Theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP, tin nhắn, cuộc gọi rác là các tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của người sử dụng hoặc tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo vi phạm các quy định về gửi tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo tại Nghị định này, hoặc nhắn tin, gọi điện thoại vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định.

Tin nhắn, cuộc gọi rác đến do đâu?

Theo nhận định của các cơ quan chức năng, nguyên nhân xuất hiện các tin nhắn rác, cuộc gọi rác là do thông tin cá nhân bị lộ lọt, SIM rác, SIM không chính chủ được sử dụng tràn lan, hoạt động tiếp thị, quảng cáo qua điện thoại…

Hiện nay, việc thu thập thông tin cá nhân của người dân được rất nhiều tổ chức, đơn vị thực hiện, ở mọi lĩnh vực, ngành nghề từ các ngân hàng, các công ty bảo hiểm đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các website, các ứng dụng mua sắm trực tuyến, thậm chí là cả các chuỗi cửa hàng thuốc… Tuy nhiên, việc bảo mật thông tin khách hàng của mỗi đơn vị là khác nhau và không phải đơn vị nào cũng thực hiện đúng quy định. Thực tế là việc lộ lọt thông tin, mua bán dữ liệu khách hàng vẫn diễn ra khá phức tạp.

Vài năm trước, khi thị trường viễn thông truyền thống bước vào giai đoạn phát triển nóng, có hiện tượng các doanh nghiệp chạy đua về số lượng thuê bao di động để tăng thị phần. Người mua chỉ cần ghé vào 1 đại lý SIM thẻ bất kỳ và chọn số, loại hình gói cước mình mong muốn, tất cả đều rất dễ dàng và không phải khai báo thông tin cá nhân. Vì thế, trong một thời gian dài, lượng SIM rác rất lớn đã được lưu hành trên thị trường.

Trong cao điểm xử lý SIM rác năm 2023, có 19,6 triệu thuê bao được xử lý, trong đó 11 triệu có thông tin không trùng khớp với Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư (sau quá trình xử lý, có 3,55 triệu thuê bao chuẩn hóa lại và hoạt động bình thường, hơn 7,5 triệu thuê bao bị khóa một chiều, hai chiều hoặc bị thu hồi); 8,6 triệu thuê thuộc về những người sở hữu trên 10 SIM (sau rà soát, có 3,6 triệu SIM đăng ký lại thông tin. Số còn lại bị khóa một chiều, hai chiều hoặc bị thu hồi).

Tiếp thị, quảng cáo qua điện thoại (telesale) là công việc bán hàng hoặc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ thông qua điện thoại. Nhân viên telesale liên lạc với khách hàng theo danh sách đã được sàng lọc theo những tiêu chí nhất định để giới thiệu sản phẩm, mời gọi đầu tư, tham gia sự kiện để thuyết phục họ mua hàng và giải đáp các thắc mắc liên quan. So với các phương thức tiếp thị khác, tiếp thị qua điện thoại có chi phí thấp hơn, dễ dàng kiểm soát, đánh giá nhân viên, vì vậy được nhiều công ty, nhãn hàng lựa chọn.

Ngoài ra, tin nhắn rác còn được phát tán thông qua 1 loại hình khác đó là trạm BTS giả. Với mỗi thiết bị BTS giả, mỗi ngày có thể phát tán 70.000 tin nhắn tới các thuê bao lọt vào vùng phủ sóng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều thuê bao di động nhận được những tin nhắn mạo danh các tổ chức tài chính, ngân hàng để gửi các nội dung giả mạo, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Giải pháp nào xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác? 

Nhiều biện pháp đã được Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị chức năng triển khai như: Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh thuê bao di động, mở tổng đài tiếp nhận thông tin về cuộc gọi rác, tin nhắc rác để yêu cầu các nhà mạng xử lý… 

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, đơn vị đã yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm nghiêm túc, đảm bảo thông tin SIM thuê bao phải chính xác, đúng quy định, trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chỉ có thể kích hoạt, phát triển mới bởi chính các nhà mạng. Theo đó, từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định (SIM kích hoạt sẵn, thông tin thuê bao không trùng khớp với dữ liệu dân cư quốc gia…).

leftcenterrightdel

Các nhà mạng đã dừng việc phát triển thuê bao mới thông qua các đại lý, giờ đây, việc kích hoạt thuê bao mới được thực hiện trực tuyến qua các chuỗi cửa hàng hoặc trực tiếp tại các nhà mạng. Ảnh minh họa: Hoàng Nam

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, hiện nay, 100% số thuê bao di động đã được chuẩn hóa thông tin với cơ sở dữ liệu dân cư. Các nhà mạng cũng đã dừng phát triển thuê bao thông qua các đại lý, tập trung phát triển thuê bao chính chủ thông qua việc đăng ký trực tuyến hoặc các chuỗi cửa hàng lớn, uy tín. Việc này giúp cho các nhà mạng vẫn tiếp tục phát triển được thuê bao mới, đồng thời đảm bảo thông tin thuê bao đăng ký mới chính xác và chính chủ. Khi các thông tin thuê bao là chính chủ, thì các hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để lừa đảo, quấy rối, trục lợi, vi phạm pháp luật sẽ được ngăn chặn, kiểm soát tốt hơn.

Việc định danh (brandname) cho cuộc gọi, tin nhắn hiện đã được triển khai đối với tất cả các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông, đồng thời đã được thử nghiệm với các đơn vị của Bộ Công an và một số đơn vị khác. Tiến tới, sẽ triển khai đồng bộ đến các cơ quan Nhà nước để người dùng dễ dàng nhận biết các cuộc gọi đến, tránh trường hợp bị các đối tượng xấu lợi dụng danh nghĩa cơ quan Nhà nước để lừa đảo.

Với các doanh nghiệp, nhãn hàng, dịch vụ định danh cuộc gọi giúp khách hàng có thể phân biệt được các cuộc gọi từ các đơn vị mà mình sử dụng dịch vụ thay vì cảm thấy bị làm phiền hoặc bỏ qua cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Bên cạnh đó, các khách hàng tiềm năng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nhận cuộc gọi mà họ biết rõ doanh nghiệp nào đang gọi tới. Từ đó, giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình đến với khách hàng một cách tự nhiên.

Bên cạnh đó, Cục An toàn Thông tin và các nhà mạng cũng đưa ra các giải pháp riêng để tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dùng và xử lý các trường hợp vi phạm. Cụ thể, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đã xây dựng trang web chongthurac.vn, thongbaorac.ais.gov.vn để người dân phản ánh các số điện thoại gửi tin nhắn và thực hiện cuộc gọi rác; gọi điện hoặc nhắn tin đến tổng đài 5656 để phản ánh về tin nhắn, cuộc gọi rác; các thuê bao Viettel chỉ cần soạn tin nhắn với cú pháp TC gửi 199, thuê bao Mobifone soạn tin TC gửi 9214 hoặc thuê bao Vinaphone sẽ soạn tin nhắn TC gửi 18001091… sẽ giúp chặn các tin nhắn có nội dung khuyến mãi hoặc quảng cáo từ các nhà mạng này…

Với việc phát tán tin nhắn rác thông qua trạm BTS giả, sở dĩ thiết bị này có thể phát tán tin nhắn brandname đến các thuê bao, hoặc chặn kết nối, theo dõi vị trí, là do lợi dụng 2G là mạng thế hệ cũ, bảo mật kém. Hiện nay, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với cơ quan công an, sử dụng các thiết bị hiện đại, có thể nhanh chóng phát hiện, xử lý các đối tượng và thiết bị. Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 9/2024, sẽ không còn thiết bị di động sử dụng mạng 2G và sẽ tắt sóng 2G hoàn toàn vào tháng 9/2026, điều này cũng làm giảm tình trạng sử dụng trạm BTS giả để nhắn tin nhắn rác.

Ứng xử thế nào với tin nhắn rác, cuộc gọi rác?

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị chức năng đã có các kịch bản, giải pháp nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác trên không gian mạng. Tuy nhiên, hoạt động này cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và của cả chính người dân.

Đối với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, đơn vị như trường học, ngân hàng, bệnh viện… cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống để đông đảo người dân biết và dễ dàng tiếp cận, kiểm chứng.

Đối với người dân, cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, cảnh giác khi nghe và thực hiện theo các yêu cầu từ số máy lạ, có kỹ năng kiểm tra thông tin để không bị đối tượng xấu dẫn dắt, lừa đảo. Chủ động rà soát, kiểm tra thông tin thuê bao của mình qua tổng đài 1414; chủ động phối hợp trả lời tin nhắn khảo sát của nhà mạng về cuộc gọi rác để giúp sàng lọc, xử lý chính xác các cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin để đưa ra các chế tài quản lý phù hợp… Hoặc khi phát hiện cuộc gọi rác, người dân phản ánh qua các cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác đã nêu ở trên. Việc người dân tích cực phản hồi tin nhắn khảo sát cuộc gọi rác, lừa đảo là một trong những giải pháp hữu hiệu để cùng chung tay với các cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để vấn nạn này.

Ở một khía cạnh khác, các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, mời chào sản phẩm dịch vụ cần phải được nhìn nhận theo đúng bản chất của nó và sẽ chưa thể bị loại bỏ hoàn toàn. Bởi vì, khác với các cuộc gọi, tin nhắn với mục đích lừa đảo, các cuộc gọi rác với mục đích quảng cáo, tiếp thị… thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng đồng hành, tham gia sử dụng dịch vụ của họ.

Và vì thế, về mặt bản chất, đây là một nghề marketing, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải chịu vấn nạn này. Ngay cả khi không còn SIM rác, những cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn xuất hiện từ những SIM chính chủ.

Hoàng Nam