Theo dõi Báo Thanh tra trên
Phương Thảo
Thứ năm, 31/10/2024 - 10:03
(Thanh tra) - Cách hiểu về việc áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) chắc chắn dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường là chưa đúng với phương pháp hạch toán chuyên môn, ngoài ra, đánh giá tác động chính sách này còn cần tầm nhìn xa hơn cho ngành nông nghiệp.
Áp thuế GTGT 5% có thể giúp chi phí sử dụng phân bón trong nước của người nông dân ước giảm hàng trăm tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Về dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đối với phân bón, có ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, đây là loại thuế gián thu mà người cuối cùng phải chịu là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường.
Tuy nhiên cũng có ý kiến ĐBQH khác lập luận ngược lại chưa hẳn việc này là nguyên nhân trực tiếp làm tăng giá bán phân bón, bởi đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế 5% sẽ được khấu trừ đầu vào thông thường là 10%, chúng ta chỉ thu 5 đồng, như vậy sẽ được lợi cho giá sản phẩm.
Với thị phần phân bón trong nước đang chiếm khoảng hơn 70%, áp thuế GTGT 5% sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được lợi. Người nông dân được thụ hưởng từ việc nhiều chi phí hiện hành của doanh nghiệp không phản ánh vào giá phân bón. Doanh nghiệp có dư địa giảm giá sản phẩm trong nước và cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu. Lúc này, nền sản xuất nông nghiệp trong nước có được sự chủ động, đây là điều sâu xa nhất để người nông dân được hưởng lợi lâu dài.
Cách hiểu “tăng thuế sẽ chắc chắn làm tăng giá bán” là cách nghĩ nôm na theo hướng cứ áp thuế là cộng thêm vào giá thành sản phẩm. Thực tế, đo lường tác động chính sách thuế GTGT 5% với phân bón cần đánh giá trên phương thức hạch toán thuế - giá thành và căn cứ tính toán con số cụ thể.
Theo chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được, Trưởng Ban Chính sách Hội Tư vấn và Đại lý thuế TP HCM phân tích, với việc miễn thuế suất GTGT, ví dụ giá bán sản phẩm phân bón của doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu chưa bao gồm GTGT đều là 100 đồng, trong đó, giá trị đầu vào là 80 đồng, dự kiến lợi nhuận ban đầu là 20 đồng.
Nếu doanh nghiệp sản xuất trong nước không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, chi phí phải trả thêm là 8 đồng tiền thuế GTGT không được khấu trừ, giá thành tăng, lợi nhuận giảm. Để bảo đảm mục tiêu lợi nhuận, giá bán phải cộng 8 đồng để bù đắp chi phí thuế. Do vậy, thực tế giá sản phẩm đến tay người nông dân sẽ tăng là 108 đồng khiến người nông dân phải chịu thiệt thòi khi phải trả giá cao hơn.
Với mức giá 108 đồng, doanh nghiệp sản xuất trong nước mới bảo đảm lợi nhuận mục tiêu để duy trì sản xuất, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu chỉ cần mức giá 100 đồng. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhập khẩu tính giá theo cơ chế thị trường, họ cũng có thể tăng giá bán lên 108 đồng, khi đó người nông dân vẫn phải trả thêm 8 đồng thuế đối với các sản phẩm phân bón nhập khẩu do chính sách thuế.
Ở trường hợp áp thuế suất GTGT 5% theo giả thuyết trên là 5 đồng, thuế GTGT đầu vào vẫn là 8 đồng, do chính sách được hoàn thuế, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ có 8 đồng đầu vào được khấu trừ với 5 đồng đầu ra và được hoàn lại 3 đồng. Khi đó, giá bán của sản phẩm phân bón là 105 đồng và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn bảo đảm 20 đồng.
Chiều ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu không bị ảnh hưởng lớn bởi chính sách này vì khi nhập khẩu chịu thuế GTGT 5% và khi bán ra cũng chịu thuế GTGT 5%, về cơ bản giá bán vẫn là 105 đồng và lợi nhuận là 20 đồng. Trong khi đó, tỷ trọng phân bón nhập khẩu hiện chỉ chiếm 27% thị phần trong nước, điều này cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa dẫn dắt điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón.
Theo nghiên cứu của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID/IPSC) ước tính từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa, sau khi khấu trừ các khoản được hoàn thuế GTGT, đối với người nông dân sử dụng chủ yếu phân bón trong nước, giá bán các loại phân bón giữ nguyên hoặc giảm, từ đó giúp chi phí sử dụng phân bón trong nước ước giảm 453 tỷ đồng.
Như vậy, không có cơ sở hay phương thức hạch toán nào nói lên “áp thuế GTGT 5% chắn chắn làm tăng giá phân bón” như ý kiến của một số ít ĐBQH lo ngại. Ngược lại, đây còn là cơ sở để doanh nghiệp nội địa đang cung ứng 73% tỷ trọng phân bón trong nước có thể tiết giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá thành sản phẩm tới tay người nông dân.
Nhìn lại bài học thực tiễn miễn thuế GTGT phân bón gần 10 năm qua
Bài học trong gần 10 năm áp dụng chính sách miễn thuế GTGT phân bón đã cho thấy rõ những bất cập này về mặt bằng giá bán và tương lai ngành nông nghiệp. Không áp thuế GTGT phân bón đem lại lợi ích cho người nông dân hay ngược lại là câu hỏi được đặt ra khi nhìn lại thời gian qua.
Ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, từ sau năm 2014 áp dụng Luật Thuế 71/2014/QH13 đến nay, giá phân bón đã tăng đến 30%.
“Trước năm 2014, chi phí phân bón dành cho canh tác trên 1 sào trồng rau (0,1ha) chỉ khoảng 300.000 đồng trong tổng số 1 triệu đồng, bao gồm tất cả các chi phí đầu vào. Từ sau năm 2014, giá phân bón tăng khiến chi phí này đội lên gần 500.000 đồng. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí phân bón đã tăng từ 30-35% ăn mòn vào lợi nhuận của bà con”, ông Hồng nêu dẫn chứng và kiến nghị Nhà nước, các bộ/ngành hỗ trợ nông dân, nông nghiệp các chính sách từ gốc.
Trong phiên thảo luận Quốc hội về dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) ngày 29/10/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng chỉ ra khi đang thực hiện không thu thuế đối với mặt hàng phân bón giai đoạn 2018-2022, giá phân đạm ure vẫn tăng từ 19,71-43,6%.
Ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cao cấp về thuế, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Bộ Tài chính) khẳng định, với kinh nghiệm gần 20 năm làm chính sách tài chính có thể thấy quy định miễn thuế GTGT phân bón trong Luật Thuế 71/2014/QH13 không đúng kỳ vọng của nhiều nhà khoa học và người làm luật.
Theo vị chuyên gia này, thuế GTGT có tính chất liên hoàn, số thuế GTGT phải nộp bằng số thuế đầu ra trừ số thuế đầu vào. Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ thuế GTGT đã nộp ở đầu vào.
Nếu phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp không phải nộp thuế ở đầu ra, nhưng đầu vào mua nguyên liệu để sản xuất phải nộp thuế GTGT 5% hoặc 10% thì không được khấu trừ. Doanh nghiệp buộc phải cộng thêm chi phí vào sản xuất, tăng giá bán tới người nông dân. Như vậy, miễn thuế GTGT phân bón tưởng là ưu đãi nhưng hóa ra lại là “ngược đãi” với cả doanh nghiệp và người nông dân.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã CK: CTG) vừa được vinh danh tại 2 giải thưởng “Top 10 doanh nghiệp có Báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành Tài chính” và “Tiến bộ vượt trội dành cho Báo cáo thường niên” tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm (VLCA) 2024 do Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức.
Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
14:29 22/11/2024(Thanh tra) - Góp ý tại tổ về Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sáng 22/11, đại biểu Quốc hội đề nghị áp dụng một mức thuế ưu đãi chung với báo chí là 10%, và có thể giảm sâu hơn nữa.
Hương Giang
11:45 22/11/2024Hương Giang
09:25 22/11/2024Bài và ảnh: Nguyễn Nhị
PV
Chu Tuấn - Quang Dân
Nhật Minh
N. Phê - L. Bình
Trần Quý
Thái Hải
Văn Thanh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trần Quý