Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 11/07/2013 - 08:24
(Thanh tra)- Hiện nay, khu vực Tây Nguyên được coi là trung tâm thủy điện lớn nhất cả nước. Trên các hệ thống sông chính của 5 tỉnh trong khu vực (như sông Ba, Sê San, Sêrêpốk…) đã có 11 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành, 360 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ đang được quy hoạch và xây dựng. Sau sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện biên giới Đức Cơ, Gia Lai), đã đặt ra vấn đề an toàn các hồ, đập thủy điện và thủy lợi cho chính quyền địa phương các tỉnh Tây Nguyên.
Thủy điện Ia Krêl 2 (huyện Đức Cơ, Gia Lai) bị vỡ đập, đã gây lũ quét kinh hoàng ở vùng hạ du. Ảnh: Trung Đức
Lỗ hổng trong quản lý
Theo Sở Công thương Kon Tum, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 92,8 MW; 14 công trình thủy điện vừa và nhỏ đang triển khai xây dựng có tổng công suất 139,1 MW, còn lại đang trong giai đoạn lập báo cáo xin phép đầu tư, lập dự án đầu tư. Sau khi cấp phép đầu tư ồ ạt, thủy điện mọc lên như nấm nhưng chất lượng thì không được giám sát chặt chẽ, giờ mới lộ ra vấn đề về an toàn tại các đập thủy điện. Điển hình là sự cố vỡ tường thượng lưu thủy điện Đắk Mék 3 tại xã Đắk Choong (huyện biên giới Đắk Glei) xảy ra cuối tháng 11/2012, làm 1 người chết, đã bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý, giám sát, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. “Cháy nhà ra mặt chuột”, qua sự cố này mới hay chủ đầu tư tổ chức thi công sai thiết kế, chất lượng không bảo đảm; và Sở Công thương cũng không có hồ sơ công trình. Sau đó, tỉnh Kon Tum đã ra quyết định loại 21 vị trí thủy điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch.
Tương tự, UBND tỉnh Gia Lai cũng vừa ra các quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư 6 công trình thủy điện vì từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, các chủ đầu tư không triển khai việc đầu tư xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đã cam kết. Các công trình bị chấm dứt là thủy điện Đắk Ayounh, thủy điện Sơn Lang 1, Sơn Lang 2, thủy điện Ia Glae 2, thủy điện Plei Keo, thủy điện Ia Hiao. Có động thái “tích cực” như trên vì tháng 6/2012, tại vùng biên giới của tỉnh Gia Lai, đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) “bỗng dưng” bị vỡ toang, khiến người dân vùng hạ du phải chạy tán loạn, gần 200 ha cây công nghiệp, hoa màu và nhà cửa của đồng bào dân tộc thiểu số bị cuốn trôi, thiệt hại vô cùng. May mà chưa xảy ra sự cố chết người.
“Ngấm đòn” trong việc cấp phép cho các dự án thủy điện trên địa bàn, trong buổi làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Theo tôi, thủy điện nên dừng ở đây. Mất rừng cũng nhiều, người dân phá rừng, lâm tặc làm suy giảm nguồn rừng. Những công trình lớn phá rừng cả nghìn hécta. Vấn đề môi trường rất là lớn. Ngay trên địa bàn tỉnh Gia Lai, công trình thủy điện nhỏ nào đang làm thì cho làm. Cái nào quá thời hạn thì UBND tỉnh cho thu hồi và cái mới thì không cho xây nữa”!
Hồ đập bị xâm hại
Thủy điện thì như vậy, còn các công trình thủy lợi thì sao? Ghi nhận của phóng viên tại khu vực Bắc Tây Nguyên, tình trạng chung ở nhiều hồ đập xây dựng trong thời kỳ đất nước còn nhiều khó khăn sau chiến tranh, các nhu cầu dùng nước chưa cao, tiêu chuẩn thiết kế còn thấp, các nguồn đầu tư còn eo hẹp, nên ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, chủ đầu tư và nhà thi công đã thiết kế và xây dựng một số công trình có các nhược điểm như: Chưa đồng bộ, chất lượng thấp, thiếu mỹ quan, chưa thật an toàn. Các công trình xây dựng các năm gần đây đã được hiện đại hóa hơn, chất lượng có cao hơn. Trải qua thời gian khai thác lâu dài, nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp hoặc bị “lão hóa”.
Một thực tế là hiện nay, nhiều đơn vị quản lý, khai thác thiếu các trang thiết bị cần thiết và hiện đại để quản lý, bảo vệ, khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình. Công tác quan trắc phục vụ quản lý và nghiên cứu khoa học cũng chưa được chú ý. Đời sống người lao động ở các công ty, xí nghiệp quản lý, khai thác công trình thủy lợi gặp nhiều khó khăn… Do đó, khó có thể phát huy hiệu quả và đảm bảo an toàn bền vững cho công trình.
Đề cập tình trạng trên, công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Bắc Tây Nguyên cần phải nói đến đầu tiên, đó là đại thủy nông Ayun Hạ (nằm trên địa bàn huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), với công suất tưới lên đến 12.500ha cây trồng. Hiện nay, rừng thuộc lưu vực sông Ayun nói chung và rừng khu vực phụ cận lòng hồ Ayun Hạ nói riêng đang bị tác động mạnh bởi nhiều nhân tố, ảnh hưởng đến nguồn nước và sự bồi lấp lòng hồ có nguy cơ làm giảm tuổi thọ của công trình. Hệ thống kênh mương một số khu vực bị xuống cấp trầm trọng do hành vi xâm hại của người dân như: Tự ý cho xe trọng tải lớn đi trên bờ kênh chính, lấn chiếm đất trong chỉ giới bảo vệ công trình để xây dựng công trình dân dụng trái phép, tự ý đục phá bờ kênh trộm cắp tấm lát bọc kênh, trộm cắp các thiết bị vận hành của công trình trên kênh.
Theo ông Trương Vân, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai, bảo vệ công trình thủy lợi Ayun Hạ an toàn, bền vững không chỉ là nhiệm vụ cụ thể, chủ yếu của đơn vị mà là trách nhiệm thi hành pháp luật của toàn dân. Nếu công trình đầu mối, hồ chứa, vùng ngập lụt, rừng phòng hộ không được bảo vệ tốt, các hành vi kích động, chống đối, phá hoại không được phát hiện, ngăn chặn sẽ gây mất an toàn trong khu vực. Theo đó, nếu vỡ đập sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của hàng trăm nghìn dân trong khu vực các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) và tỉnh Phú Yên, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân hàng nghìn tỷ đồng và hậu quả sẽ kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, còn kéo theo lũ quét làm vỡ các đập thủy điện phía dưới hạ lưu sông Ba.
Đối với tỉnh Kon Tum, qua đợt kiểm tra mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban, ngành trong tỉnh về tình hình an toàn các hồ chứa thủy lợi, cho thấy: Các huyện, thành phố trong tỉnh chưa đăng ký an toàn đối với số hồ chứa do mình quản lý theo quy định. Việc lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du, phương án bảo vệ công trình cũng không được các địa phương thực hiện đúng quy định.
Trở lại vấn đề thủy điện vừa và nhỏ ở khu vực Tây Nguyên, với việc quy hoạch, phát triển ồ ạt thủy điện nhưng lại yếu trong khâu quản lý, giám sát như hiện nay, thủy điện vẫn tiếp tục là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất rừng, mất đất sản xuất, ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây nên những bất ổn đối với cuộc sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn hồ chứa.
Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nứt sụt đất xảy ra và phát triển khá phức tạp, gây hư hại các hệ thống đường giao thông, các công trình xây dựng dân dụng; đập thủy điện, thủy lợi, một số khu vực dân sinh. Các điểm nứt sụt đất lớn mang tính điển hình, xuất hiện nhiều lần, tập trung ở các huyện Đắk Glei, Đắk Tô, Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), huyện Đắk Rlấp (tỉnh Đắk Nông). |
Trung Đức
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nằm ở vị trí trung tâm, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1 có diện tích hơn 6.000m2 bị bỏ hoang nhiều năm nay. Khu đất này đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi để quản lý.
Cảnh Nhật
20:00 12/12/2024(Thanh tra) - Trong bối cảnh Móng Cái đang đẩy mạnh giao thương và du lịch Việt - Trung, Vinhomes Golden Avenue được kỳ vọng trở thành tâm điểm thương mại quốc tế với đa phương thức kinh doanh, tạo đa dòng lợi nhuận cho nhà đầu tư tại vùng lõi trung tâm thành phố.
TC
08:06 12/12/2024Hương Trà
09:24 11/12/2024Uyên Uyên
17:33 04/12/2024Uyên Uyên
11:16 04/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC