Theo dõi Báo Thanh tra trên
Nhóm PV
Thứ bảy, 11/01/2025 - 13:39
(Thanh tra) - Ngoài việc để hàng loạt nhà thầu không tiến hành thi công xây dựng sau khi trúng thầu, công tác sử dụng vốn đầu tư công tại thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức cũng còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Cụ thể, nhiều dự án đã chậm tiến độ, thi công dang dở, dừng thi công kéo dài. Thậm chí, tại nhiều dự án còn gặp sự cố, sạt lở, hư hỏng khi chưa nghiệm thu; hay thi công xây dựng chưa đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt. Điều này đã cho thấy những yếu kém của nhà thầu thi công, yếu kém trong công tác quản lý dự án và sử dụng nguồn vốn đầu tư công chưa hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí ngân sách.
Trụ sở UBND huyện Mỹ Đức
Từ chậm tiến độ kéo dài đến... xây dựng sai thiết kế
Như Báo Thanh tra đã thông tin trong những bài viết trước về việc hoạt động đầu tư công trên đại bàn thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức đang diễn ra tình trạng nhà thầu không tiến hành thi công xây dựng dự án sau khi trúng thầu, khiến công tác sử dụng vốn đầu tư công chưa hiệu quả. Những dự án đang tồn tại như dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 36 đường Đại Nghĩa, tổ dân phố Tế Tiêu; dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 31 kết hợp sân vườn, lăng mộ chùa Thọ Sơn hay dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 101 đường Đại Đồng, tổ dân phố Tế Tiêu,..
Đây là những gói thầu do UBND thị trấn Đại Nghĩa làm chủ đầu tư và đã phê duyệt doanh nghiệp trúng thầu vào các năm 2022, 2023. Đến nay, dù các dự án đã hết tiến độ theo cam kết khi trúng thầu nhưng vẫn chưa được nhà thầu tiến hành thi công xây dựng.
Những doanh nghiệp trúng thầu các dự án trên là Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Đông Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trang Anh với tổng mức đầu tư các dự án là khoảng 15 tỷ đồng.
Đáng nói, thay vì xử lý những nhà thầu sai phạm, UBND thị trấn Đại Nghĩa lại tiếp tục giao nhiều gói thầu cho doanh nghiệp nêu trên, khiến ngày càng phát sinh nhiều tồn tại trong công tác sử dụng vốn đầu tư công ở địa phương này. Cùng với đó, bên cạnh những dự án vẫn đang “bất động” dù ngân sách đã chi tiêu cho hoạt động đấu thầu, thì tại thị trấn Đại Nghĩa cũng còn nhiều dự án đang chậm tiến độ, thi công dang dở, dừng thi công kéo dài. Thậm chí, nhiều dự án còn gặp sự cố, sạt lở khi thi công hay thi công xây dựng có dấu hiệu chưa đúng như bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt...
Đơn cử, dự án thi công xây dựng Cải tạo, nâng cấp Ngõ 473 đường Đại Nghĩa - tổ dân phố Thọ Sơn, thị trấn Đại Nghĩa do Công ty Cổ phần Xây dựng Đầu tư và Thương mại 668 trúng gói thầu ngày 29/12/2022. Dự án có tổng mức đầu tư là 9.850.056.000 VNĐ, thời gian thực hiện hợp đồng là 360 ngày, tức là, phải được hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, đến thời điểm cuối năm 2024, thực tế tại Ngõ 473 đường Đại Nghĩa - tổ dân phố Thọ Sơn đang thi công dang dở, vật liệu xây dựng bừa bãi, hệ thống thoát nước chưa được hoàn thiện nắp cống, tiềm ẩn nguy cơ gây tại nạn cho người tham gia giao thông.
Người dân cho biết, dự án đã dừng thi công trong thời gian dài, không có hoạt động xây dựng từ đầu năm 2024, khiến dự án cải tạo, nâng cấp ngõ 473 “từ đường bê tông thành đường đá”.
Sau dự án này, ngày 10/01/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Đầu tư và Thương mại 668 tiếp tục trúng gói thầu thi công xây dựng cải tạo, sửa chữa Trường Mầm non Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa với giá hơn 12 tỷ đồng.
Và dù chưa hoàn thiện các dự án, để xảy ra sai phạm, tồn tại ở gói thầu đã trúng nêu trên, nhưng đến ngày 06/12/2023, Công ty Cổ phần Xây dựng Đầu tư và Thương mại 668 tiếp tục được UBND thị trấn Đại Nghĩa duyệt trúng gói thầu Cải tạo, nâng cấp ngách 12 ngõ 563 đường Đại Nghĩa - tổ dân phố Thọ Sơn (đoạn qua khu đấu giá) với giá 6.014.771.000 đồng. “Sai phạm chồng sai phạm” khiến dự án này tiếp tục phát sinh nhiều bất cập, người dân phản ánh nhà thầu thi công không đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt.
Cụ thể, theo bản vẽ thiết kế kỹ thuật - thi công của Hồ sơ Báo cáo kinh tế kỹ thuật của dự án do Công ty CP Xây dựng và Thiết kế Phát Đạt lập thì dự án bao gồm hai hợp phần đường giao thông là diện tích ngách 12 ngõ 563 đường Đại Nghĩa cũ và phần diện tích đường giao thông đoạn qua khu đấu giá. Tuy nhiên, thực tế thi công tại dự án cuối tháng 12 năm 2024 thì hai hợp phần được thi công không đồng nhất. Theo đó, phần đường giao thông là diện tích ngách 12 ngõ 563 đường Đại Nghĩa cũ được đổ bê tông xi măng. Trong khi đó, phần diện tích đường giao thông đoạn qua khu đấu giá thi công chưa hoàn thiện, đã thi công phần cốt nền để chuẩn bị đổ bê tông nhựa.
Theo phản ánh của người dân, việc thi công như vậy là chưa đảm bảo. Cùng với đó, phần ngách đổ bê tông xi măng cũng kém chất lượng, mặt đường bị bong tróc, rạn nứt mặt bê tông ngay sau khi được thi công. Hơn nữa, phần cây xanh của dự án, theo thiết kê là Cây Bàng Đài Loan. Nhưng hiện nay, đơn vị thi công đã trồng cây xanh là một loại cây khác..
Không chỉ các dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng Đầu tư và Thương mại 668, dự án do Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Đông Thành cũng đang phát sinh nhiều tồn tại. Cụ thể, ngoài 02 dự án vẫn “bất động”, chưa được doanh nghiệp này thi công nêu trên, dự án thi công xây dựng Công trình giao thông đô thị ngõ 51A, đường Đại Nghĩa – An Tiến, thị trấn Đại Nghĩa cũng đang có những vi phạm nghiêm trọng.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Đông Thành trúng thầu dự án thi công xây dựng Công trình giao thông đô thị ngõ 51A, đường Đại Nghĩa – An Tiến vào ngày 16/05/2023 theo quyết định được ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa ký ban hành. Dự án này có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, được 2 bên ký kết hợp đồng thi công xây dựng ngày 18/05/2023, thời gian thực hiện 360 ngày.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, nhà thầu mới hoàn thiện sơ bộ đoạn đường từ đầu ngõ 51A đến Chùa Thọ Sơn, còn phần diện tích từ Chùa Thọ Sơn đến cuối ngõ gần như vẫn chưa được thi công. Thậm chí, ghi nhận thực tế tại dự án này cho thấy, một phần diện tích dự án, xây dựng mái taluy kè đã bị sạt lở. Một phần diện tích đồi đã bị sạt khiến khối lượng lớn đất lở xuống nhà dân, đe dọa cuộc sống, tính mạng của người dân.
Theo tìm hiểu, dự án đã chậm tiến độ hơn 6 tháng nhưng nhà thầu đã dừng thi công trong thời gian dài, sự cố sạt lở cùng với việc không đồng thuận của người dân khiến dự án chưa hẹn ngày về đích. Vậy nguyên nhân tại sao dự án không nhận được sự đồng thuận từ người dân? Phải chăng có khuất tất gì phía sau? Việc dự án gặp sự cố, thi công kéo dài gây đội vốn, lãng phí cho ngân sách Nhà nước thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, trách nhiệm thuộc về ai?
Có thể thấy, sơ bộ trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa đang có hàng chục dự án đầu tư công phát sinh nhiều sai phạm, tồn tại; gần như ghi nhận dự án nào thì dự án đó có vấn đề? Vậy việc sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng nguồn vốn thu từ đấu giá đất đã thật sự hiệu quả? Đến đây có lẽ bất cứ ai cũng có thể trả lời được, nhưng hiểu rõ và trả lời chính xác nhất là người dân địa phương và lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức cũng như UBND thị trấn Đại Nghĩa.
Thống kê cho thấy, từ tháng 11/2021 đến nay, UBND thị trấn Đại Nghĩa đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu cho tổng số hơn 60 gói thầu, với tổng mức đầu tư khoảng 500 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tiền này chủ yếu được huy động từ nguồn thu đấu giá đất tại các dự án tại thị trấn, sau đó được UBND huyện phân bổ để chi tiêu cho UBND thị trấn Đại Nghĩa. Từ đó, đơn vị này đã bố trí sử dụng nguồn vốn vào đầu tư xây dựng các dự án như đường giao thông nội đồng, cải tạo ngõ, ngách đường giao thông; sửa chữa cải tạo trụ sở của một số đơn vị,...
Bên cạnh những bất thường trong triển khai thi công dự án, bố trí sử dụng nguồn vốn, công tác đấu thầu của UBND thị trấn Đại Nghĩa cũng cho thấy nhiều điểm “đáng ngờ”. Theo đó, lịch sử cho thấy, xuất hiện 4 đến 5 doanh nghiệp địa phương, “quen mặt” thường xuyên trúng các gói thầu do UBND thị trấn Đại Nghĩa làm chủ đầu tư. Đáng nói hơn, các doanh nghiệp này đều “bách chiến bách thắng”, cứ đấu là trúng, đạt tỷ lệ 100% trúng thầu khi dự thầu tại UBND thị trấn Đại Nghĩa.
Cụ thể, có thể kể đến như Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Trang Anh trúng 7/7 gói thầu đã tham dự tại UBND thị trấn Đại Nghĩa. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Xây dựng và Du lịch Đông Thành trúng 7/7 gói, Công ty CP Đầu tư Xây Dựng và Môi trường Thiên Phát cũng đã liên tiếp trúng cả 4/4 gói dự thầu. Hay Công ty Cổ phần Xây dựng Đầu tư và Thương mại 668 trúng cả 4 gói thầu đã dự, còn Công ty TNHH Linh Anh Đức chỉ trong năm 2023 đã trúng 05 gói thầu với tổng giá trị hơn 40 tỷ đồng tại UBND thị trấn Đại Nghĩa.
Đáng nói hơn, đây đều là những doanh nghiệp địa phương, có trụ sở trên địa bàn thị trấn Đại Nghĩa nói riêng và huyện Mỹ Đức nói chung. Việc các doanh nghiệp đều có tỷ lệ 100% trúng thầu khi dự thầu tại UBND thị trấn Đại Nghĩa khiến dư luận không khỏi hoài nghi, liệu có hay không sự “sắp đặt”, thông thầu?
Đây đều là những dấu hiệu của các dự án cần phải thanh kiểm tra hoạt động đấu thầu theo đúng Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 29/7/2024 về việc đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền cần chú trọng thanh, kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; việc một nhà thầu trúng thầu nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng hiệu quả kinh tế thấp...
Thông tin ban đầu về những nội dung phản ánh nêu trên, ông Nguyễn Văn Ninh - Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa thừa nhận, nhiều dự án do cơ quan này là chủ đầu tư đang có nhiều tồn tại, vi phạm cần được xử lý. Nguyên nhân được vị Chủ tịch thị trấn nêu ra là do khó khăn trong bố trí nguồn vốn, bố trí nguồn ngân sách để thực hiện các dự án đã đấu thầu.
Vậy, tại sao không có nguồn vốn mà UBND thị trấn Đại Nghĩa lại tổ chức triển khai cùng lúc nhiều dự án? Những dự án dang dở này có gây lãng phí hay không? Nguồn vốn được UBND huyện Mỹ Đức phân bổ về UBND thị trấn Đại Nghĩa ra sao? Nhà thầu có cam kết tín dụng, có bảo lãnh tại sao không thực hiện, hoàn thiện dự án sau khi trúng thầu? Phải chăng nhà thầu không đủ năng lực, hay có sự làm ngơ, bỏ qua sai phạm, “lợi ích nhóm” tại đây? Trách nhiệm để xảy ra tình trạng này thuộc về UBND huyện Mỹ Đức, UBND thị trấn Đại Nghĩa hay các cá nhân nào?
Để trả lời những câu hỏi nêu trên phóng viên Báo Thanh tra đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức nhưng đều không nhận được hồi âm.
Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ và thông tin về nội dung này.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 19.000m² đất tại ô A3 khu đô thị mới Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, được giao cho Tập đoàn VNPT xây dựng Trung tâm Giao dịch và Điều hành Viễn thông Quốc gia, nhưng hiện vẫn chưa triển khai đúng tiến độ, vi phạm Luật Đất đai 2013.
Đông Hà
(Thanh tra) - Ngoài việc để hàng loạt nhà thầu không tiến hành thi công xây dựng sau khi trúng thầu, công tác sử dụng vốn đầu tư công tại thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức cũng còn nhiều tồn tại, thiếu sót. Cụ thể, nhiều dự án đã chậm tiến độ, thi công dang dở, dừng thi công kéo dài. Thậm chí, tại nhiều dự án còn gặp sự cố, sạt lở, hư hỏng khi chưa nghiệm thu; hay thi công xây dựng chưa đúng bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt. Điều này đã cho thấy những yếu kém của nhà thầu thi công, yếu kém trong công tác quản lý dự án và sử dụng nguồn vốn đầu tư công chưa hiệu quả, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lãng phí ngân sách.
Nhóm PV
Chính Bình
Hương Giang
Trần Kiên
Phương Anh
Đông Hà
Hải Hà
Hương Giang
Nhóm PV
T.Thanh
Thủy Ngân - Đình Tuệ
Nhật Minh
PV
PV
Chính Bình
Trần Quý