Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc (BAI) ngày 14/11 cho biết, các quan chức của 8 cơ quan, tổ chức, bao gồm cả Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO), đã điều hành hoạt động kinh doanh tấm pin năng lượng mặt trời. Họ sử dụng tên của chính mình hoặc nhờ người thân đứng tên.
Trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Moon Jae-in (nhiệm kỳ tháng 5/2017 - 5/2022), việc thúc đẩy năng lượng tái tạo là một trong những nội dung quan trọng của chương trình nghị sự.
Năng lượng mặt trời không chỉ được coi là năng lượng sạch và thân thiện với môi trường mà còn là cơ hội đầu tư sinh lợi tiềm năng, với sự ổn định và triển vọng lâu dài. Các dự án năng lượng mặt trời được Chính phủ khi đó hỗ trợ mạnh mẽ.
Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc dẫn chứng trường hợp cụ thể, tại đó một quan chức của Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đã vận hành 6 trạm năng lượng mặt trời dưới tên người thân sau khi sử dụng thông tin nội bộ, thu về khoản lợi nhuận tổng cộng là 880 triệu won (662.000 USD).
Trước thông tin từ cơ quan kiểm toán, thanh tra; Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc đã đưa ra lời xin lỗi và tuyên bố, đang điều tra các quan chức bị tình nghi vi phạm quy định, ra quy định cấm quan chức đảm nhiệm chức vụ kép.
Tập đoàn cũng cho biết, đang thực hiện chính sách xử phạt nghiêm khắc (được gọi là chính sách “one-strike-out”), bao gồm quy định sa thải các quan chức nếu phát hiện ra hành vi sai trái cố ý và nghiêm trọng.
Thông báo của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra còn chỉ ra rằng, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc đã thúc đẩy mục tiêu đầy tham vọng là giảm phát thải khí nhà kính, mặc dù biết rằng khả năng đạt được rất mong manh, phần lớn là do chương trình, mục tiêu của Chính phủ Tổng thống Moon Jae-in.
Vào tháng 7/2017, chính quyền của ông Moon đã đưa ra mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% vào năm 2030.
Đến tháng 12 năm đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng đã công bố kế hoạch chi tiết cho lộ trình năng lượng mới của mình, nhằm tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo từ 7% lên 20% vào năm 2030.
Năm 2021, bộ này đã nâng mức mục tiêu là 30%, Hãng tin Yonhap cho biết.
Vào thời điểm đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng tuyên bố sẽ xây dựng thêm nhiều trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên toàn quốc để tăng gần gấp 3 tỷ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2030, một dự án ước tính trị giá 110 nghìn tỷ won.
Tuy nhiên, cuộc kiểm toán của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra hôm 13/11 tiết lộ, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng nhận thức được rằng mục tiêu này không khả thi khi xem xét một số quy định đối với khu vực miền núi và tồn tại sự chậm trễ trong các dự án điện gió quy mô lớn.
Ủy ban đánh giá, có việc “theo đuổi mục tiêu [tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo] một cách mạnh mẽ trong một thời gian ngắn, thay vì đặt ra mục tiêu thực tế và tiến hành với tốc độ phù hợp”.
Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra cũng cho biết thêm, đã thông báo cho Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng để thiết lập các mục tiêu chính sách sau khi đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi của các dự án năng lượng dựa trên cơ sở hợp lý.
Trước đó, hồi tháng 7/2023, Văn phòng Điều phối Chính sách của Chính phủ thuộc Văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc thông báo rằng, một cuộc điều tra trên toàn quốc đã xác định 5.359 trường hợp vi phạm trong việc chi tiêu quỹ năng lượng của Chính phủ từ năm 2019 đến năm 2021.
Văn phòng đã thành lập một đội đặc nhiệm để xem xét các cáo buộc tham nhũng xung quanh việc chi tiêu khoản trợ cấp như một phần của việc thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Cuộc điều tra mở rộng được đưa ra sau khi kết thúc cuộc điều tra "điểm", giới hạn ở một khu vực cụ thể và được công bố vào tháng 9 năm ngoái. Vào thời điểm đó, 2.267 trường hợp sai phạm trong quản lý quỹ ở 12 chính quyền địa phương đã được phát hiện, với số tiền quỹ sử dụng sai mục đích lên tới 261,6 tỷ won.
Kết quả của cả hai cuộc điều tra cho thấy 7.626 điểm bất thường trong toàn bộ thời kỳ 5 năm của chính quyền trước đó đã dẫn đến việc 844 tỷ won tiền quỹ của Chính phủ bị sử dụng bất hợp pháp hoặc sai mục đích.
Cuộc điều tra mở rộng cũng kiểm tra các cơ quan Chính phủ lớn liên quan tới năng lượng, với hầu hết trường hợp dính líu đến việc thực hiện các khoản vay bất hợp pháp, phân bổ trợ cấp bất hợp pháp và quản lý lỏng lẻo các dự án R&D (dự án nghiên cứu và phát triển).
Đáng chú ý, Văn phòng báo cáo rằng 489,8 tỷ won tiền của Chính phủ đã được cho vay bất hợp pháp cho các dự án năng lượng mặt trời thông qua hóa đơn thuế giả và các cách thức khác từ năm 2019 đến 2021.