Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công ty Lam Sơn của bà Nguyễn Thị Thành đóng vai trò gì tại dự án CSEDP Lotus?

Quang Dân

Chủ nhật, 28/07/2024 - 13:44

(Thanh tra) - Câu chuyện Công ty SIGMA- doanh nghiệp thành lập vài tháng tuổi trúng dự án CSEDP Lotus với giá 8 triệu đồng/m2 rồi bán hơn 55 triệu đồng/m2 vẫn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là giới chủ kín tiếng đứng sau công ty này.

Giới chủ đứng sau Công ty SIGMA được dư luận quan tâm. Ảnh: Quang Dân.

Hé mở vai trò Công ty Lam Sơn tại dự án CSEDP Lotus

Như Báo Thanh tra đã đề cập, tại Thanh Hoá, Công ty TNHH Đầu tư SIGMA (Công ty SIGMA) đã trúng dự án Khu dân cư dọc hai bên đường dự án CSEDP (Dự án CSEDP Lotus) với giá 8 triệu đồng/m2 rồi bán hơn 55 triệu đồng/m2, góp phần đưa lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trong năm 2023.

Công ty SIGMA thành lập ngày 28/1/2021 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trước 10 tháng tính đến thời điểm được lựa chọn thực hiện dự án dự án CSEDP Lotus. Cơ cấu cổ đông, chủ sở hữu không được doanh nghiệp này công bố.

Ông Nguyễn Hoài Nam (sinh năm 1979), là người giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty. Ngoài đứng tên tại Công ty SIGMA, ông Nguyễn Hoài Nam còn góp vốn vào Công ty Cổ phần (CTCP) Đầu tư Xây dựng và Thương mại Lam Sơn (MST: 2802432664), CTCP HIRAKU (MST: 2802723014) và CTCP Đầu tư phát triển Gama (Công ty Gama, MST: 2802839001)..

Tuy nhiên, nói về dự án CSEDP Lotus, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Thuơng mại Lam Sơn (Công ty Lam Sơn). Đặc biệt, về mối liên hệ khăng khít giữa giới chủ của hai doanh nghiệp này.

Dữ liệu Báo Thanh tra cho biết, Công ty Lam Sơn được thành lập tháng 11/2000, có địa chỉ tại phường Đông Hương, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Công ty này có ngành nghề chính là xây dựng các công trình công nghiệp, thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, công trình điện đến 110KV.

Cập nhật đến ngày 15/6/2023, vốn điều lệ công ty đạt 420 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thành nắm giữ 96,905%, ông Nguyễn Minh Hải sở hữu 2,381% và bà Lưu Thị Thu Nga sở hữu 0,714% cổ phần còn lại.

Tại Thanh Hoá, Công ty Lam Sơn đang thực hiện một số dự án bất động sản như: Sky Park Complex - Khu đô thị sinh thái Núi Long, Khu dân cư Trường Đại học Hồng Đức (Đông Sơn).

Đồng thời, doanh nghiệp này cũng là nhà thầu quen mặt tại tại quê nhà như Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng thị xã Nghi Sơn, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Đông Sơn, Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và Các khu Công nghiệp Thanh Hóa.. Chi tiết hơn về hệ sinh thái Công ty Lam Sơn cùng các cổ đông của doanh nghiệp này sẽ được Báo Thanh tra đề cập trong một bài viết khác.

Công ty Lam Sơn là đơn vị thi công dự án CSEDP Lotus. Ảnh: Quang Dân.

Mối thân tình giữa giới chủ Công ty Lam Sơn và Công ty SIGMA

Đáng chú ý rằng, năm 2019, bà Nguyễn Thị Thành (cổ đông nắm quyền chi phối cổ phần Công ty Lam Sơn) còn góp vốn vào CTCP HIRAKU, doanh nghiệp do ông Nguyễn Hoài Nam giữ vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.

Theo đó, CTCP HIRAKU thành lập ngày 31/5/2019, có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm ông Nguyễn Hoài Nam góp 90%, bà Nguyễn Thị Thành góp 7% và ông Lê Hữu Sáu góp 3%.

Năm 2020, CTCP HIRAKU là doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng đất khu đất có tổng diện tích hơn 37.000m2 (gồm 399 lô đất liền kề) dự án Khu nhà ở, công viên cây xanh thuộc Khu đô thị Nam TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, tại dự án này, CTCP HIRAKU từng bị UBND thành phố Thanh Hoá “tuýt còi” vì treo dự án lâu năm.

Sau nhiều thay đổi, tính đến ngày 1/7/2024 mới đây, vốn điều lệ CTCP HIRAKU đạt 200 tỷ đồng, danh sách cổ đông không được tiết lộ. Bà Hoàng Thị Hà (sinh năm 1984) giữ chức vụ Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật công ty.

Bên cạnh đó, mối thân tình của giới chủ Công ty Lam Sơn và Công ty SIGMA còn được thể hiện ở việc Liên danh Công ty Lam Sơn - CTCP Đầu tư Phát triển Gama - CTCP Dịch vụ Thanh Hóa (Công ty dịch vụ Thanh Hoá) cùng “quan tâm” đến dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường vành đai Đông Tây thuộc quy hoạch khu vực Đông Ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, TP Thanh Hóa. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 3.300 tỷ đồng.

Theo đó, CTCP Đầu tư phát triển Gama (Công ty Gama) được thành lập ngày 8/4/2020. Đây là doanh nghiệp do ông Nguyễn Hoài Nam nắm giữ đến 66% cổ phần. Như đã đề cập, ông Nam cũng là giám đốc Công ty SIGMA - chủ đầu tư dự án CSEDP Lotus.

Đáng nói, dù liên danh cùng Công ty Lam Sơn và Công ty Dịch vụ Thanh Hoá quan tâm đến dự án Khu dân cư phía Tây Nam đường vành đai Đông Tây thuộc quy hoạch khu vực Đông Ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, TP Thanh Hóa, thế nhưng tiềm lực Công ty Gama không thật sự nổi bật trong giai đoạn vừa qua.

Theo đó, hai năm gần nhất (năm 2022 và 2023) Công ty Gama không ghi nhận doanh thu, mỗi năm lỗ sau thuế vài triệu đến vài chục triệu đồng vì chi phí quản lý kinh doanh.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản Công ty Gama đạt 500 tỷ đồng. Trong đó, chiếm phần lớn tài sản của công ty là các khoản phải thu với 450 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc có 90% tài sản đang nằm ngoài công ty.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

Giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất?

(Thanh tra) - Đầu cơ, "tạo giá ảo", "thổi giá", khan hiếm nguồn cung… được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến thị trường bất động sản (BĐS) tăng chóng mặt trong thời gian qua, tuy nhiên, giải pháp nào “hạ nhiệt” giá nhà đất vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.

Trần Quý

13:17 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm