cơ quan thuế các cấp, cơ quan thuế quản lý các địa bàn khác nhau. Cảnh báo người nộp thuế chủ động rà soát, kiểm tra hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế và hóa đơn để thực hiện xác định nghĩa vụ thuế đúng quy định.

Có đủ chế tài để xử lý đối với hành vi mua, bán, sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp

Tại Điều 6, Điều 17, khoản 4 Điều 29 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; Trách nhiệm của người nộp thuế; Nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân khác; Tại khoản 7, khoản 8, khoản 9 Điều 3 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hoá đơn, chứng từ đã giải thích về hoá đơn, chứng từ hợp pháp; hoá đơn, chứng từ giả; việc sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hoá đơn, chứng từ. 

Tại Điều 142, Điều 143 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về xử lý hành chính đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu và hành vi trốn thuế.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 với 4 khung hình phạt chính có mức phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm đến tù có thời hạn đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trường hợp người phạm tội có hành vi cấu thành tội trốn thuế, người phạm tội sẽ bị xét xử về tội trốn thuế theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đối bổ sung năm 2017.

Đối với cá nhân, người phạm tội bị xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 7 năm.

Người phạm tội cón có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội trốn thuế thì bị xét xử đối với 4 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. 

Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp bước vào giai đoạn "nước rút" cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh mùa cao điểm, nhu cầu về vốn vì thế cũng tăng đột biến. Gói ưu đãi lãi suất đặc biệt với tổng hạn mức 6000 tỷ đồng đã được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai từ nay cho đến 31/1/2025 nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

16:43 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm