Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, tòa án là cơ quan đầu tiên hiện thực hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền, trong đó một trong những trụ cột của Nhà nước pháp quyền chính là cải cách tư pháp.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết những nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của luật, trong đó đã thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về chức năng tòa án Nhân dân thực hiện quyền tư pháp, đó là: Quyền xét xử các tranh chấp, vi phạm pháp luật; quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
Đặc biệt, việc đổi mới nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án đã bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho tòa án; bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án theo thẩm quyền xét xử; không quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ.
|
|
Các đại biểu tham dự tại buổi tập huấn. Ảnh: PV |
Bên cạnh đó, luật đã cũng bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho tòa án đó là, tòa án xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật: Luật quy định các vi phạm hành chính mà tòa án có thẩm quyền xét xử.
Tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc: Quyền, trách nhiệm của tòa án làm rõ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc và trong bản án, quyết định việc áp dụng quy định của pháp luật trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Ngoài ra, Chánh án thông tin những điểm mới về đổi mới tổ chức hệ thống TAND, tổ chức lại bộ máy giúp việc của TANDTC, tổ chức lại bộ máy giúp việc của TAND cấp cao; thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt và Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, về thẩm phán; các chức danh tư pháp khác, công chức khác và người lao động trong TAND; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, đạo đức, trách nhiệm của thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của tòa án; về hội thẩm; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp…
Ngày 1/1/2025, luật có hiệu lực thi hành, Chánh án yêu cầu từ giờ đến cuối năm, các hoạt động kiểm tra, tổng kết… cần được đẩy lên sớm hơn.
Trước hết, cần tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Tổ chức TAND, văn bản quy định chi tiết và việc triển khai thi hành luật; tăng cường kỷ cương, kỷ luật và kiểm soát quyền lực; xây dựng, ban hành văn bản triển khai thi hành luật; thành lập Hội đồng Tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; kiện toàn tổ chức bộ máy TAND.
Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi tuyển chọn thẩm phán TAND; quy chế tổ chức thi tuyển chọn thẩm phán TAND; xây dựng và đề xuất về chế độ bảo vệ thẩm phán; bậc thẩm phán; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án; sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, công chức khác, viên chức trong TAND; bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động cho các TAND; bảm bảo điều kiện hoạt động của hội thẩm và đoàn hội thẩm.
“Có thể nói, luật mới có rất nhiều nội dung tiến bộ. Đảng, Nhà nước quan tâm đến cải cách tư pháp, nhiều chế độ, đãi ngộ ưu tiên và chúng ta cũng cần xác định trách nhiệm rất cao cả trước số phận con người, trước công lý, công bằng xã hội, vậy chúng ta phải làm cho tốt, cho chất lượng, nhanh, đúng luật. Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) được thông qua, chúng ta đã có một hành lang pháp lý tốt, hy vọng luật sẽ tạo đà cho sự phát triển của tòa án trong tương lai tốt hơn, chất lượng công tác tốt hơn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.