Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhiều vướng mắc khi thu hồi tài sản trong vụ án tham nhũng, kinh tế

Hương Giang

Thứ sáu, 10/09/2021 - 06:38

(Thanh tra) - Chính phủ vừa có các báo cáo gửi cơ quan của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng; thi hành án năm 2021. Một trong những vấn đề được quan tâm là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.

Ảnh minh hoạ: Internet

Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp

Theo các báo cáo của Chính phủ, năm 2021, công tác thi hành án nói chung, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng tiếp tục được các cơ quan chức năng chú trọng. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.

Số liệu kết quả thi hành án liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng (tính trong kỳ báo cáo từ 1/10/2020 đến 31/7/2021), cho thấy 3.047 việc có điều kiện thi hành với tổng số tiền, giá trị tài sản trên 33.234 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được hơn 2.008 tỷ đồng.

Mới đây, tại phiên họp mở rộng của Thường trực Uỷ ban Tư pháp thẩm tra sơ bộ các báo cáo nói trên của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nói, các vụ án kinh tế, tham nhũng “hết sức đặc thù”, số tiền phải thi hành án trong loại án này chiếm 24,5%, nhưng chỉ tập trung chủ yếu vào hai địa bàn là TP HCM và Đà Nẵng, với những đại án như Phan Văn Anh Vũ, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn...

Trong đó, vụ Phan Văn Anh Vũ có 3 tài sản là nhà, đất tại TP HCM với giá trị ước đạt trên 6.000 tỷ đồng; các khu đất tại Đà Nẵng có giá trị ước đạt trên 1.100 tỷ đồng. Vụ Phạm Công Danh giai đoạn 1 và 2 với tài sản tại Đà Nẵng có giá trị ước đạt 7.500 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, những công việc này được thực hiện trong những tháng giữa năm 2021, nhưng do dịch COVID -19 bùng phát nên chưa thực hiện được theo tiến độ.

“Chúng tôi cố gắng thực hiện và dự báo nếu sau 15/9 nới lỏng giãn cách, anh em giao được tài sản thì giá trị thi hành sẽ tăng lên đáng kể cho năm 2021 này. Tuy nhiên, kết quả phải cố gắng tập trung xử lý trong năm 2022”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.

Dịch COVID-19 “ảnh hưởng lớn” đến thi hành án dân sự

Vẫn theo ông Khôi, bên cạnh do còn một bộ phận cán bộ, công chức thi hành án chưa làm hết trách nhiệm hay có sai sót, vi phạm, thì dịch COVID-19 là nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến thi hành án nói chung khiến kết quả năm 2021 đạt thấp.

“Với thi hành án dân sự, anh em chủ yếu tác nghiệp ở thực địa, xác minh điều kiện thi hành án, làm việc trực tiếp với các bên đương sự để động viên, thuyết phục, xác minh tài sản, tiến hành kê biên, định giá và xử lý tài sản… Hàng loạt hoạt động phải đến thực địa và phải phối hợp rất nhiều với tổ chức, cá nhân”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho hay.

Nhưng đại dịch diễn biến phức tạp, nhất là ở các địa phương như TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng… có lượng việc, tiền phải thi hành án lớn (chiếm tới 80% lượng việc, tiền của cả nước) nên ảnh hưởng đến kết quả chung.

“Đặc biệt địa bàn TP HCM, từ khi thực hiện giãn cách xã hội đến nay, hầu như anh em không tác nghiệp được gì, không thu được khoản thi hành án nào”, Thứ trưởng Khôi nêu.

Thứ trưởng Khôi thông tin Bộ Tư pháp đã chỉ đạo trong thời gian giãn cách xã hội, cơ quan thi hành án tập trung rà soát, chuẩn bị hồ sơ tài liệu, làm việc trực tuyến với các cơ quan phối hợp, để khi nới lỏng giãn cách, trong hoàn cảnh cho phép thì tổ chức triển khai hết trách nhiệm, nâng kết quả thi hành án lên.

Gỡ loạt vướng mắc, thu hồi tài sản tham nhũng sẽ tăng lên

Vấn đề nữa, các bộ, ban, ngành phải phối hợp để xử lý hàng loạt vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản. Chẳng hạn, hiện chưa có cơ chế uỷ thác xử lý tài sản để xử lý đồng thời các tài sản ở nhiều địa phương khác nhau. Hay xử lý các dự án đã được kê biên nhưng vẫn chưa đền bù, giải toả hết, chưa hoàn tất…

“Nếu tháo gỡ được những vướng mắc này, kết quả thi hành án thu hồi tài sản tham nhũng sẽ tăng lên”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nhận định, và dẫn chứng việc xử lý Sân vận động Chi Lăng trong vụ án Phạm Công Danh để bảo đảm khoản thi hành án 4.000 tỷ đồng.

Theo ông Khôi, sau rất nhiều năm, Bộ Tư pháp phối hợp với Toà án, Viện Kiểm sát, làm việc với UBND TP Đà Nẵng, thì vừa rồi TP đã chỉ đạo giao mặt bằng sạch Sân vận động Chi Lăng để tổ chức thi hành án theo đúng bản án đã tuyên. Nhưng cũng vì dịch bệnh COVID-19 nên tới giờ này vẫn chưa tổ chức triển khai giao mặt bằng để tổ chức thi hành án.

Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam cho biết, năm 2022, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn nữa, trong đó có công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Chính phủ đề nghị TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, chú trọng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, kiểm soát tài sản, thu nhập, thi hành án để nâng cao hơn nữa hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, nhất là các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Các báo cáo trên của Chính phủ sẽ được thảo luận tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 này, trước khi trình ra kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

31 trường hợp cán bộ, chấp hành viên bị xử lý kỷ luật

Báo cáo của Chính phủ cho biết trong kỳ báo cáo, có 356 quyết định trong số gần 508.500 quyết định thi hành án thiếu chính xác, phải thu hồi, huỷ bỏ (chiếm tỷ lệ 0,07%).

Nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp cũng nhận định một bộ phận công chức, chấp hành viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn hạn chế về năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ thi hành án. “Có 31 trường hợp cán bộ, công chức thi hành án vi phạm bị xử lý kỷ luật, giảm 16 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 8 trường hợp vi phạm về nghiệp vụ thi hành án”, nhóm nghiên cứu cho biết. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tự tay chỉnh sửa làm thay đổi kết quả giám định

Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa tự tay chỉnh sửa làm thay đổi kết quả giám định

(Thanh tra) - Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Trung tâm Giám định Y khoa (GĐYK) tỉnh Thanh Hóa thừa nhận cá nhân đã tự tay chỉnh sửa, làm thay đổi nội dung khám và kết quả giám định trong các biên bản giám định y khoa gửi đi của 29 đối tượng so với biên bản GĐYK đang lưu trong hồ sơ giám định.

Văn Thanh

20:44 30/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm