Liên tiếp trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn; đưa và nhận hối lộ liên quan đến thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố.

Đơn cử, ngày 28/3/2024, TAND tỉnh Hưng Yên đã tổ chức xét xử đối với 9 bị cáo trong vụ án đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) tỉnh và chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, TP Hưng Yên; Chi cục Thuế khu vực TP Hưng Yên - Kim Động; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu.

Theo cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2019 đến tháng 2/2023, một số cán bộ tại các cơ quan này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi thỏa thuận và nhận tiền ngoài quy định của một số cá nhân, để “làm nhanh” các thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất, thủ tục cấp “sổ đỏ” và thủ tục tính thuế theo yêu cầu của cá nhân đưa tiền.

Các bị cáo đã hưởng lợi bất chính từ việc nhận hối lộ tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 7/2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nhận hối lộ, bắt tạm giam đối tượng Trần Trung Tấn, cán bộ Văn phòng ĐKĐĐ Hà Nội, Chi nhánh huyện Ứng Hòa.

Đối tượng Trần Trung Tấn bị cáo buộc đã yêu cầu người dân phải nộp 6 triệu đồng "tiền bôi trơn" cho một bộ hồ sơ làm “sổ đỏ”. Trước yêu cầu của Trần Trung Tấn, người này xin giảm xuống còn 5 triệu/bộ, rồi chuyển khoản 10 triệu đồng cho Tấn và sau một tuần thì được nhận sổ.

Tại cơ quan điều tra, Trần Trung Tấn khai đã nhận 10 triệu đồng của người dân đến làm thủ tục tách "sổ đỏ".

Gần đây nhất, ngày 7/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Tiên Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hưng Hà; Nguyễn Anh Hoàn, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Hưng Hà; Trần Đức Quang, nhân viên lao động tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Hưng Hà; Trần Thị Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Hà về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự.

Kết quả điều tra xác định, năm 2019, 2020 các bị can trên đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện trái các quy định của pháp luật về quản lý đất đai trong việc thẩm định hồ sơ, tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm (BHK) trên đất chuyên trồng lúa nước (LUC), chưa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với 6494,9 m2 đất giao trái thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 272 triệu đồng và tham mưu cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở không đúng đối tượng sử dụng đối với 2.880,2 m2 đất giao trái thẩm quyền, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.

Theo cơ quan điều tra, các diện tích đất trên sau đó được tách thành 30 thửa, giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhiều lần, cho nhiều người, ở nhiều địa phương khác nhau.

Từ một số vụ án nêu trên cho thấy, vấn nạn tham nhũng “vặt”, tình trạng đưa và nhận hối lộ trong lĩnh vực đất đai vẫn còn “nóng”, nhất là khi một số người dân vẫn có tâm lý chấp nhận “lót tay” cho nhanh được việc. Chính điều này đã hình thành nên một thói quen và những suy nghĩ tiêu cực phải chi tiền ra mới giải quyết được vấn đề.

Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023: Việc phải đưa "lót tay" khi làm thủ tục cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn là một tập quán phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố.

Báo cáo PAPI 2023 nêu, tỷ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi "lót tay" dao động từ 19 - 81% ở 61 tỉnh, thành phố (trừ tỉnh Quảng Ninh và Bình Dương không có số liệu). Trong đó, Tây Ninh là địa phương có tỷ lệ thấp nhất và Lâm Đồng là địa phương có tỷ lệ cao nhất năm 2023. Tỷ lệ phải "chung chi" cũng tăng lên ở 4 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Hòa Bình, Lâm Đồng và Quảng Trị) sau 3 năm (tính từ năm 2021) - báo cáo PAPI nhấn mạnh

Theo luật sư Nguyễn Quang Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội, để hạn chế những tiêu cực liên quan đến đất đai, trước hết các cơ quan chức năng cần cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm hết được quy trình, thủ tục làm giấy tờ. Đẩy mạnh việc thực hiện quản trị điện tử trong thủ tục hành chính công theo hướng dễ tiếp cận, toàn trình cho tất cả các đối tượng người dùng là công dân. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình làm thủ tục giấy tờ liên quan đến nhà đất để hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người dân và cán bộ nhân viên từ đó tránh nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

 

 

Bình An