Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đẩy nhanh tiến độ giữa nhiều khó khăn, thách thức

Thứ hai, 07/04/2014 - 07:03

(Thanh tra) - Khi nhiều dự án (DA) giao thông trên Quốc lộ (QL) 1A đoạn qua hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa bị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê bình do thi công ì ạch, thì một số chủ đầu tư (CĐT) của các DA khác đã biết cách linh động, vận dụng các mối liên kết để đẩy nhanh tiến độ thi công và tiết kiệm chi phí cho DA, được các cơ quan chức năng Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.

DA trọng điểm quốc gia hầm đường bộ qua Đèo Cả (DA Đèo Cả) do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Công ty Đèo Cả) làm CĐT với tổng vốn 15.603 tỷ đồng, được khởi công vào cuối năm 2012. DA hứa hẹn mang lại 13,4km đường nhựa hiện đại, trong đó có hầm Cổ Mã dài 500m, hầm chính Đèo Cả dài 3.900m. Song song đó, DA nâng cấp mở rộng QL1A đoạn qua huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) dài 37,7km do Công ty CP Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa (Công ty Đèo Cả Khánh Hòa) làm CĐT với mức vốn 2.664 tỷ đồng, khởi công ngày 26/5/2013. Công trình này sử dụng đá làm nguyên liệu xây dựng chính, ước tính khoảng 1 triệu mét khối nên đã xảy ra tình trạng các chủ mỏ đá thi nhau tăng giá, làm khó CĐT.

Để chấm dứt tình trạng làm ăn theo kiểu “chụp giật” của các chủ mỏ đá, Công ty Đèo Cả Khánh Hòa đã chủ động đàm phán với nhà cung cấp vật liệu xây dựng, đơn vị này phối hợp cùng Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Hà (chủ mỏ đá Hòn Giốc Mơ) để mở rộng đầu tư thiết bị dây chuyền khai thác đá với giá thành chấp nhận được, hiện nay đang khẩn trương khai thác và tập kết đến công trường.

“Sự liên kết này sẽ đảm bảo đá nguyên liệu được cung cấp liên tục và đầy đủ để thi công, giúp giữ vững mức giá hợp lý suốt quá trình triển khai DA. Giá này thấp hơn thị trường 30% khiến chi phí cho DA giảm đáng kể, dẫn đến thời gian thu hồi vốn được rút ngắn! Kết quả lớn nhất là công trình sẽ được đưa vào khai thác sớm hơn kế hoạch khoảng 6 tháng”, ông Trần Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Đèo Cả Khánh Hòa cho biết.

Để tránh việc sử dụng nguồn vốn ODA có thể làm tăng chi phí DA, thêm nặng nợ công cho quốc gia, Bộ GTVT đã thống nhất chiến lược: Cho phép CĐT huy động nguồn vốn lớn trong nước để thực hiện DA, và chỉ đạo quyết liệt CĐT phải sử dụng nội lực bằng cách chỉ định hai DN có năng lực mạnh, giàu kinh nghiệm nhất là: Công ty CP Sông Đà 10 và Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô làm nhà thầu chính (NTC).CĐT cũng thuê tổ chức Apave tư vấn giám sát toàn bộ DA, đồng thời, yêu cầu các NTC phải thuê chuyên gia giỏi đến từ Nhật Bản và Pháp để điều hành quá trình thi công nhằm đảm bảo về an toàn, chất lượng, tiến độ và nhanh chóng xử lý nếu có sự cố xảy ra.

Tiến sĩ, Thiếu tướng Đào Trọng Thanh, cố vấn cao cấp DA Đèo Cả nhận định: “Việc sử dụng nguồn vốn và NTC trong nước, trước hết là để bảo toàn nguồn vốn, không chảy ngoại tệ ra nước ngoài và sẽ tiết kiệm được một số chi phí đáng kể so với tính toán ban đầu”.

Tại công trình hầm Cổ Mã thuộc gói thầu số 2 của DA Đèo Cả, vào những ngày đầu tháng 4 này, ông Nguyễn Văn Quảng (đại diện Công ty Cổ phần Sông Đà 10) chia sẻ: “Do được CĐT hỗ trợ tốt, ứng tiền trước nên chúng tôi có điều kiện huy động nguồn nhân lực, mua sắm thiết bị vật tư, áp dụng công nghệ đào hầm NATM của Áo để thi công đảm bảo thực hiện đúng chất lượng và tiến độ”.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Tường Thuật xúc động khi phát biểu với báo giới: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn eo hẹp, việc nhiều DN tìm cách hợp sức lại để triển khai DA chính là biểu hiện của tâm huyết, trí tuệ, công sức và lòng dũng cảm. Ban đầu, Công ty Đèo Cả còn gặp nhiều khó khăn và trở ngại, nhưng hiện tại họ đã ổn định, mọi việc đang phát triển một cách bài bản, thuận lợi nên nhân dân chúng tôi có cơ sở để tin tưởng, hy vọng đến năm 2017, tất cả các đoạn đường và hầm Đèo Cả trên QL1A qua hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa sẽ hoàn thành tốt đẹp để thông tuyến”. CĐT và các nhà thầu quyết tâm bằng mọi cách để đẩy nhanh tiến độ. Công trình đang trong giai đoạn thi công hối hả ngày đêm. 

Nhưng gần đây, dư luận đặt câu hỏi là tại sao DA Đèo Cả chưa hoàn thành đã vội tổ chức thu phí, vô tình tạo ra những luồng thông tin trái chiều. Phóng viên Báo Thanh Tra đã có được thông tin từ nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, hiện giữ chức cố vấn cao cấp của DA Đèo Cả. Theo ông Dũng, để hỗ trợ CĐT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế thực hiện tại Công văn số 476/TTg-KTN ngày 11/4/2012. Trong đó, cho phép CĐT được tiếp nhận Trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An trên QL 1A để đảm bảo khả năng hoàn vốn cho DA. CĐT đã thanh toán 118 tỷ đồng để mua lại quyền thu phí đến hết năm 2014, nhưng họ chỉ chính thức được thu phí tại trạm này từ đầu năm 2015. Ngày 19/3/2013, Bộ GTVT cũng đã có Thông báo số 155/TB-BGTVT về việc xác định Trạm Ninh An sẽ dùng để hoàn vốn cho DA BOT mở rộng QL 1A đoạn từ hầm Đèo Cả đến Km 1.425 tỉnh Khánh Hòa. 

Một băn khoăn khác là việc Công ty Đèo Cả quyết định tăng phí từ đầu tháng 02/2014, ông Dũng viện dẫn các văn bản pháp quy để giải thích lý do như sau: Theo quy định tại Hợp đồng DA Đèo Cả ký giữa Bộ GTVT - Đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, với Công ty Đèo Cả ngày 08/11/2012, CĐT được phép tăng phí sử dụng đường bộ theo lộ trình, được tính toán trong phương án tài chính của DA, đã qua các bước thẩm định của Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (TC) và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Ngày 19/12/2013, Bộ TC đã ban hành Thông tư số 197/2013/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí... Quyết định tăng phí này là kết quả của một quá trình nghiên cứu và chuẩn thuận nghiêm túc của các cơ quan có thẩm quyền, do đó việc dư luận phản ứng chắc là do hiểu nhầm hoặc không có được thông tin đầy đủ. Trong khi đó, một nguồn ý kiến nữa phàn nàn việc xe của các DN vận tải xăng dầu chạy trên tuyến đường không liên quan đến DA Đèo Cả nhưng vẫn bị thu phí, ông Dũng lý giải cặn kẽ rằng việc thu phí xe chở xăng dầu là thu cho phần đường hiện tại, không liên quan đến DA Đèo Cả. Khi DA này hoàn thành, trạm thu phí mới sẽ được thiết lập để thu phí xe đi qua hầm mà thôi! 

Người dân cả nước, đặc biệt cư dân đang sinh sống tại Phú Yên và Khánh Hòa đang ước mơ ngày DA tầm cỡ quốc gia này đi vào hoạt động đầu năm 2017. Người ta càng có niềm tin lớn hơn vào công trình khi chứng kiến cách tháo gỡ khó khăn và phúc đáp thông tin cho dư luận một cách uyển chuyển, linh hoạt của cả CĐT lẫn NTC. Điều này có thể ít nhiều trở thành hình mẫu của các DN xây dựng cầu đường cả nước trong lộ trình triển khai thi công các DA khác.


Hữu Dũng

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

Sẽ cưỡng chế dự án trường đang dở bán đấu giá hơn 88 tỷ đồng

(Thanh tra) - Theo cơ quan chức năng, toàn bộ công trình xây dựng Dự án Trường Tiểu học và THCS dân lập Thanh Hóa tại khu đô thị mới Đông Hương, TP Thanh Hóa được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, vừa được đấu giá thành bằng hình thức đấu giá trực tuyến với giá trúng là hơn 88 tỷ đồng.

Hương Trà

09:24 11/12/2024
Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

Vì sao giá bất động sản tăng chóng mặt?

(Thanh tra) - Trong 5 năm qua, tăng trưởng giá bất động sản của Việt Nam là gần 60%, cao hơn nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia - đang ở mức trên dưới 50%, hay Nhật Bản- Singapore, hiện ở mức trên dưới 40%, theo số liệu thống kê của trang batdongsan.com

Uyên Uyên

17:33 04/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm