Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thấy gì qua 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính

Trần Quý

Thứ bảy, 07/12/2024 - 20:29

(Thanh tra) - Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (PCTN), Bộ Tài chính đã đạt được những kết quả nhất định, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật PCTN.

Quang cảnh buổi làm việc của Tổ công tác Thanh tra Chính phủ với đại diện Bộ Tài chính về PCTN. Ảnh: TQ

Xử lý đối với 2.793 người có vi phạm, khuyết điểm

Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Luật PCTN của Bộ Tài chính tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác PCTN, lãng phí, trong giai đoạn 5 năm (tháng 7/2019 đến nay), Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực.

Trong 5 năm, các cơ quan, tổ chức của Bộ Tài chính đã tổ chức 3.084 lớp trực tiếp, kết hợp trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, học tập, quán triệt về chủ trương, đường lối của Đảng về PCTN, tiêu cực với 194.542 lượt cán bộ, công chức, viên chức trong ngành tham gia.

Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, trong kỳ báo cáo, toàn ngành Tài chính đã thực hiện luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với 52.406 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Rà soát và ban hành 71 quyết định công bố bãi bỏ 487 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 330 thủ tục hành chính; công bố mới 222 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý.  

“Lũy kế từ thời điểm Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 có hiệu lực, toàn Bộ Tài chính đã thực hiện tổ chức kê khai tài sản, thu nhập, tiếp nhận, nộp bản kê khai với 69.010 người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu, 136.910 bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm, 211.459 bản kê khai tài sản, thu nhập đã được nộp, 21 chức danh có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập thuộc quyền kiểm soát của Thanh tra Chính phủ”, ông Bình cho biết.

Thanh tra Bộ Tài chính và 5 tổng cục thuộc Bộ Tài chính đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập với 1.255 trường hợp. Trong đó, 1.215 trường hợp được xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch xác minh hàng năm, 40 trường hợp xác minh thuộc các trường hợp khác.

Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý, trong kỳ báo cáo, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra đã thực hiện 7.441 cuộc thanh tra, kiểm tra nội bộ; qua thanh tra, kiểm tra xử lý kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 2.744 người; khiển trách 31 người; cảnh cáo 13 người; giáng chức 1 người; buộc thôi việc 4 người. Các sai phạm được phát hiện chủ yếu trong việc chấp hành quy trình, thủ tục quy định trong thanh tra, kiểm tra; trong việc quản lý nợ, thu nợ; trong quản lý thu thuế đối với hộ kinh doanh, trong công tác cấp hóa đơn lẻ,...

Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra và việc phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, trong kỳ báo cáo, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 433.944 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 10,43 triệu hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu, bắt giữ 80.447 vụ; tổng số kiến nghị xử lý về tài chính 399.775 tỷ đồng. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước 119.660 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác (giảm trừ dự toán, giảm trừ cấp phát kinh phí, giảm trừ thanh quyết toán, không thanh toán, kiến nghị tài chính khác) là 273.565 tỷ đồng và xử phạt vi phạm hành chính 25.866 tỷ đồng. 

5 năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện 433.944 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 10,43 triệu hồ sơ khai thuế. Ảnh: TQ

Những khó khăn, vướng mắc, ý kiến, kiến nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, trong việc triển khai thực hiện Luật PCTN vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc như:

Còn thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ.

Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định rõ hơn các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kiểm soát xung đột lợi ích, phòng ngừa tham nhũng trong các tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, chuyển đổi vị trí công tác.

Các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, động viên, khen thưởng kịp thời người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo.

Việc hướng dẫn chi tiết để thực hiện pháp luật PCTN tại doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước còn hạn chế; còn doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước chưa quan tâm quán triệt và tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN theo quy định của pháp luật.

Các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình chưa khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng.

Với những khó khăn, vướng mắc nêu trên, tại buổi làm việc với Tổ công tác Thanh tra Chính phủ về PCTN, đại diện Bộ Tài chính, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, kiến nghị sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy trình xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập để việc triển khai xác minh tài sản, thu nhập thống nhất, đồng bộ.

Về công tác tổ chức thi hành pháp luật về PCTN, đại diện Bộ Tài chính kiến nghị, thực hiện rà soát cơ chế, chính sách, chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường kiểm soát quyền lực trong quản lý tài chính, tài sản công.

Tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương và các đơn vị ngành dọc thuộc Trung ương quản lý trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; xác định rõ cơ chế quản lý, cơ chế chịu trách nhiệm và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan, tổ chức đơn vị…

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 4: Vào cuộc giải cứu “đất vàng”

Bài 4: Vào cuộc giải cứu “đất vàng”

(Thanh tra) - Thành phố Hà Nội, với vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị của cả nước, đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi sự tận dụng tối đa nguồn lực, đặc biệt là quỹ đất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nhiều dự án trên các khu vực “đất vàng” tại những vị trí đắc địa với giá trị kinh tế cao lại bị bỏ hoang trong nhiều năm.

Đông Hà + Thanh Hoa

14:00 20/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm