Tháng 3 năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu Sở Tài chính, UBND TP Đông Hà và UBND các huyện: Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, Đakrông và Hướng Hóa cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án trồng và chăm sóc cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến nay.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, việc báo cáo, cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ này là thực hiện theo công văn của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.

Trong đó, cơ quan an ninh yêu cầu cung cấp quy trình thực hiện và đơn vị thực hiện các dự án này; các nhà thầu trúng thầu, thi công dự án trồng và chăm sóc cây xanh; hồ sơ theo dõi dự án, hồ sơ dự án. Các đơn vị, cá nhân thuộc UBND tỉnh Quảng Trị (từ cấp tỉnh đến cấp huyện/thị xã) có liên quan đến việc thực hiện dự án.

Tại huyện Hướng Hóa, theo báo cáo của huyện này, trên cơ sở nguồn vốn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện hàng năm để thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, UBND huyện đã phân bổ cho Ban Quản lý dự án, Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp (Ban QLDA) huyện để thực hiện chỉnh trang đô thị tại thị trấn Khe Sanh và thị trấn Lao Bảo.

Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, Ban QLDA lập hồ sơ dự toán, trình thẩm định và phê duyệt dự án. Tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng. Phương thức một giai đoạn, một túi hồ sơ.

leftcenterrightdel
 Dự án sân vườn trụ sở HĐND và UBND huyện Gio Linh cũng nằm trong danh sách báo cáo của UBND tỉnh Quảng Trị gửi Bộ Công an. Ảnh: Minh Tân

Theo lãnh đạo UBND huyện Hướng Hóa việc thực hiện ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu thanh toán theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản có liên quan. Các dự án trồng cây xanh đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần công tác chỉnh trang đô thị, nâng cao mỹ quan, tạo không gian xanh… tạo nên điểm nhấn mỹ quan đô thị.

Đối với các dự án trồng và chăm sóc cây xanh có tổng nguồn vốn phân bổ từ năm 2020 - 2023 là trên 13,8 tỷ đồng với 4 dự án qua các năm 2020, 2021, 2022 và 2023. Chủ đầu tư là UBND huyện Hướng Hóa, Ban QLDA và nguồn vốn chi để thực hiện: Kinh phí chỉnh trang đô thị ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện.

Trong đó, năm 2020 dự án chỉnh trang đô thị thị trấn Khe Sanh do Công ty TNHH Cây xanh Tây Nam bộ thực hiện với giá trị hợp đồng là hơn 2,5 tỷ đồng; năm 2021 dự án chỉnh trang đô thị do Công ty TNHH Môi trường An Nguyên thực hiện với giá trị ký hợp đồng là hơn 2,64 tỷ đồng; dự án chỉnh trang đô thị năm 2022 do Công ty TNHH Cây xanh Kiên Giang thực hiện với giá trị ký hợp đồng là trên 2,6 tỷ đồng và chỉnh trang đô thị năm 2023 do Công ty TNHH HABICO thực hiện với giá trị ký hợp đồng là gần 4 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND huyện Hướng Hóa cũng báo cáo kèm danh sách nhân sự có thẩm quyền tham gia chỉ đạo thực hiện, thanh quyết toán dự án trồng cây xanh. Trong đó, là lãnh đạo UBND huyện qua các thời kỳ và lãnh đạo Ban QLDA huyện.

Tương tự, ở những địa phương khác, các dự án trồng và chăm sóc cây xanh được các địa phương do UBND các huyện làm chủ đầu tư hoặc giao cho các phòng, ban khác nhau làm chủ đầu tư. Đơn cử, tại Đakrông dự án do UBND huyện làm chủ đầu tư; tại TP Đông Hà giao Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp Khuyến công và Dịch vụ công ích làm chủ đầu tư; tại huyện Hải Lăng, Gio Linh do UBND huyện Gio Linh và Trung tâm Môi trường và Đô thị làm chủ đầu tư…

Tại huyện Đakrông, đã triển khai 3 dự án trồng cây xanh sử dụng từ nguồn vốn ngân sách với tổng mức đầu tư là 7,8 tỷ đồng; tại huyện Gio Linh với 8 dự án với gần 18 tỷ đồng; tại huyện Triệu Phong 7 dự án với gần 14 tỷ đồng; tại TP Đông Hà 5 dự án với gần 11 tỷ đồng…

leftcenterrightdel
 Một số cây xanh thuộc dự án triển khai tại Gio Linh mà Bộ Công an yêu cầu báo cáo bị chết nhưng vẫn chưa được trồng thay thế. Ảnh: Minh Tân

Tại 7 huyện, thành phố nói trên từ năm 2019 - 2023 có trên 30 dự án với tổng giá trị hợp đồng là hơn 80 tỷ đồng. Các gói thầu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu thông thường, phương thức rút gọn hoặc mời thầu qua mạng trên hệ thống đấu thầu Quốc gia.

Các dự án trồng và chăm sóc cây xanh ở các địa phương trên có điểm chung, là phần lớn do các doanh nghiệp ngoại tỉnh thực hiện, như: Công ty TNHH Môi trường Đô thị Phú Quốc, Công ty TNHH Môi trường An Nguyên, Công ty TNHH Cây xanh Tây Nam bộ, Công ty TNHH Môi trường An Nguyên, Công ty TNHH Phát triển đô thị Nghệ An, Công ty TNHH Cây xanh Kiên Giang…

Được biết, dư luận khá quan tâm khi đơn giá cây xanh, trong đó có cây xanh của huyện Hướng Hóa tại dự án năm 2020 có đơn giá hơn 30 triệu đồng và gần 100 triệu đồng.

Tương tự, dư luận tại địa bàn huyện Gio Linh cũng băn khoăn khi ngay trước khuôn viên trụ sở HĐND và UBND huyện Gio Linh cũng được trồng 2 cây tùng la hán có đơn giá trên 80 triệu đồng/cây và các cây cảnh khác có đơn giá khoảng 15 triệu đồng/cây.

Đây là dự án, công trình sân vườn trụ sở HĐND và UBND huyện Gio Linh thực hiện trong năm 2023 với giá trị ký hợp đồng là trên 900 triệu đồng. Tuy nhiên, người dân cho rằng ngoài 2 cây tùng la hán phát triển tốt thì nhiều cây xanh phát triển kém hoặc có dấu hiệu chết khô. Bên cạnh đó, một số cây xanh trồng dọc hồ trung tâm thị trấn Gio Linh ở dự án cây xanh khác cũng đã bị chết khô nhưng chưa được thay thế.

Minh Tân