Triển khai đồng bộ các biện pháp PCTN, lãng phí

Báo cáo công tác PCTN của UBND tỉnh Điện Biên cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022 công tác PCTN, lãng phí đã được các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện.

Các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện công tác PCTN theo quy định của Đảng, Nhà nước, các chủ trương, giải pháp PCTN, lãng phí cơ bản được triển khai đồng bộ. 

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN được quan tâm; công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đạt được những kết quả tích cực. 

Toàn tỉnh đã ban hành 57 kế hoạch công tác PCTN với nội dung và giải pháp cụ thể để thực hiện cho từng ngành, địa phương; 89 văn bản chỉ đạo về công tác PCTN, 29 kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực, trong đó có các cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. 

Tổ chức 18 lớp tuyên truyền pháp luật về PCTN và các buổi tuyên truyền pháp luật, trong đó có lồng ghép nội dung về PCTN cho 1.080  lượt cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã sản xuất phát sóng 6 chuyên mục về PCTN và lãng phí; 

Ban hành mới 89 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 85 cán bộ, công chức, viên chức; ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo về công tác cải cách hành chính, rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính, đẩy mạnh việc ứng dụng phần mềm TD-office, phát hành văn bản điện tử. 

Ngành Thanh tra đã tham mưu cho cơ quan, chính quyền cùng cấp ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai, thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tổ chức việc kê khai tài sản thu nhập theo quy định. Chỉ đạo thanh tra các sở, ban ngành, Thanh tra cấp huyện báo cáo kết quả công tác phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực sang cơ quan điều tra.

Triển khai thực hiện 3 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng tại 5 đơn vị. 

Vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và người dân trong PCTN từng bước được phát huy nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và người dân về công tác PCTN tiếp tục được nâng lên, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong việc làm, hành động.

Nguy cơ tiềm ẩn về tham nhũng

Qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; qua công tác thanh tra; qua xem xét phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng; qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo… trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh Điện Biên không phát hiện hành vi tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trên địa bàn tỉnh cũng chưa phát sinh người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Tuy nhiên tình hình tội phạm về tham nhũng vẫn xảy ra, 6 tháng đầu năm, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố 2 vụ án 3 bị can: 1 vụ án 2 bị can về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; 1 vụ 1 bị can về tội tội “giả mạo trong công tác”.

Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh truy tố 2 vụ/3 bị can.

Toà án nhân dân hai cấp đã xét xử giải quyết 2 vụ, 5 bị cáo.

Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện được là 2.763.164.000 đồng; đến nay đã thu hồi đạt 100%.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Điện Biên, công tác PCTN trên địa bàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chương trình, kế hoạch thực hiện của một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa đề ra được các biện pháp cụ thể, hữu hiệu, phù hợp với đơn vị mình để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả.

Việc phát hiện vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng qua hoạt động thanh tra, tự kiểm tra nội bộ còn hạn chế, việc phát hiện hành vi tham nhũng chủ yếu qua đơn tố cáo hoặc khi có cơ quan chức năng thực hiện điều tra mới phát hiện. 

Việc tổ chức thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị hiệu quả mang lại còn hạn chế. 

Việc tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng còn chưa thường xuyên. 

Nguyên nhân được xác định do một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

Lực lượng công chức làm công tác thanh tra, PCTN ở cấp huyện, cấp sở thường xuyên có biến động dẫn đến những công chức mới công tác trong ngành thiếu kinh nghiệm trong thực tiễn; năng lực, trách nhiệm một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ còn hạn chế. 

Người dân, cán bộ, công chức vẫn còn có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác đấu tranh PCTN. 

Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi; chủ yếu người vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn có mối quan hệ rộng, có kinh nghiệm trong việc khai thác kẽ hở pháp luật và, che dấu hành vi vi phạm phạm, do đó gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện. 

Dự báo tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh vẫn có nguy cơ tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: Đất đai, đầu tư công, mua sắm tài sản công, công tác cán bộ, luân chuyển cán bộ…

Trần Kiên