Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo - Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cho biết, Dự thảo Thông tư được thực hiện theo Quyết định số 1772/QĐBGTVT ngày 31/12/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Bộ GTVT và Quyết định số 06/QĐĐKVN ngày 4/1/2024 của Cục trưởng Cục ĐKVN về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024 của Cục ĐKVN.
Dự thảo Thông tư được xây dựng dựa trên Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15; Luật Bảo vệ môi trường ngày 17/11/2020; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007…
Dự thảo Thông tư gồm 6 chương 46 điều. Nội dung cơ bản gồm: Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới; cải tạo xe cơ giới; kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dùng; cải tạo xe máy chuyên dùng và kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Thông tư nhằm tạo sự thuận lợi cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (trừ mô tô, xe gắn máy), xe máy chuyên dùng; hoạt động cải tạo xe cơ giới (đã có biển số đăng ký hoặc đã qua sử dụng được phép nhập khẩu), xe máy chuyên dùng; hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Bổ sung cập nhật các quy định còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Dự thảo Thông tư quy định rõ trách nhiệm của Cục ĐKVN như: Tổ chức, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về kiểm định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng theo quy định của thông tư này.
Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình quản lý kiểm định, cơ sở dữ liệu kiểm định trên cả nước, tiếp nhận và quản lý dữ liệu xe cơ giới kiểm định, dữ liệu xe mô tô, xe gắn máy kiểm định khí thải của các cơ sở đăng kiểm.
Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng chương trình phần mềm quản lý công tác cải tạo xe cơ giới, cải tạo xe máy chuyên dùng.
Kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động kiểm định của các cơ sở đăng kiểm. Xử lý sai phạm của đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ và cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, kiểm định xe máy chuyên dùng, đơn vị kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo quy định, đồng thời có văn bản thông báo kết quả xử lý sai phạm cho sở GTVT địa phương.
Phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện việc cảnh báo và xóa cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định đối với những xe cơ giới có sự không phù hợp về thông tin hành chính, thông số kỹ thuật và các trường hợp theo quy định tại khoản 12 Điều 80 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 20/12/2019 của Chính phủ và các trường hợp cảnh báo khác theo đề nghị của cơ quan Nhà nước…
|
|
Bộ GTVT quy định việc thanh tra, kiểm tra định kỳ đối với các trung tâm đăng kiểm. Ảnh: TQ |
Trách nhiệm của sở GTVT, thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cải tạo xe cơ giới tại địa phương. Đăng tải thông tin cảnh báo lên chương trình phần mềm quản lý công tác xe cơ giới cải tạo đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm được phát hiện thanh tra, kiểm tra.
Phối hợp với Cục ĐKVN thực hiện quản lý Nhà nước về công tác kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy và thực hiện các nhiệm vụ khác theo thẩm quyền trên địa bàn địa phương…
Trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm xe cơ giới, thực hiện việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy giới theo quy định. Lãnh đạo cơ sở đăng kiểm, phụ trách dây chuyền, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ thực hiện kiểm định phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định…
Dự thảo Thông tư đã đưa ra 8 hành vi bị nghiêm cấm (Điều 4) trong kiểm định xe cơ giới mà thời gian qua nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước mắc phải. Cơ quan chức năng đã điều tra, phát hiện, khởi tố và đưa ra xét xử trong vụ đại án đăng kiểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Các hành vi này gồm: Kiểm định không đủ nội dung, không đúng quy trình, quy định, kiểm định ngoài dây chuyền, ngoài đơn vị sai quy định, làm sai lệch kết quả kiểm định.
Bộ GTVT đề xuất 8 hành vi cơ sở đăng kiểm không được thực hiện trong kiểm định xe cơ giới gồm: Kiểm định khi thiết bị kiểm tra bị hư hỏng; kiểm định khi thiết bị kiểm tra chưa được kiểm tra, đánh giá, hiệu chuẩn; kiểm định khi không đảm bảo việc nối mạng để truyền dữ liệu, kết quả kiểm định; kiểm định khi hệ thống camera giám sát và lưu trữ hình ảnh dạng video không đảm bảo quy định; bố trí người thực hiện công việc kiểm định trên dây chuyền kiểm định không đủ, không đúng với quy định;
Yêu cầu chủ xe đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định; thu tiền kiểm định, phí và lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu; kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; lập hồ sơ phương tiện, kiểm định, sử dụng ấn chỉ kiểm định, in giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định không đúng quy định.
Những nội dung này, trước đây thường xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm, dẫn đến các vi phạm được các cơ quan chức năng chỉ ra qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Dự thảo Thông tư đang được Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến góp ý rộng rãi.