Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đầu tư 9 tỷ đồng để bỏ hoang

Thứ bảy, 11/04/2015 - 06:24

(Thanh tra) - Địa bàn xã Ea Huar và xã Krông Na, huyện Buôn Đôn có khoảng 300 ha lúa rất cần nguồn nước tưới, nhất là vào mùa khô hạn. Năm 2008, hàng trăm hộ dân vui mừng vì thấy công trình thủy lợi rầm rộ xây dựng kiên cố. Có điều, đằng đẵng 6 năm qua, người dân vẫn chỉ biết chờ trong vô vọng.

Được đầu tư 9 tỷ đồng, xây dựng hoành tráng, nhưng công trình thủy lợi Đắk Huar bị bỏ hoang suốt 6 năm qua. Ảnh: Quỳnh Anh

Mỏi mòn chờ nước

Đang là giữa vụ Đông Xuân, nhưng hơn 200ha lúa của cánh đồng Nà Xược thuộc xã Ea Huar mênh mông một màu vàng khô của gốc rạ từ vụ trước để lại. Hỏi ra mới biết, do thiếu nước tưới nên người dân thường ép vụ, cấy luôn vụ Đông Xuân ngay khi vừa thu hoạch xong vụ mùa.

Theo chị H’Dung Niê (tại xã Ea Huar), những nơi khác đang gieo trồng vụ Đông Xuân thì tại Nà Xược, người dân đã thu hoạch xong xuôi từ trước Tết Nguyên đán. “Vì gieo trồng không đúng thời vụ nên năng suất lúa rất thấp. Tuy nhiên, do sau Tết không có nước để canh tác nên chúng tôi tranh thủ tận dụng, thu được chừng nào hay chừng đó còn hơn mất trắng không được hạt lúa nào”, chị H’Dung cho biết. Khi được hỏi về công trình thủy lợi, chị H’Dung chỉ biết ngao ngán lắc đầu.

Cách không xa cánh đồng Nà Xược, công trình thủy lợi đã hoàn thành với thân đập kiên cố, van đóng xả nước, tuyến kênh mương thẳng tắp bằng xi-măng rộng đẹp nhưng tất cả đều đang… bị bỏ hoang. Theo quan sát của phóng viên, công trình đang dần xuống cấp do quá lâu không được sử dụng. Mặt đập bị sụt lún, hư hỏng, cây cỏ, rêu mốc bao phủ khắp nơi. Ngày ngày, thân đập oằn mình trước từng lượt xe công nông chở hàng tấn nông sản lưu thông khiến đập thêm xuống cấp.

Ông Nguyễn Khắc Hùng, Chủ tịch UBND xã Ea Huar cho biết, trước giờ nước của cánh đồng Nà Xược chủ yếu dựa vào tuyến kênh dẫn nước từ sông vào. Do đó, khi nước sông cạn thì đồng ruộng người dân không có nước để gieo trồng. Năm 2008, UBND tỉnh quyết định xây dựng công trình thủy lợi Đắk Huar bằng nguồn vốn vay của Quỹ Kuwait với tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các xã Ea Huar, Krông Na bởi đây đều là xã đặc biệt khó khăn của huyện Buôn Đôn. Tuy nhiên, “do khu vực lòng hồ có hơn 95ha rừng tự nhiên, gồm 11,2ha rừng phòng hộ và 84,7ha rừng sản xuất, theo quy định phải trồng rừng thay thế mới đưa công trình vào sử dụng, đến nay huyện chưa thể trồng rừng theo quy định nên công trình vẫn chưa thể tích nước”, ông Hùng nói.

9 tỷ chưa hẹn ngày sử dụng

Năm 2006, Nghị định 23 của Chính phủ ra đời quy định việc trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Xanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, nghị định ra đời nhưng không có hướng dẫn cụ thể nên địa phương chưa thực hiện được. Đến năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra thông tư hướng dẫn thì huyện lại không còn quỹ đất trồng rừng.

Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Lắk đầu tư 9 tỷ đồng xây dựng công trình thủy lợi Đắk Huar, huyện Buôn Đôn, để cung cấp nước tưới cho người dân. Mặc dù công trình đã hoàn thành nhưng suốt 6 năm qua vẫn bị bỏ hoang, không thể tích nước đưa vào sử dụng…

Theo quy định, nếu không có quỹ đất trồng rừng thì chủ đầu tư phải nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để bố trí trồng rừng nơi khác. Ngày 10/2/2015, huyện Buôn Đôn có văn bản cho rằng hồ chứa nước Đắc Huar là công trình do ngân sách đầu tư 100%, nguồn kinh phí trồng rừng thay thế cũng phải lấy từ ngân sách tỉnh. Do vậy, huyện đề nghị xem xét được miễn việc trồng rừng thay thế cho công trình này.

Trao đổi về đập thủy lợi ở Buôn Đôn, ông Dương Thể, Phó Trưởng phòng Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cho biết, để đưa công trình thủy lợi Đắk Huar vào sử dụng thì phải chuyển mục đích sử dụng đất rừng. Theo quy định, UBND huyện Buôn Đôn phải có phương án trồng rừng thay thế được cấp thẩm quyền phê duyệt. Khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường mới tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, huyện phải lập phương án trồng rừng thay thế, đề nghị UBND tỉnh cấp vốn để thực hiện hoặc nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh. “Phải chờ tới khi nào huyện làm đầy đủ các thủ tục thì chúng tôi mới tham mưu được. Chứ cứ làm để người dân có nước sản xuất lỡ thanh tra vào kiểm tra thì chúng tôi vi phạm và bị kỷ luật thì ai chịu?”, ông Thể nói.

Quỳnh Anh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

Hà Nội: Xây "chui" loạt căn hộ trên tầng mái chung cư

(Thanh tra) - Tại tầng mái chung cư CT2 Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), 4 căn hộ đã được xây dựng trái phép và bán cho người dân. Vụ việc cho thấy vẫn có doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật về xây dựng để trục lợi, đẩy gánh nặng khắc phục hậu quả lên khách hàng và cơ quan quản lý.

Đông Hà

20:01 14/12/2024
Yên Bái đẩy mạnh công tác triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

Yên Bái đẩy mạnh công tác triển khai thi hành Luật Đất đai 2024

(Thanh tra) - Ngày 13/12, UBND tỉnh Yên Bái đã phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức buổi làm việc nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về đất đai và triển khai Luật Đất đai 2024 trên địa bàn tỉnh. Buổi làm việc có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cùng đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Yên Bái.

Bùi Bình

20:04 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm