Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ tư, 15/01/2014 - 10:37
(Thanh tra)- Trả lời phỏng vấn Báo Thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp dùng từ “khuất nẻo” để chỉ cho vị trí địa lý và giao thông của địa phương mình. Tuy vậy, trong thời gian ngắn tới đây, niềm vui lớn với người dân và chính quyền Đồng Tháp là quê hương sen hồng sẽ kết nối suôn sẻ được với toàn khu trung tâm đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Hồ Chí Minh và các nước láng giềng trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại buổi lễ khởi công cầu Cao Lãnh. Ảnh: Võ Anh Tuấn.
Đồng Tháp gần như bị chia cắt với trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh bởi sự ngăn cách 2 con sông lớn trong hệ thống sông Cửu Long là sông Tiền và sông Hậu. Nông sản, thủy sản và các loại hàng hóa khác của Đồng Tháp muốn đi các tỉnh khác thuộc trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ ĐBSCL thì phải vượt qua hai con sông này. Tốn chi phí đi đường vòng là một chuyện. Chuyện quan trọng là qua sông lụy… phà rất mất thời gian và khá vất vả.
Trước tình hình đó, dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng sông Mê Kông (từ đây gọi là D.A kết nối trung tâm ĐBSCL) sẽ khai thông thế bế tắc cho địa phương. Ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị quản lý dự án - cho biết: “Việc triển khai D.A kết nối trung tâm ĐBSCL góp phần cùng tuyến QL1, N1 và các QL 30, 54, 80… hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, nối các trung tâm kinh tế trọng điểm ở phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh… với Đồng Tháp, An Giang và các tỉnh đồng bằng Nam bộ”.
Hôm diễn ra lễ khởi công cầu Cao Lãnh (19/10/2013), người dân địa phương và vùng lân cận đến mừng rất đông. Không ai bảo ai, ngay từ sáng sớm bà con đã hồ hởi cùng nhau đến khu vực làm lễ chật kín cả khu vực từ cổng vào, vòng dài đến hết phía mặt tiền lễ đài. Tất cả đều với tâm trạng vui mừng.
Anh Võ Hoàng Phố, 40 tuổi, ở ấp Tân Hòa Đông, xã Tân Mỹ, huyện Lấp Vò) “rất phấn khởi vì trước kia phải đi phà, may mắn lắm thì mất 30 phút chứ không thì gấp đôi. Giờ có cầu thì việc đi lại sẽ thuận tiện hơn”.
Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Hùng Cá cho biết: “Vui mừng không biết là bao nhiêu”. Hùng Cá là doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản. Nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Bình Thành. Đây là vị trí mà muốn đi các tỉnh phía biển của ĐBSCL là phải “luy” phà. Với hơn 70 đầu xe đông lạnh hoạt động mỗi ngày, ông Trần Văn Hùng cho biết, tiết kiệm đến 66% chi phí vận tải.
Chủ DNTN Cỏ May, ông Phạm Văn Bên, cũng nhấn mạnh: “Việc hoàn thành D.A kết nối trung tâm ĐBSCL sẽ tác động tích cực lên từng kg hàng hóa của doanh nghiệp”. Cỏ May là doanh nghiệp chuyên chế biến gạo và lương thực ở huyện Châu Thành và huyện Lai Vung với hơn 40 đầu xe 10 tấn trở lên và 10% trong số đó thường xuyên phải qua phà. Quan trọng hơn, ông Bên cho biết, các đối tác xa sẽ không ngại khi phải về Đồng Tháp vì đường sá không còn cách trở nữa. “Lãnh đạo tỉnh đã tạo nên sinh khí cho người dân. Đây là một kỳ tích của nhiệm kỳ này” - ông Bên khẳng định.
Định hướng phát triển Đồng Tháp sau khi hoàn thành D.A kết nối trung tâm ĐBSCL, trả lời phỏng vấn của Báo Thanh tra, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tỉnh thành lập tổ công tác để nghiên cứu phát huy giá trị của cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống. Theo đó, sẽ quy hoạch để kêu gọi đầu tư ở dọc hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu này để phát triển công nghiệp và du lịch. Khi cầu hoàn thành thì sẽ có thể đón nhận những dự án mới dọc theo triền sông của sông Tiền và sông Hậu.
+ Thưa ông, tỉnh đã cân đối tỷ trọng ngành để khai thác lợi thế sau khi thông cầu như thế nào?
- Nơi bắc cầu Vàm Cống là phát triển công nghiệp. Ở khu vực Lấp Vò, chúng tôi sẽ quy hoạch các cụm công nghiệp dọc theo triền sông Hậu. Lý do là tại đó đã có một cụm công nghiệp đang hoạt động. Lý do thứ hai là cầu Vàm Cống sẽ kết nối qua khu công nghiệp Trà Nóc, cảng Cái Cui và những hạ tầng khác mà Chính phủ sẽ đầu tư cho Cần Thơ.
Ở Sông Tiền với cầu Cao Lãnh, chúng tôi sẽ phát huy lợi thế về du lịch. Bởi vì sông Tiền kết nối các tour du lịch hiện có từ Campuchia. Khu vực này sẽ là điểm nhấn của hệ thống tour này.
+ Vậy, khi phát triển du lịch ở dọc sông Tiền từ Campuchia về thì tỉnh sẽ cân đối thế nào giữa phát triển và bảo tồn với khu Tràm Chim và các khu còn lại?
- Từ đây, du lịch sẽ lan tỏa đến các điểm khác của tỉnh. Trong đó có Vườn Quốc gia Tràm Chim, có khu Gò Tháp với nền văn hóa Óc Eo hàng ngàn năm lịch sử, vườn hoa Sa Đéc... Tỉnh đang xây dựng một đề án phát triển các giá trị của các điểm du lịch ở Đồng Tháp với chủ đề "Đồng Tháp thuần khiết như hồn sen".
+ Trong dự án này thì chính quyền kỳ vọng những gì?
-Từ trước đến nay, Đồng Tháp bị cho là khuất nẻo do ngăn sông cách trở. Nay D.A kết nối trung tâm ĐBSCL sẽ kích thích doanh nghiệp về đây đầu tư nhiều hơn.
Võ Anh Tuấn
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Nằm ở vị trí trung tâm, khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1 có diện tích hơn 6.000m2 bị bỏ hoang nhiều năm nay. Khu đất này đã được UBND Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi để quản lý.
Cảnh Nhật
20:00 12/12/2024(Thanh tra) - Trong bối cảnh Móng Cái đang đẩy mạnh giao thương và du lịch Việt - Trung, Vinhomes Golden Avenue được kỳ vọng trở thành tâm điểm thương mại quốc tế với đa phương thức kinh doanh, tạo đa dòng lợi nhuận cho nhà đầu tư tại vùng lõi trung tâm thành phố.
TC
08:06 12/12/2024Hương Trà
09:24 11/12/2024Uyên Uyên
17:33 04/12/2024Uyên Uyên
11:16 04/12/2024Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC
Thái Hải