Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 138 (phòng chống tội phạm) và 389 (phòng chống buôn lậu) sáng ngày 23/7, Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trong các năm qua chứng kiến sự bùng nổ và có bước phát triển mạnh mẽ.

Livestream trên mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả…

Trước khi có dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam giai đoạn 2015 - 2025 được dự báo rơi vào khoảng 43%, đưa Việt Nam trở thành một nước có nền TMĐT tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, dự kiến đạt doanh thu 33 tỉ USD vào năm 2025.

Chỉ tính riêng năm 2020, doanh thu TMĐT cũng được dự báo vượt ngưỡng 13 tỉ USD.

“Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, TMĐT càng nổi lên trở thành một phương thức quan trọng giúp người dân giao dịch, mua bán hàng hóa phục vụ đời sống hàng ngày, tránh được các tiếp xúc trực tiếp không cần thiết”, ông Linh nói.

Tuy nhiên, Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cảnh báo, chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày một lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay… bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn. 

Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra 2.403 vụ việc, xử lý 2.213 vụ việc vi phạm, xử phạt hơn 16,38 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 40,625 tỷ đồng.

Những đối tượng lợi dụng TMĐT để buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này.

“Họ tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ Internet để kinh doanh các mặt hàng vi phạm: Sử dụng công nghệ bán hàng đa kênh, ngồi một nơi nhưng có thể quản lý bán hàng ở nhiều điểm khác nhau; sử dụng thành thạo các công cụ marketing trực tuyến; đầu tư mạnh vào các tiện ích của mạng xã hội để thu hút người mua hàng. Gần đây nhất là các vụ việc lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả…”, ông Linh nêu rõ.

Cũng theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, các đối tượng này cũng tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên mạng Internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin.

Kho hàng lậu “khủng” thu chục tỷ hàng tháng

Ông Linh dẫn lại vụ việc xảy ra ngày 7/7 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02) và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) phát động mũi tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP Lào Cai.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TN

Kho hàng này có quy mô trên 10.000m2 được dùng để chứa trữ hàng hóa và làm địa điểm tổ chức kinh doanh trên Internet do đối tượng Trần Thành Phú (28 tuổi) cầm đầu.

“Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ hàng hóa tại đây là hàng nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ; một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng của những nước phát triển như Mỹ, châu Âu”, ông Linh cho hay.

Toàn bộ số hàng này phải kiểm đếm trong 4 ngày 4 đêm mới xong và được niêm phong vào trong 34 container. Tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa.

Qua khai thác thông tin ban đầu, nhóm của Trần Thành Phú đã thuê trên 70 nhân viên các loại để vận hành kho hàng và kinh doanh TMĐT bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook.

Mỗi ngày nhóm này bán được trên 1.000 đơn hàng, doanh thu hàng tháng riêng phần bán lẻ như vậy là hơn 10 tỷ đồng. Sao kê do phía ngân hàng cung cấp cho cơ quan an ninh cộng dồn tới thời điểm kiểm tra của nhóm đối tượng là hơn 649 tỷ đồng, chỉ trong chưa đầy 2 năm vừa qua.

“Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất từ trước tới nay mà cơ quan quản lý thị thường cùng các lực lượng chức năng phát hiện ra và xử lý thành công”, ông Linh nhấn mạnh.

Từ thực tế, Tổng cục Quản lý thị trường đề xuất nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các sàn TMĐT, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

“Cần quy định sàn TMĐT và người bán hàng trên sàn TMĐT phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống để phục vụ việc truy xuất các giao dịch và nguồn gốc hàng hóa”, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nêu.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, những tháng đầu năm 2020, tình hình buôn lậu hàng hoá có liên quan đến dịch bệnh Covid -19 tăng.

“Có thời điểm diễn biến phức tạp, nhất là các hành vi thu gom, vận chuyển khẩu trang y tế sang Trung Quốc bán hay đẩy giá, nâng giá các thiết bị y tế”, vị này thông tin.

Bên cạnh đó, trên không gian mạng, xuất hiện các thông tin xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh với “tần suất dày gây lo lắng, hoang mang trong dư luận”.

Trước tình hình như vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng đấu tranh, trấn áp mạnh tội phạm liên quan trực tiếp đến dịch bệnh covid -19…

Kết quả, 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 55 trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh, đăng bài viết xúc phạm uy tín của các cơ quan; đã lập hồ sơ xử lý 26 trường hợp, nhắc nhở răn đe 29 trường hợp.

Cùng với đó, phát hiện 19 vụ với 19 đối tượng mua bán trái phép khẩu trang, vật tư y tế; đã kiểm tra, xử lý hơn 2 nghìn trường hợp không đeo khẩu trang và các hành vi vi phạm khác về phòng, chống dịch bệnh…