Tại hội thảo, TS Nguyễn Huy Hoàng nhấn mạnh: Ứng dụng công nghệ số trong quản trị quốc gia giúp cho Chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, hạn chế tham nhũng, kiến tạo sự phát triển cho xã hội.

Trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN cũng đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực từ việc ứng dụng công nghệ số như: Chính phủ đang tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm từng bước ứng dụng công nghệ số vào công tác kiểm soát tài sản, thu nhập.

Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã triển khai và đưa vào sử dụng trong toàn quốc hệ thống cơ sở dữ liệu về báo cáo công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN theo quy định của Thông tư số 02/2021/TT-TTCP về chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN; đầu tư và triển khai thực hiện các dự án “Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung” và “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”.

Trước đó, TTCP cũng đã xây dựng và vận hành các phần mềm như phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ đoàn thanh tra; phần mềm đặt lịch và trả lịch hẹn tiếp công dân; hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC…

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ số, tháng 4/2022 TTCP đã ban hành chương trình chuyển đổi số của TTCP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đặt ra những mục tiêu cụ thể, TTCP còn đề ra kỳ vọng ở mức độ cao khi ứng dụng công nghệ số như sử dụng các công cụ phân tích thông minh để giúp lãnh đạo kịp thời đưa ra các quyết sách trong công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.

Ở địa phương, một số tỉnh đã tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra như Quảng Ninh, Khánh Hòa. Tại Khánh Hòa, tháng 8/2019, Thanh tra tỉnh đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm “hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra”. Đặc biệt, quan trọng nhất là phân hệ hỗ trợ lập kế hoạch thanh tra, xử lý chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp và theo dõi tiến độ, hỗ trợ tiến hành một cuộc thanh tra hành chính… Qua hơn 1 năm đưa phần mềm vào sử dụng, tình trạng chồng chéo trong xây dựng, triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra doanh nghiệp không còn; việc xử lý chồng chéo chính xác 100%; thời gian xử lý, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chỉ còn vài phút (trước đây hơn 1 tháng).

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN thời gian qua cũng đã đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tiếp tục nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả.

TS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” mới chỉ đang tập trung ở một khâu đơn giản nhất trong ứng dụng công nghệ số là chỉ số hóa các bản kê khai tài sản, thu nhập để lưu trữ, phục vụ công tác chia sẻ dữ liệu mà thôi. Việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ số vào hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN ở các cơ quan trung ương và địa phương cũng còn nhiều hạn chế, bất cập đến từ nhận thức của người đứng đầu cơ quan đơn vị cho đến hạ tầng kĩ thuật, đội ngũ kĩ sư vận hành, bảo trì và đội ngũ cán bộ sử dụng.

Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN là những lĩnh vực rất đa dạng, phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến mọi chủ thể và hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Khác với nhiều hoạt động quản lý nhà nước khác, tính nhạy cảm và yêu cầu bảo mật thông tin trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN là tối quan trọng.

Theo danh mục các nội dung thông tin ở mức độ mật trong lĩnh vực hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN dễ dàng nhận thấy có những xung đột với một trong những yêu cầu và mục đích cơ bản của ứng dụng công nghệ số là nhằm tăng cường sự công khai, minh bạch. Vấn đề này liệu có giải quyết được không trong bối cảnh phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số?

Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN không còn phải bàn đến việc có làm hay không mà vấn đề ở chỗ phải làm như thế nào? Mức độ, phạm vi, nội dung đến đâu? Những yêu cầu nào đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ số? Bên cạnh những thuận lợi đang có thì những rào cản, thách thức nào đang và sẽ đặt ra khi ứng dụng công nghệ số? Đây đều là những câu hỏi bức thiết cần phải được nghiên cứu, tìm ra câu trả lời sớm nhất.

Xuất phát từ những cơ sở trên, việc nghiên cứu Đề tài “Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN” là cấp thiết.

TS Nguyễn Huy Hoàng cho hay, ngoài phần mục lục, phần mở đầu, đề tài được nghiên cứu 3 chương. Chương 1: Những vấn đề chung về công nghệ số và ứng dụng công nghệ số hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN; Chương 2: Thực trang của vấn đề trên; Chương 3: Quan điểm, giải pháp về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và PCTN.

Cho ý kiến vào đề cương chi tiết, các đại biểu tham dự đều cho rằng đề tài là cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Ban Chủ nhiệm đã chuẩn bị chi tiết, bố cục phù hợp, logic, đáp ứng mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, Chương 1 cần làm rõ công nghệ số là như thế nào, lãm rõ các khái niệm công nghệ thông tin, số hóa, chuyển đổi số…? Bổ sung thêm khái quát về ứng dụng công nghệ số trong công tác thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN; khái quát thực trạng nhóm vấn đề về ứng dụng công nghệ số như quản lý về công tác này và ứng dụng về nó.

Ở Chương 2 nên gọn lại và nêu bật tính bảo mật trong hoạt động thanh tra, nêu rõ hiện trạng, nhu cầu thực trạng vấn đề ứng dụng công nghệ số vào hoạt động thanh tra…

Chương 3 cần làm rõ các giải pháp ứng dụng cho 3 mảng liên quan đến hoạt động thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN…

Thái Hải