Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Công trình 8B Lê Trực có được miễn giấy phép xây dựng?

Thứ sáu, 09/09/2016 - 10:58

Theo quy định của Nghị định 64/2012/NĐ-CP thì công trình 8B Lê Trực thuộc diện miễn cấp phép xây dựng?.

Dự án 8b Lê Trực

Theo quy định dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) thuộc đối tượng không phải xin giấy phép xây dựng (GPXD), nhưng theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ đầu tư vẫn phải liên hệ với Sở Xây dựng Hà Nội để xin GPXD.

Thế là một tờ GPXD “trái quy định” vẫn được “ra đời”, để hiện nay UBND quận Ba Đình đang căn cứ vào tờ GPXD “trái quy định” này để xử lý đối với công trình 8B Lê Trực, việc này liệu có đúng quy định?

Dự án thuộc diện miễn phép?

Như đã thông tin, đối với dự án 8B Lê Trực đã có Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 thì thuộc đối tượng không phải xin GPXD.

Thế nhưng không hiểu căn cứ vào quy định nào, ngày 16/3/2009 Sở Quy hoạch - Kiến trúc vẫn ban hành công văn 499/QHKT-P3 đề nghị Cty May Lê Trực liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng theo Quyết định 79/2007/QĐ-UBND ngày 11/7/2007.

Theo quy định này thì Dự án 8B Lê Trực thuộc diện “miễn phép”. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, Sở QHKT lại hướng dẫn và ép chủ đầu tư phải xin GPXD, cũng chính vì vậy mà khi Sở XD chưa cấp GPXD cho dự án mặc dù đã thẩm định TKCS và cho phép Chủ đầu tư thi công cọc khoan nhồi.

Cũng chính vì Sở XD không chịu cấp GPXD cho Dự án nên dự án đã phải dừng tới 4 năm. Cũng sau 4 năm này, Sở QHKT tự ý hồi tố điều chỉnh phương án kiến trúc xuống còn 18 tầng, cao 53m (giảm đi 2 tầng nhưng lại giảm đi đến gần 17m) tại văn bản số 3546/QHKT-P3 ngày 24/10/2013.

Giá trị pháp lý của GPXD đã trở thành “trái phép” khi Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã hồi tố điều chỉnh quy mô công trình từ 20 tầng (bao gồm 17 tầng, 02 tầng kỹ thuật và tầng mái) từ chiều cao công trình là 69,1m xuống chỉ còn cao có 53m và từ 20 tầng xuống chỉ còn 18 tầng và việc điều chỉnh này cũng không theo một quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 điều chỉnh nào.

Mặt khác, Sở Quy hoạch - Kiến trúc lại yêu cầu chủ đầu tư liên hệ với Sở Xây dựng để cấp phép GPXD.

Đối với các nhà chuyên môn, đó là điều sai của Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng Hà Nội, sai từ việc hồi tố quy hoạch vô căn cứ, đến việc yêu cầu chủ đầu tư phải có GPXD khi mà các quy định chỉ rõ dự án 8B Lê Trực thuộc diện “miễn phép”.

Điều đặc biệt quan trọng là, ngày 12/10/2015, UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định số 2673/QĐ-UBND về việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng công trình trái pháp luật.

Theo đó, tại Điều 1 quyết định nêu rõ: Phạt tiền với mức phạt là 100 triệu đồng, do đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình số 1 (Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê) sai nội dung GPXD số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 do Sở Xây dựng cấp và Hồ sơ thiết kế được xác nhận kèm theo GPXD đối với trường hợp dự án đầu tư xây dựng được xây dựng mới.

Có thể thấy, những nội dung trái pháp luật của Quyết định số 2673/QĐ-UBND của UBND quận Ba Đình đã vi phạm Điều 5, Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009 về Nguyên tắc tuân thủ quy hoạch đô thị.

Cụ thể tại Điều 5, Luật Quy hoạch đô thị quy định rõ: Tổ chức, cá nhân khi thực hiện các chương trình, kế hoạch đầu tư xây dựng phát triển đô thị, quy hoạch chuyên ngành trong phạm vi đô thị, kế hoạch sử dụng đất đô thị, quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong đô thị, thực hiện quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị hoặc thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến quy hoạch đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị.

Theo đó, để xác định hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại dự án này, UBND quận Ba Đình phải căn cứ theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008, bởi quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 có hiệu lực pháp lý cao hơn GPXD số 11/GPXD-SXD2014 ngày 24/03/2014 của Sở Xây dựng Hà Nội.

Việc UBND quận Ba Đình chỉ căn cứ vào GPXD số 11/GPXD-SXD để xác định phần vi phạm trật tự xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ toàn diện việc thi công xây dựng công trình và thuê lập, thẩm tra, phê duyệt phương án phá dỡ phần vi phạm trật tự xây dựng là trái quy định pháp luật vì chủ đầu tư xây dựng công trình đã tuân thủ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt (20 tầng, chiều cao 69,1m).

Bên cạnh đó, ngày 04/09/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định 64/2012/NĐ-CP về cấp phép xây dựng. Trong đó, tại khoản 1, Điều 27 Nghị định về xử lý chuyển tiếp quy định:

"Những công trình, theo quy định trước khi Nghị định này có hiệu lực (20/10/2012) thuộc đối tượng không phải có GPXD, nhưng theo quy định của Nghị định này phải có giấy phép, nếu đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp GPXD".

Điều này cho thấy, dự án 8B Lê Trực đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã khởi công xây dựng từ năm 2010 thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp GPXD.

Thế nhưng không hiểu vì căn cứ gì, công trình 8B Lê Trực vẫn “bị” cấp GPXD, để rồi sau này công trình phải tuân thủ theo các nội dung của GPXD trái pháp luật. 

Giấy phép xây dựng liệu có trái pháp luật?

Rõ ràng, việc điều chỉnh quy hoạch và hướng dẫn cấp GPXD đối với dự án 8B Lê Trực của Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã “sai cơ bản”, khiến chủ đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ để xin GPXD trái pháp luật, vậy giá trị của tờ GPXD được Sở Xây dựng cấp cho Cty CP May Lê Trực liệu có giá trị pháp lý không?

Từ những căn cứ trên cho thấy, Hà Nội đã hướng dẫn doanh nghiệp làm một việc trái quy định, để rồi lấy đó làm căn cứ để xử lý vi phạm của chính doanh nghiệp này thì đúng là chưa từng xảy ra tiền lệ. 

Trở lại với vấn đề cưỡng chế phá dỡ tòa nhà 8B Lê Trực, hiện Hà Nội đang rất “sốt sắng” chỉ đạo UBND quận Ba Đình tổ chức hoàn thiện phương án phá dỡ, tổ chức chỉ đạo UBND phường Điện Biên tập trung phối hợp đơn vị thi công tổ chức cưỡng chế phá dỡ toà nhà. 

Tuy nhiên, theo thông tin mà chúng tôi nắm bắt được, hiện các đơn vị phá dỡ tại tòa nhà đang tổ chức phá dỡ công trình một cách bất chấp pháp luật, bởi theo quy định việc phá dỡ phải có phương án và được được công khai, được thẩm tra và có đơn vị tư vấn giám sát.

Thế nhưng, sau nhiều ngày, đến nay UBND quận Ba Đình vẫn chưa có một bản phương án chính thức, được đơn vị tư vấn có năng lập, thẩm tra và được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt cho thực hiện.

Ông Lê Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Cty CP May Lê Trực cho biết: "Việc tổ chức phá dỡ công trình thời gian qua của UBND quận Ba Đình là trái quy định pháp luật, gây thiệt hại về chất lượng, tuổi thọ công trình phần còn lại.

Bởi thời điểm phá dỡ Cty TNHH thương mại và xây dựng Hải Anh Phát đã sử dụng phương án phá dỡ 7 tháng của Cty CP May Lê Trực phê duyệt, Cty CP tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng CONINCO thẩm tra.

Tuy nhiên các phương án này đã không còn giá trị thực hiện khi có quyết định cưỡng chế. Cho đến hiện nay, mặc dù đã thay đổi đơn vị phá dỡ là Cty CP hạ tầng Phương Bắc, nhưng Cty cũng chưa nhận được bất kỳ phương án phá dỡ được đơn vị tư vấn có năng lực lập, thẩm tra và phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, vậy thời gian qua UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên lấy căn cứ gì để tổ chức phá dỡ công trình của chúng tôi.

Tôi cũng xin hỏi các vị lãnh đạo quận, phường rằng “cố gắng lấy điểm với lãnh đạo thành phố, Đảng và Nhà nước bằng cách cố tình gây oan sai liệu có đúng đắn không?

Trong khi đó có hàng ngàn công việc chính đáng đòi hỏi phải công tâm thực hiện thì còn bị bỏ ngỏ?".

Được biết, về những tồn tại của dự án 8B Lê Trực, UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, vậy theo quy định dự án không phải xin GPXD nhưng vẫn phải xin GPXD;

Theo quy hoạch đã được phê duyệt thì chiều cao tối đa của công trình được phép xây dựng là 70m và được phép xây 17 tầng, khối đế là 5 tầng đã được Hà Nội báo cáo đầy đủ chưa?

Có lẽ câu hỏi này rất cần Hà Nội sớm có thông tin trả lời, để công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng ngày càng minh bạch, đảm bảo yếu tố “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra".

Theo Hà Minh/GDVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm