Theo cơ quan công an, thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Nghệ An, do nhẹ dạ, cả tin một số người dân đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lừa bán sang làm việc tại các đặc khu, công ty lừa đảo trực tuyến bên kia biên giới do người nước ngoài làm chủ, bị ép buộc và bóc lột sức lao động.
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đã yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, tấn công có hiệu quả với loại tội phạm này, từ đó giải cứu thành công nhiều nạn nhân.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị trong Công an Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 13 vụ, 25 đối tượng phạm tội, đồng thời phối hợp với các lực lượng xác minh, giải cứu thành công 30 nạn nhân trở về.
Qua theo dõi nắm tình hình về công tác nghiệp vụ, Công an huyện Quỳ Châu phát hiện đối tượng Vi Văn Nhập (SN 1983), trú tại xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu thường xuyên có hoạt động tìm kiếm những công dân tại các huyện miền núi trong đó có huyện Quỳ Châu để đưa sang nước ngoài làm việc trái phép.
Quá trình theo dõi, xác minh, Công an huyện Quỳ Châu xác định Nhập là một “chân rết” quan trọng trong đường dây mua bán người sang các đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng để làm việc bất hợp pháp do Phạm Thị Tuyết Chinh (SN 1988), hộ khẩu thường trú tại xã Giao Tiến, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định cầm đầu.
Thị Chinh qua biên giới sinh sống và lấy chồng từ lúc còn trẻ. Thời gian sinh sống tại nước ngoài, Chinh quen biết nhiều “ông chủ” có nhu cầu tìm các lao động để đưa vào làm việc tại các đặc khu kinh tế nhằm phục vụ hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia, nên đối tượng này đã móc nối với các đối tượng đang sinh sống trong nước tại nhiều tỉnh, thành nhằm tìm kiếm, dụ dỗ những người dân nhẹ dạ cả tin sau đó bán vào các đặc khu kinh tế tại khu vực biên giới.
Do nhu cầu tìm người để đưa bán sang các đặc khu ở Tam Gíác Vàng quá lớn, nhiều lần đối tượng này còn về nước rồi đi các tỉnh, thành để tìm “con mồi”.
Để triệt xóa đường dây mua bán người xuyên quốc gia do Phạm Thị Tuyết Chinh cầm đầu, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, Công an huyện Quỳ Châu đã xác lập chuyên án đấu tranh.
Quá trình đấu tranh chuyên án, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn. Không ít lần Ban chuyên án có được thông tin Chinh về nước, tổ công tác đã vượt hàng nghìn cây số từ Quỳ Châu ra các tỉnh phía Bắc nhưng Chinh lại nhanh chân quay lại biên giới.
Cùng thời điểm trên, Công an huyện Quỳ Châu tiếp nhận đơn trình báo của một người đàn ông là bị hại trong đường dây bị Vi Văn Nhập và Phạm Thị Tuyết Chinh lừa bán qua biên giới. Đáng nói để trở về nước, sau khi trốn thoát được khỏi đặc khu kinh tế, người đàn ông này đã phải dùng bè xốp bơi hơn 8 ngày đêm dọc theo sông MêKong.
Quá trình bơi xuôi theo dòng sông người đàn ông trên phải xin ăn, ngủ tạm tại lán người dân dọc theo sông và may mắn được người Việt Nam làm ăn ở Lào giúp đỡ về đến Việt Nam.
Ngày 7/8/2024, Công an huyện Quỳ Châu nắm được thông tin Phạm Thị Tuyết Chinh vừa về nước qua đường bộ Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Ngay lập tức một tổ công tác đã di chuyển từ Nghệ An ra Lào Cai để xác minh và nắm bắt mọi di biến động của đối tượng.
Đến 16h ngày 8/8/2024, tại thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, Công an huyện Quỳ Châu chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án, bắt giữ Phạm Thị Tuyết Chinh về hành vi “mua bán người”, thu giữ nhiều tài liệu liên quan.
Cùng thời điểm trên, tại huyện Quỳ Châu, một tổ công tác khác cũng bắt giữ thành công đối tượng Vi Văn Nhập về hành vi “mua bán người”.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Chuyên án đang tiếp tục được đấu tranh, mở rộng.
XT