Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 04/07/2017 - 06:35
(Thanh tra)- Đây là câu chuyện trái ngược xảy ra khi thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hậu quả của cách làm này đã tiềm ẩn nguy cơ tiếp khiếu đông người của công dân bị thu hồi nhà, đất trái pháp luật, còn hoạt động của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị lâm vào tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông cả đường không và đường bộ nhưng vẫn có sân golf rộng mênh mông chỉ dành phục vụ cho một số ít người. Ảnh: Thăng Dung
Đưa vào rồi lại rút ra
Trong quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất cho 13 sân golf tại các quận, huyện của TP Hồ Chí Minh, nhiều chủ đầu tư đã cố gắng giải thích và bổ sung nhiều số liệu để chứng minh sự cấp thiết phải có hạng mục sân tập golf, các khu biệt thự để cơ quan chức năng xem xét, cấp phép. Theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, thì 13 sân golf này đều có khu vực đánh golf và khu vực biệt thự, với quy mô chiếm đất hàng trăm ha.
Điều đáng lưu ý là có những diện tích đất được giao cho doanh nghiệp (DN) Nhà nước khai thác để phát triển hạ tầng đô thị nhằm phục vụ nhu cầu cộng đồng cũng được Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chuyển cho DN tư nhân làm sân golf theo kiểu "đúng quy trình".
Dự án sân golf và biệt thự có quy mô hơn 198ha tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, do Tập đoàn Vạn Phúc làm chủ đầu tư.
Cách đó không xa, tại phường An Phú, quận 2, cả một khu đất nông nghiệp và sông rạch mênh mông có diện tích hơn 137ha, cũng đã được quy hoạch xây dựng khu liên hợp sân golf, thể dục thể thao và nhà ở cao cấp. Để có diện tích cho dự án này, hơn 330 hộ dân đã bị thu hồi đất không đúng quy định của pháp luật và hàng chục năm qua, nơi đây đã phát sinh thành vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài.
Tại huyện Bình Chánh, cái tên sân golf Sing Việt có quy mô 300ha, từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh cho nhiều cơ quan chức năng và người dân. Chủ đầu tư là liên doanh gồm 4 DN nước ngoài đã bỏ mặc nghĩa vụ thương lượng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân, đẩy trách nhiệm cho UBND huyện Bình Chánh. Hệ quả là khu đất nông nghiệp 300ha từ năm 2008 đến nay vẫn hoang hóa, còn người dân và UBND huyện Bình Chánh, UBND TP Hồ Chí Minh phải cùng nhau lên nhờ Thanh tra Chính phủ làm trọng tài phân xử đúng sai về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đáng lẽ các chủ đầu tư phải phối hợp cùng cơ quan chức năng để tiếp xúc, vận động, thương lượng về giá trị quyền sử dụng đất để triển khai xây dựng sân golf đúng tiến độ thì động thái duy nhất được thực hiện chỉ là “chạy chính sách” để xin chuyển phần lớn diện tích sân golf thành biệt thự, hoặc xin rút ra khỏi danh mục sân golf đã được Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ trước phê duyêt, với mục đích dành đất xây nhà, xây biệt thự ven sông bán cho những người nhiều tiền lắm của. Điều làm dư luận bất bình là các kiến nghị này lại được cơ quan chức năng nhanh chóng chấp thuận với tốc độ giải quyết hồ sơ nhanh đến khó tin. Ngược lại, khi người dân bị thu hồi đất không đúng quy định khiếu nại thì việc giải quyết lại kéo dài với kết quả xác minh không khách quan, không công tâm dù Thanh tra Chính phủ đã có nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền.
Cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền thu hồi 157ha đất không bồi thường cho Cty Him Lam. Ảnh: Thăng Dung
Lấy đất sân bay làm sân golf
Chỉ đến khi cử tri và các đại biểu Quốc hội liên tục chất vấn thì câu chuyện về sân golf có quy mô 157ha trong sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất mới bắt đầu có hồi kết phù hợp. Sau đó, tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP Hồ Chí Minh, trong phát biểu của lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã làm dư luận vui mừng khi lối ra của vấn đề làm sao hủy bỏ sân golf trong sân bay đã sáng tỏ hơn.
Thực ra, đây là sự kiện nhức nhối và trái ngược với các quy luật kinh tế khi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất bị lâm vào tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông cả đường không và đường bộ làm cả triệu hành khách bị ảnh hưởng nhưng vẫn có sân golf rộng mênh mông chỉ dành phục vụ cho một số ít người.
Trong quá trình phản ánh về sai phạm quản lý sử dụng đất cho giao thông khu vực xung quanh sân bay, theo Kết luận số 158/KL-TTCP ngày 30/1/2011 của Thanh tra Chính phủ, nhiều cơ quan báo chí đã phân tích làm rõ nguyên nhân vì sao sân bay ngập nước kéo dài, tại sao giao thông luôn trong tình trạng kẹt cứng. Sau đó, một giải pháp cấp bách đã được UBND TP Hồ Chí Minh vận dụng để giải quyết là xây dựng cầu vượt với mục đích hạn chế tình trạng giao thông quá tải nhưng về lâu dài nếu các con đường ra vào sân bay không được điều chỉnh với tư duy khoa học hơn thì căn bệnh cũ sẽ còn tái diễn.
Nếu tính đúng, tính đủ, thì việc xây dựng sân golf trong sân bay là sai pháp luật. Do đó, cơ quan chức năng hoàn toàn có quyền thu hồi 157ha đất không bồi thường cho Cty Him Lam. Nhưng điểm nghẽn là trong các văn bản liên quan đến sân golf này đều thể hiện là chỉ khi nào Bộ Quốc phòng có nhu cầu sử dụng đất thì Cty Him Lam sẽ trả lại mà không nhận bồi thường tài sản đã đầu tư trên đất. Trước đó, nhằm có thêm sân đậu máy bay, Bộ Quốc phòng đã bố trí thêm 22ha đất của một DN quốc phòng trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất nhưng vẫn không giải quyết được bài toán là sân bay có sân golf.
Có một sự thật là Cty Him Lam đã có đến 2 sân golf tại TP Hồ Chí Minh, gồm sân golf trong sân bay tại quận Tân Bình và sân golf An Phú tại quận 2. Hiện tại, thông qua các tổ chức tài chính, Cty Him Lam đã rót nhiều ngàn tỷ đồng để triển khai xây dựng khu biệt thự tại khu đất sân golf quận 2, dù phần lớn diện tích đất này vẫn đang bị người dân khiếu nại về giá bồi thường, phần đất còn lại là đất công cộng nhưng được giao cho chủ đầu tư không qua đấu giá.
Đây là những vấn đề cần được cơ quan chức năng làm rõ để minh bạch hóa các nguồn lợi nhuận từ đất đai trong quá trình thực hiện các dự án của Cty Him Lam tại TP Hồ Chí Minh, để có thể nhanh chóng chấm dứt hiện tượng lấy đất sân bay làm sân golf.
Giáng Thăng - Bao Dung
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.
Đông Hà
20:01 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 13/12, UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức buổi làm việc nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai và triển khai Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Yên Bái.
Bùi Bình
20:04 13/12/2024T.T
17:00 13/12/2024TC
13:00 13/12/2024Cảnh Nhật
20:00 12/12/2024Ngọc Giàu
T.Lương
Đông Hà
Cảnh Nhật
Thu Huyền
Đông Hà
Đông Hà
Nguyễn Điểm
Kim Thành
Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân