Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

“Loạn” môi giới bất động sản tại nhiều tỉnh, thành phía Nam

Thu Huyền - Nhật Tường

Thứ sáu, 04/03/2022 - 06:36

(Thanh tra) - Tung tin giả, thổi giá, tạo “sốt ảo”… là những chiêu trò mà các đối tượng “cò đất” thường sử dụng để trục lợi. Những chiêu trò này ngày càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát tại nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản (BĐS), gây thiệt hại cho rất nhiều khách hàng, nhà đầu tư.

Nhiều rủi ro khi mua nhà, đất thông qua lời quảng cáo của các đối tượng “cò mồi”. Ảnh: NT

Dùng chiêu trò để trục lợi

Cuối tháng 2/2022, một video clip về cảnh giao dịch BĐS tất bật, nhốn nháo được tung lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao. Sự việc diễn ra tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Tại đây, nhóm môi giới đã dựng rạp, tụ tập đông người và tổ chức “diễn” cảnh chốt cọc các lô đất tại “dự án Lộc Khánh”.

Cơ quan chức năng sau đó đã vào cuộc. Kết quả xác minh cho thấy, việc dựng rạp, tụ tập và “chốt cọc” chớp nhoáng được tổ chức bởi một nhóm người thuộc một công ty có trụ sở tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Theo chính quyền địa phương, ở xã Lộc Khánh hiện tại không có dự án khu dân cư nào được cấp phép. Các đối tượng liên quan đã bị lập biên bản về hành vi tụ tập đông người, thực hiện giao dịch BĐS nhưng không chứng minh được các giấy tờ pháp lý liên quan.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những sự việc tương tự như trên đã từng xảy ra ở nhiều địa phương và đằng sau đó là các chiêu trò nhằm tạo sốt đất ảo.

Cũng tại tỉnh Bình Phước, đầu năm 2021, các công ty đầu cơ đất và những đối tượng cò mồi đã lợi dụng việc khảo sát mở rộng Sân bay Técníc (huyện Hớn Quản) để tung thông tin sai sự thật, tạo sốt đất nhằm trục lợi. Cơn sốt này khiến giá đất (bao gồm cả đất nông nghiệp) tại các xã Tân Lợi, An Khương thuộc huyện Hớn Quản tăng lên gấp nhiều lần so với giá trị thực. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, cơn sốt đất hạ xuống, giá đất giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đành phải “ôm” đất hoặc bán tháo chịu lỗ.

Tại tỉnh Đồng Nai, cùng với việc triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông và các công trình công cộng, thị trường BĐS ở địa phương này trong những năm gần đây đang dần trở nên sôi động. Số lượng công ty BĐS và các sàn giao dịch BĐS tăng nhanh, cùng với đó là số lượng người tham gia làm môi giới ngày càng đông đảo. Rất nhiều người trong số đó không có chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn tham gia với tư cách là “nhân viên môi giới”, thậm chí tự phong là “chuyên gia môi giới BĐS”. Những đối tượng này tập trung thành số đông, dùng các chiêu trò nhằm tạo cơn sốt ảo, làm nhiễu loạn thị trường, gây khó khăn cho công tác quản lý. Không ít người trong số đó đã có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, bị xử lý hình sự.

Tháng 11/2021, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành cáo trạng truy tố đối với Đỗ Sơn Tùng (Giám đốc Công ty CP BĐS nhà đất Đồng Nai) và các đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ, Tùng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp rồi tự phân lô, “vẽ” ra dự án khu dân cư, sau đó chỉ đạo cấp dưới thực hiện việc quảng cáo, rao bán, tổ chức hội thảo khách hàng giới thiệu dự án. Tùng khai nhận đã thu về gần 123 tỷ đồng. Riêng số tiền hoa hồng các đồng phạm được hưởng từ việc giới thiệu bán đất, ký hợp đồng đặt cọc đã lên tới hàng trăm triệu đồng.

Cảnh nhốn nháo “chốt đơn” tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Ảnh cắt từ video clip

Một trong những vụ việc liên quan đến hoạt động môi giới BĐS được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây là việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Dương khởi tố, bắt tạm giam “siêu cò” Trần Thị Thúy Liễu (ngụ tại TP Thủ Dầu Một) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, Liễu làm nghề môi giới BĐS. Bằng nhiều thủ đoạn, đối tượng này đã nhận gần 85 tỷ đồng tiền đặt cọc mua đất của 20 khách hàng nhưng không thực hiện cam kết mà bỏ đi khỏi địa phương nên bị các khách hàng tố giác.

Cần siết chặt việc quản lý

Liên quan đến vụ việc nhóm người thuộc một công ty BĐS tổ chức dựng rạp, nhốn nháo “chốt cọc” tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Công an huyện Lộc Ninh đã vào cuộc xác minh và xác định nhóm người này có dấu hiệu vi phạm quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, đồng thời đề nghị UBND huyện Lộc Ninh ra quyết định xử phạt.

Vụ việc này cũng là bài học cho các địa phương về việc thường xuyên theo dõi, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với hành vi của các đối tượng “cò đất” dùng các chiêu trò, tung thông tin sai sự thật nhằm tạo sốt ảo và trục lợi bất chính từ các giao dịch BĐS.

TP Hồ Chí Minh là địa phương sôi động về hoạt động của thị trường BĐS. Đây cũng là địa bàn tập trung đông đảo những người hoạt động trong lĩnh vực môi giới nhà đất. Địa phương này đã sớm có những động thái nhằm chấn chỉnh các hoạt động liên quan đến kinh doanh, môi giới BĐS.

Ngày 21/5/2021, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã ký Văn bản số 1634/UBND-ĐT chỉ đạo các sở, ngành, UBND quận, huyện tăng cường chấn chỉnh việc quản lý Nhà nước về giá đất trên địa bàn. Trong đó có nội dung giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS, bảo đảm hoạt động này tuân thủ các quy định của pháp luật.

Điều 59, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt trong kinh doanh dịch vụ BĐS. Trong đó, các hành vi vi phạm về dịch vụ môi giới BĐS bị xử phạt bao gồm: Kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề hoặc chứng chỉ hành nghề hết thời hạn sử dụng theo quy định; tẩy xóa, sửa chữa chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS làm sai lệch nội dung chứng chỉ; cho mượn, cho thuê hoặc thuê, mượn chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS để thực hiện các hoạt động liên quan đến môi giới BĐS; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS đồng thời vừa là nhà môi giới vừa là một bên thực hiện hợp đồng trong một giao dịch kinh doanh BĐS.

Chính phủ đã có quy định điều chỉnh hoạt động môi giới BĐS. Vấn đề đặt ra đối với các địa phương là cần bám sát quy định, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhằm đưa hoạt động môi giới BĐS được thực hiện đúng theo quy định, thúc đẩy lĩnh vực kinh doanh BĐS phát triển một cách lành mạnh.

Đối với người mua, lời khuyên từ các chuyên gia về BĐS là cần tỉnh táo trước những chiêu trò của các đối tượng “cò đất”; kiểm tra kỹ thông tin về BĐS cần mua từ những nguồn tin đáng tin cậy, tránh “sập bẫy” do các chiêu trò thổi giá, tạo “sóng ảo”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm