Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 22/05/2018 - 06:33
(Thanh tra)- Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có hơn 560 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148km cần sớm được xử lý bảo đảm an toàn.
Sạt lở đang diễn ra phức tạp ở ĐBSCL. Ảnh: CN
Nguy hiểm rình rập
Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân cư, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa mưa mà ngay cả trong mùa khô.
Kiên Giang là tỉnh nằm sát biển Tây, với tuyến đê biển dài 200km từ chùa Hang (huyện Kiên Lương) đến Tiểu Dừa (An Minh). Từ nhiều năm nay, bãi bồi ven biển không ổn định, thay đổi theo từng năm. Hiện tượng bồi, lở bờ biển diễn ra theo mùa, tùy điều kiện thời tiết cũng như dòng chảy các kênh thoát lũ ra biển, mặc dù có những đoạn được bồi đắp nhưng không đáng kể, xói lở vẫn nhiều hơn bồi tụ.
Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, tổng chiều dài bờ biển đang bị sạt lở khoảng gần 70km, trong đó có 30,7km sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cũng như sản xuất người dân. Có 4 huyện ven biển có tuyến đê biển bị sạt lở, nhiều nhất là huyện Hòn Đất (25,9km), tiếp đến là An Biên (25km), An Minh (16,9km) và Kiên Lương (2km).
Nhìn chung, sự xâm thực ngày càng mạnh, mức độ sạt lở rất nghiêm trọng, do ảnh hưởng thủy triều, dòng chảy từ các cửa sông mùa mưa lũ, các tác động của biến đổi khí hậu và gió mùa Tây Nam thổi mạnh gây nên sóng lớn phá vỡ cấu trúc rừng phòng hộ, bóc dỡ các gốc cây lâu năm, làm xói lở đê biển và lấn sâu vào đất liền.
Tại Cần Thơ, ngày 6/4/2018, đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng đe dọa 3 căn nhà, làm hư hỏng đường giao thông nông thôn. Đoạn sạt lở nằm trong công trình bờ kè chống sạt lở sông Ô Môn giai đoạn 3. Vị trí sạt lở nằm gần bến đò ngang Trường THCS Nguyễn Trãi, nơi có rất nhiều học sinh đi học bằng đò.
Lãnh đạo quận Ô Môn cho biết, vị trí sạt lở là nơi đang thi công công trình thuộc bờ kè sông Ô Môn. Sau khi vụ việc xảy ra, địa phương đã khống chế khu vực này không cho bà con đi lại, nếu muốn lưu thông thì đi đò hoặc đi đường tắt. Nguyên nhân sạt lở là do nước xâm thực vào bờ cát, chứ không phải do thi công bờ kè.
Tại Hậu Giang, chỉ trong những ngày đầu tháng 5/2018 đã xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Cụ thể, vụ sạt lở ngày 4/5/2018 xảy ra trên địa bàn ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, làm sụp đổ khoảng 28m đất ven tuyến sông Cái Côn, kéo theo phần đường đi và mái nhà người dân xuống lòng sông.
Tiếp đó, ngày 11/5/2018, tại ấp Phú Lợi, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A đã xảy ra vụ sạt lở đất ven bờ sông Ba Láng, ảnh hưởng trực tiếp 4 hộ dân, làm sụp đoạn đường bê tông khoảng 20m.
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Tại An Giang, từ năm 2015 đến nay đã xảy ra hơn 40 vụ sạt lở đất ven bờ sông nghiêm trọng, làm 142 căn nhà rơi xuống sông và nhiều tài sản khác, ước tính mỗi năm thiệt hại do sạt lở hơn 100 tỷ đồng.
Theo ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở như chế độ dòng chảy các sông chịu ảnh hưởng mạnh đối với các tác động của thủy triều trong mùa khô và chế độ dòng chảy từ thượng lưu về trong mùa lũ.
Bên cạnh đó, mưa trái mùa phức tạp, tác động của quá trình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các đập thủy điện trên sông Mê Kông. Chế độ thủy văn bất thường làm mực nước tăng giảm không theo quy luật, bờ sông liên tục phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng tác động lên đường bờ sông.
Còn tại Đồng Tháp, sạt lở xảy ra liên tiếp tại 45 xã, phường, thị trấn thuộc 10/12 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2017 đến nay, tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đã xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài sạt lở 210m, diện tích sạt lở khoảng 3.250m2, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, rất may chưa xảy ra thương vong.
Ông Võ Văn Thanh, người dân ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, Thanh Bình cho biết, trước đây sạt lở luôn có dấu hiệu như nền đất nứt nẻ nên người dân có thể chủ động ứng phó. Còn bây giờ, dòng sông cứ bình lặng nhưng có thể “nuốt chửng” hàng trăm mét đất và nhà cửa bất cứ lúc nào. Người dân khu vực này hiện luôn phải sống trong bất an vì không biết khi nào “hà bá” kéo nhà mình xuống sông.
Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp ở ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt như: Triển khai xây dựng công trình kè và đê mềm chống sạt lở tại các khu vực sạt lở xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng; các địa phương rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý khai thác cát trên sông, ven biển, kiên quyết không để tình trạng khai thác cát sỏi không quy hoạch, cấp phép quá mức.
Đồng thời, tập trung trồng cây, trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn ven biển; rà soát quy hoạch xây dựng, không để xây dựng nhà cửa, công trình tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chủ động bố trí lại dân cư, tái định cư, quy hoạch lại sản xuất; chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Kông để điều tiết dòng chảy, nhất là trong mùa khô…
Cảnh Nhật
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều 11/12, tại phiên chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội, Chánh Thanh tra thành phố Hà Nội Trần Đức Hoạt cho biết, đơn vị đã thanh tra Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng và chỉ ra 5 tồn tại, vi phạm. Theo tìm hiểu, dự án đã "đắp chiếu" hơn 10 năm...
Hải Hà
20:22 11/12/2024(Thanh tra) - Chiều ngày 10/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp tổng kết Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2024.
Hoàng Nam
21:03 10/12/2024Minh Tân
20:30 10/12/2024Khoa Lê
10:12 10/12/2024Hoàng Nam
09:33 10/12/2024Bảo Trân
11:54 08/12/2024Trần Quý
Ngọc Phó
Hải Hà
TK
T.Thanh
Phương Anh
Cảnh Nhật
Văn Thanh
Bùi Bình
Hải Hà
Văn Thanh
Bùi Bình